Thầy và trò trong nghệ thuật tuồng

Là 'ánh sáng khúc xạ' của hiện thực đời sống, nghệ thuật tuồng phản ánh khá đầy đủ các mối quan hệ xã hội như: vua - tôi, phụ - tử, mẫu - tử, sư - đồ, phu - thê, bằng hữu… Trong đó, tình cảm 'sư - đồ' là một trong những vấn đề được nghệ thuật tuồng quan tâm chú trọng.

Cảnh thầy trò trong vở tuồng Sao Khuê trời Việt

Cảnh thầy trò trong vở tuồng Sao Khuê trời Việt

Tình thầy trò - nguyên liệu của nghệ thuật

Tự cổ, người dân Việt Nam đã có truyền thống tôn sư trọng đạo. Đặc biệt trong thời kỳ xã hội phong kiến với quan điểm chính thống là Nho giáo, việc học và mối quan hệ gắn bó giữa thầy với trò luôn được xã hội tôn vinh hết mực. Thậm chí nâng lên thành đạo lý Tam cang giả gồm: quân - thần, sư - đồ, phụ - tử, ý muốn khẳng định tầm quan trọng của ba mối quan hệ này đối với một con người sống trong xã hội.

Nó giống như mối quan hệ quân - thần, phụ - tử, phu - phụ của đạo Tam cang vậy. Nghĩa thầy trò là tình cảm thiêng liêng và trở thành một trong những tiêu chí đạo đức cốt yếu để đánh giá nhân phẩm con người. Trong kho tàng tri thức của cha ông để lại, cả truyền miệng và sách vở, có rất nhiều câu nói hay về tình thầy trò như: Nhất tự vi sư, bán tự vi sư; Tôn sư trọng đạo; Không thầy đố mày làm nên; Ân truyền thụ minh tâm khắc trí, nghĩa sinh thành tạc dạ lưu tâm

Hướng về mối quan hệ thầy trò, nghệ thuật tuồng khai thác phản ánh về sợi dây liên kết này khá đầy đủ, đặc sắc. Hầu hết các thể loại tuồng (từ tuồng cổ đến tuồng xuân nữ, tuồng lịch sử…) đều có chọn mối liên hệ thầy trò làm nguyên liệu sáng tạo nghệ thuật. Ví như vở tuồng cổ Cổ miếu vãn ca; một số vở tuồng xuân nữ như Xử án Bàng Quý phi, Phụng kỳ mưu soán đế, Tam hạ Nam Đường..., tuồng lịch sử như vở Sao Khuê trời Việt của tác giả Tống Phước Phổ; tuồng sáng tác mới như Tiết Giao trả ngọc của tác giảVăn Trọng Hùng.

Phương thức phản ánh tình cảm thầy trò của nghệ thuật tuồng cũng rất đa dạng. Có lúc, tác giả để cho các nhân vật thầy, trò xuất hiện trực tiếp trên sân khấu. Ví như việc Lê Sơn Thánh mẫu hạ sơn gặp và tác hợp nhân duyên cho hai đồ đệ là Lưu Kim Đính và Cao Quân Bảo ở lớp Quán bà Chằn trong vở Tam hạ Nam Đường của Tống Phước Phổ. Khi Lê Sơn Thánh mẫu truyền ý, phận đồ đệ như Cao Quân Bảo nhất mực cung kính vâng theo.

Đôi khi, các nhân vật thầy hoặc trò chỉ xuất hiện gián tiếp qua lời nói của nhân vật khác. Tựa như sự xuất hiện của nhân vật sư phụ của Triệu Long trong những lời bộc bạch đầy tôn kính của chàng trai này khi từ biệt nơi học đạo, xuống núi ra ứng thí trong vở Phụng Kỳ mưu soán đế.

Thầy nào trò đó

Thuật tuồng có cách tiếp cận riêng mang tính đặc trưng của loại hình nghệ thuật này. Với sân khấu tuồng, sự phân biệt giữa trung và nịnh, chính với tà rất minh bạch. Thầy nào trò đó, thầy là những bậc tiên gia, cao nhân đắc đạo thuộc hàng danh môn chánh phái như Lê Sơn Thánh mẫu hay Vương Thuyền Lão tổ… sẽ đào tạo nên những học trò trung trực - tức nhân vật chính diện, làm rường cột cho chính triều. Ví như: Địch Thanh, môn đệ của Vương Thuyền Lão tổ (vở Xử án Bàng Quý phi) hay Cao Quân Bảo và Lưu Kim Đính đồ nhi của Lê Sơn Thánh mẫu (vở Tam hạ Nam Đường).

Sau khi học đạo, những người này đều trở thành tướng tài và là trụ cột cho triều đình chính thống. Ngược lại thầy là tà đạo như Hoa Sơn Lão tổ, Dư Hồng... sẽ đào tạo ra những học trò có bản tính xấu, hung ác và đi theo phe phản diện hoặc triều đình hiếu chiến phi nghĩa. Như Nha Lý Ba đồ đệ của Hoa Sơn Lão tổ (vở Xử án Bàng Quý phi).

Nói về sự thể hiện tính cách, bản chất con người qua ngoại hình, cổ nhân có câu trông mặt mà bắt hình dong. Các nhân vật thầy, trò của hai phe chính diện và phản diện cũng được khắc họa rõ nét qua hóa trang, phục trang tuồng. Thầy phe phản diện thường là những yêu đạo. Tướng mạo thường cổ quái, đầu tóc bù xù, mặt mày được vẽ lên những họa tiết phỏng theo hình các con ác thú, quái thú như rắn rết, chim đỏ… Đạo cụ dùng thường là những thứ như đầu lâu, gậy, lục lạc…Học trò theo yêu đạo là những tướng phản diện có mặt mày bặm trợn, dữ tợn, hung ác…

Đối nghịch với phe phản diện, thầy phe chính diện thường có khuôn mặt nhân từ phúc hậu của vị tiên gia. Hóa trang mặt trắng hồng, môi đỏ, đường nét sắc sảo, mảnh mai, râu tóc bạc… toát lên thanh tao thoát tục. Đạo cụ thường là cây phất trần. Học trò của các bậc tiên trưởng thường là những trung thần, trí tướng thuộc diện kép đỏ, kép trắng như: Địch Thanh, Cao Quân Bảo, Triệu Long, Triệu Hổ,...

Dù có sự phân biệt rạch ròi làm hai phía tốt - xấu đối nghịch nhau nhưng chúng ta thấy tựu chung lại nghệ thuật tuồng hướng về mối quan hệ thầy trò chỉ với một hướng nhìn, một thái độ là nâng niu, trân trọng. Dẫu ở phía chính hay tà thì tình cảm gắn bó, sự mẫu mực trong mối quan hệ thầy trò giữa các nhân vật tất cả đều được diễn tả trân quý như nhau. Thầy coi trò như máu mủ ruột rà và trò cũng kính yêu, hiếu đạo với thầy hết mức. Tinh thần tôn sư trọng đạo, nghĩa sư đồ… luôn mãi thiêng liêng.

Theo

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/van-hoa/thay-va-tro-trong-nghe-thuat-tuong-3963815-b.html