Thấy và ghi ở 'sàn giao dịch bò' Tà Ngáo

Mỗi ngày, từ 'sàn giao dịch bò' Tà Ngáo ở ấp Phú Tâm, thuộc xã biên giới An Phú, huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang có hàng trăm con bò được bán ra thị trường các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, TP Hồ Chí Minh và vùng Đông Nam bộ. Có lẽ vì vậy mà người dân ở đây thường tự hào khoe với du khách khi tới thăm chợ rằng, Tà Ngáo là chợ bò duy nhất và lớn nhất của cả vùng biên giới Tây Nam.

Một góc chợ bò Tà Ngáo.

Một góc chợ bò Tà Ngáo.

Tấp nập chợ bò

Từ tờ mờ sáng, chúng tôi đã thấy từng tốp bò lũ lượt nối đuôi nhau men theo quốc lộ 91 chạy qua khu vực gần biên giới Việt Nam - Cam-pu-chia để xuống chợ Tà Ngáo. Thấy chúng tôi đang lơ ngơ như... "bò đội nón", anh Trương Văn Tâm, một người dân địa phương chuyên hành nghề dắt bò thuê cho biết, từ đầu những năm 2000, khi hai bên Việt Nam và Cam-pu-chia "thông thương mạnh", có nhiều nông dân bên Cam-pu-chia mang bò sang bên chợ Tà Ngáo bán vì thấy được giá hơn bên họ, từ đó hình thành "chợ bò chuyên nghiệp". Tuy nhiên, thời gian đầu, mỗi ngày chợ chỉ họp vài giờ đồng hồ, trao đi bán lại chừng dăm, bảy con bò rồi tan. Còn bây giờ, chợ bò Tà Ngáo đã trở thành đầu mối tiêu thụ bò cho nông dân một vùng rộng lớn bên phía Bạn như Cần-đan, Tà-keo... Cảnh mua bán ở chợ sôi động nhất là khi mùa lũ về và kéo dài đến Tết Nguyên đán, với trên dưới 300 con bò được mua bán mỗi phiên. Số bò này chủ yếu được các chủ nậu chuyên thu gom bò về giết mổ, cung ứng cho thị trường nội địa, số còn lại là những nông dân mua về để vỗ béo hoặc làm giống sinh sản.

Quan sát cách thức giao dịch ở "sàn bò" Tà Ngáo, chúng tôi thấy có rất nhiều điểm độc đáo. Bò đến chợ, đủ các loại to nhỏ, béo gầy, trắng, vàng. Người bán, kẻ mua, đặc biệt là lái buôn đến đây giao dịch từ rất sớm. Xem xét, ngã giá từng con xong, người mua dắt ra điểm tập kết. Đặc biệt, do nguồn hàng phong phú nên mỗi lái buôn mua đến hàng chục con. Một tư thương người TP Hồ Chí Minh tên Tư Thắng cho biết, có hôm, từ sáng đến trưa, anh đã mua được 25 con, chờ đến chiều khi chợ tàn, mua thêm hơn chục con nữa. Tư Thắng tiết lộ rằng, mua bò cũng phải kiên nhẫn chọn từng con, sao cho nó sở hữu những đặc điểm tốt nhất. Tất nhiên phải tùy theo mục đích mua bò của người mua là về làm thịt hoặc chăn nuôi, hay làm giống sinh sản. Những con bò khi được khách hàng mua xong sẽ được người bán đánh dấu bằng những vệt mực màu đỏ ở mông và cột ở một góc chợ chờ xe đến chở đi... "Với những con bò mà đến qua trưa vẫn chưa bán được, chủ thường cho "ở trọ" tại các chuồng được Ban quản lý chợ dựng lên ở xung quanh khu vực Tà Ngáo. Nếu vậy, chủ bò phải đi liên hệ với dân địa phương nhờ mua cỏ, rơm cho bò ăn để hôm sau tiếp tục "lên sàn"..." - Tư Thắng nói sau một hồi cười rổn rảng.

Tiếng là chợ chuyên cung ứng "bò ngoại", nhưng ở Tà Ngáo cũng có nhiều người địa phương mang bò đến bán, song loại tiền chủ yếu được giao dịch ở đây vẫn là đồng Ria (tiền Cam-pu-chia). Bán được bò, các chủ bò đếm tiền ngay tại chợ, rồi rủ nhau vào quán nhậu vốn nhan nhản quanh chợ làm "chầu nho nhỏ". Trao đổi với chúng tôi thông qua phiên dịch là ông chủ quán người Khmer, Sa-run, một nông dân Cam-pu-chia vừa bán xong con bò của mình cho biết: "Để bán được con bò này, mình sang Việt Nam từ sáng sớm. Ở bên Cam-pu-chia, nông dân vẫn còn vất vả, quanh năm cặm cụi với ruộng vườn. Số tiền bán con bò này, ngoài khoản dành cho con ăn học, mình sẽ mua 2 con bê để nuôi. Hy vọng, bằng giờ sang năm sẽ có 2 con bò để mang sang Việt Nam bán…".

Dắt bò sang chợ Việt Nam.

Ngày càng phát triển

Gần một buổi sáng có mặt ở chợ bò Tà Ngáo, chúng tôi nhận thấy một điều khá thú vị là trái ngược với hình dung ban đầu về một khu chợ gia súc ồn ào náo nhiệt bởi lời qua tiếng lại, kỳ kèo mặc cả, ở đây chỉ nghe thấy âm thanh rì rầm thương lượng và đánh giá bò của người mua thông qua "thông ngôn" là những người dân Khmer ở địa phương. Về chuyện này, ông Trương Văn Thùy, năm nay đã ở tuổi "bát thập", quê gốc ở Châu Đốc lên ấp Phú Tâm hành nghề mua bán bò từ khi chợ bò Tà Ngáo mới bắt đầu đi vào hoạt động, giải thích: "Người Cam-pu-chia vốn chân chất, thật thà nên thường không "hét" giá. Về phía người mua, thấy vậy cũng chỉ mặc cả đôi chút để lấy may. Hiện, giá mỗi con bò ở chợ Tà Ngáo dao động từ 5 đến 20 triệu đồng, tùy thuộc vào nhiều yếu tố như gầy hay béo, đực hay cái, đẹp mã hay không và mua về để cày hay lấy thịt. Là chợ bò lớn nhất vùng biên giới Tây Nam nên rất ít người phải ra về tay không...". Cũng theo "lái bò kỳ cựu" Trương Văn Thùy, do là chợ gia súc lớn nên tại đây, việc mua bán bò luôn có sự kiểm soát của các ngành chức năng địa phương như thuế, thú y... Theo đó, tất cả bò khi đến chợ đều được đưa vào khu cách ly vệ sinh, kiểm dịch tiêm phòng bệnh chặt chẽ, rồi mới lên "sàn giao dịch". Trong quá trình giao dịch, cả bên bán và bên mua đều tuân thủ các quy định của pháp luật Việt Nam về nghĩa vụ thuế...

Ông Huỳnh Hữu Phúc, Chủ tịch UBND xã An Phú cho biết, chợ bò Tà Ngáo hoạt động sôi động đã tạo được giao lưu, giao thương hàng hóa của người dân hai bên biên giới. Từ ngày có chợ, người nông dân hai bên biên giới đã thực hiện được việc luân chuyển trâu bò, tạo công ăn việc làm cho nhiều người. Hiện nay, ngoài việc mua bán bò, chợ bò Tà Ngáo còn phát triển thêm nhiều dịch vụ khác, giải quyết việc làm cho trên 500 lao động ở địa phương. Nhằm duy trì an ninh trật tự ở chợ bò cũng như khu vực cửa khẩu, chính quyền xã An Phú thường xuyên liên hệ với chính quyền địa phương nước bạn bàn những biện pháp hữu hiệu nhất để hàng hóa được thông thương và quản lý về con người, hàng hóa nhằm bảo vệ tốt an ninh trật tự xã hội vùng giáp biên. "Ngoài lợi ích kinh tế, chợ bò độc đáo này đã góp thêm một nét đặc sắc ở vùng nông thôn biên giới An Giang. Chúng tôi sẽ nỗ lực duy trì, phát triển để chợ bò Tà Ngáo trở thành một trung tâm mua bán trâu bò lớn, trở thành điểm đến cho những ai có nhu cầu mua bán, trao đổi, tìm hiểu về loài gia súc này…" - Ông Phúc cho biết thêm.

Nguyễn Long

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/thay-va-ghi-o-san-giao-dich-bo-ta-ngao/