Thầy trò và tri kỷ

Giải Nobel Kinh tế 2020 vinh danh hai giáo sư của Trường đại học (ÐH) Stanford - Robert Wilson (bên trái) và Paul Milgrom (bên phải), vì những đóng góp cho hệ thống lý thuyết đấu giá - một khái niệm hoàn toàn mới trong nghiên cứu kinh tế. Và đặc biệt hơn cả, Wilson chính là người đã dìu dắt Milgrom suốt nửa thế kỷ qua, từ một nghiên cứu sinh trẻ tuổi trở thành nhà nghiên cứu đầu ngành.

Giải Nobel Kinh tế 2020 vinh danh hai giáo sư của Trường đại học (ÐH) Stanford - Robert Wilson (bên trái) và Paul Milgrom (bên phải), vì những đóng góp cho hệ thống lý thuyết đấu giá - một khái niệm hoàn toàn mới trong nghiên cứu kinh tế. Và đặc biệt hơn cả, Wilson chính là người đã dìu dắt Milgrom suốt nửa thế kỷ qua, từ một nghiên cứu sinh trẻ tuổi trở thành nhà nghiên cứu đầu ngành.

Duyên trời định

“Chúng tôi trân trọng trao giải Nobel Kinh tế 2020 cho Robert Wilson và Paul Milgrom với những sáng kiến cho hình thức đấu giá hiện đại. Những khám phá của họ đã góp phần mang lại lợi ích to lớn cho cả người bán, người mua và những người nộp thuế thông qua đấu giá trên toàn thế giới”, Ủy ban Nobel thông báo.

Lúc đó, ở nước Mỹ vẫn đang là nửa đêm. Với một người thích ngủ sớm và dậy sớm như Milgrom, dĩ nhiên ông không muốn bỏ qua thói quen thường ngày để chờ đợi một giải thưởng mà chính ông cũng không chắc khi nào sẽ đến tay mình. May mắn là người thầy của ông lại không như thế. Hớt ha hớt hải chạy đến nhà Milgrom, Wilson lập tức gõ cửa.

Tốt nghiệp chuyên ngành toán Trường ÐH Michigan, Milgrom khiến thế giới suýt nữa mất đi một nhà kinh tế học thiên tài, nếu ông chấp nhận suốt đời làm công việc của một chuyên viên thống kê. Trải qua một vài công ty lớn và sớm có tên trong Hiệp hội Thống kê Mỹ, Milgrom muốn bản thân làm những điều lớn lao hơn trong tương lai.

Ðích đến Milgrom nhắm tới là Trường ÐH Stanford. Năm 1975, ông đăng ký theo học chương trình thạc sĩ khi đã 27 tuổi. Xuất phát chậm so với nhiều bạn học, nhưng Milgrom nhanh chóng vượt qua tất cả nhờ tài năng thiên bẩm cùng nỗ lực hơn người. Kết thúc năm đầu tiên, Khoa Kinh tế hẹn ông lên nói chuyện và đưa ra lời mời: “Chúng tôi ghi nhận thành tích xuất sắc của em ở lĩnh vực thống kê, nhưng em có muốn thử sức ở chuyên ngành kinh tế không?”.

Giáo sư đưa ra lời mời đầy hấp dẫn đó cho Milgrom chính là Wilson. Không mất nhiều thời gian, Milgrom lập tức gật đầu để theo học cả chương trình thạc sĩ lẫn tiến sĩ. Trong vòng bốn năm, Milgrom hoàn tất cả hai một cách xuất sắc. Một lần nữa, Wilson gắn bó với ông trên cương vị giáo sư hướng dẫn làm luận văn tiến sĩ kèm lời hứa: “Hãy cố gắng hết sức, để chúng ta trở thành đồng nghiệp trong tương lai”.

Người thầy trầm lặng

Ở một khía cạnh nào đó, giải Nobel Kinh tế 2020 chưa thể nói lên hết tầm vóc của Robert Wilson. Giống như người đồng nghiệp Robert Solow ở MIT, Wilson nổi tiếng nhờ đào tạo nên một thế hệ học trò xuất sắc. Milgrom chỉ là một trong ba học trò của Wilson được trao giải Nobel Kinh tế. Hai người kia - Bengt Holmstrom và Alvin Roth - nhận vinh dự ấy trước cả thầy. Với cá nhân Wilson, giải Nobel danh giá dường như là sự ghi nhận lớn nhất cho cuộc đời chìm nổi của nhà kinh tế học này.

Ðược ÐH Harvard tiếp nhận cùng suất học bổng toàn phần, Wilson là tinh hoa trong những tinh hoa. Ông tốt nghiệp cử nhân loại ưu năm 22 tuổi, và cũng chỉ mất bốn năm tiếp theo để hoàn thành cả chương trình thạc sĩ lẫn tiến sĩ. Là một người con của Harvard, Wilson muốn tiếp tục ở lại để đóng góp và cống hiến nhưng lại không được tạo điều kiện. Thế là ông quyết định ra đi, đầu quân cho Trường ÐH California rồi sau đó là Stanford kể từ năm 1964 đến nay.

Hơn nửa thế kỷ gắn bó với Stanford, Wilson luôn được trọng vọng bởi toàn thể học viên và đội ngũ ban giám hiệu. Ngoài “ba cậu học trò Nobel”, ông còn là tác giả của hơn 100 đầu sách và công trình kinh tế lớn khác. Mến mộ tài năng của Wilson, không ít tạp chí khoa học mời ông làm biên tập viên, để góp ý cho những đồng nghiệp trẻ. Trước mỗi lời mời, Wilson đều vui vẻ đón nhận.

Thành công với sự nghiệp của một kinh tế gia, nhưng tình cảm dành cho ÐH Harvard của Wilson cũng chưa bao giờ phai nhạt. Ðầu thập niên 90 của thế kỷ trước, ông trở lại Trường Luật Harvard với tấm bằng Tiến sĩ danh dự. Nhưng, rõ ràng, ngôi trường này không còn là nơi ông thuộc về nữa.

Gác tình yêu với Harvard qua một bên, Wilson trở lại nghiên cứu lý thuyết đấu giá, cũng là công trình của cuộc đời ông. Ít ai biết học thuyết này được phát triển từ “lý thuyết trò chơi” của John Nash và những người tiền nhiệm. “Vậy nếu coi đấu giá là một cuộc chơi thì ai được, ai mất ở những lần đấu giá? Có khi nào tất cả đều chịu thiệt hại không? Nếu thế, làm cách nào để mọi người và toàn xã hội đều được hưởng lợi từ cuộc chơi này?”. Suy nghĩ đó làm Wilson tiếp tục vùi đầu nghiên cứu.

Phá giải lời nguyền

Lý thuyết đấu giá được Wilson xây dựng khung khái niệm cơ bản, rồi sau đó Milgrom tiếp tục phát triển sâu rộng như ngày nay. Gần nửa thế kỷ gắn bó cùng nhau, bộ đôi thầy - trò này nhiều đêm quên ngủ ở phòng làm việc để tranh luận, tìm ra công thức tối ưu nhất cho đấu giá. Ðó là lúc họ phát hiện ra “lời nguyền kẻ chiến thắng”: Người thắng trong một cuộc đấu giá luôn là kẻ lỗ nặng nhất.

Theo logic thông thường của thị trường, một người sẽ mua hàng từ người bán ra giá thấp nhất, rồi bán cho người mua trả giá cao nhất. Tư duy đó lại không thật sự chính xác trong mỗi cuộc đấu giá. Ngay cả nhà phát minh thiên tài Thomas Edison cũng từng phải đầy ngạc nhiên khi một sản phẩm điện ông sáng chế ra lại được vài tập đoàn tranh nhau mua với giá lớn gấp hàng chục lần ước tính ban đầu.

Với khái niệm “lời nguyền của kẻ chiến thắng”, Wilson và Milgrom chỉ ra cơ chế vận hành một cuộc đấu giá. Ở đó người mua chịu tác động từ rất nhiều nhân tố, bao gồm cả hành vi cá nhân của họ. Vì sợ phải mua với giá cao hơn nhiều lần so với giá thực tế do thị trường quy định, hầu hết người mua chỉ dám trả giá thấp hơn giá trị thực. Việc này không tối ưu hóa lợi ích cho xã hội, vì thế hai thầy trò nghiên cứu nhằm thay đổi hành vi của người mua.

Từ hệ thống lý thuyết Wilson đưa ra, Milgrom sáng tạo một mô hình khiến những người trả giá biết số tiền mỗi người sẵn sàng trả ra là bao nhiêu. Việc này tạo ra sự cạnh tranh về giá khi tiến hành đấu giá, qua đó khiến người bán và nhà nước hưởng lợi từ tiền thuế. Tầm quan trọng của thuyết đấu giá được thể hiện bằng việc vào cuối những thế kỷ trước, Bộ Nội vụ Mỹ mời Wilson và Milgrom làm cố vấn đặc biệt để triển khai Luật Ðấu giá mới. Học theo Mỹ, nhiều quốc gia cũng đã bắt đầu làm theo mô hình này.

Hải Sơn

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/nhan-vat_1/thay-tro-va-tri-ky-621737/