Thầy trò biên giới vào xuân

Đến với vùng sâu, vùng xa đứng chân dạy học, ngày ngày sống, dạy học trong điều kiện khó khăn, khắc nghiệt, càng làm cho tình cảm giữa những người giáo viên gắn bó, thân thiết với nhau hơn. Họ không chỉ cảm thông, chia sẻ 'niềm vui, nỗi buồn' cùng nhau, mà còn 'kề vai, sát cánh' với con em học sinh đồng bào dân tộc thiểu số.

Tết về, nghĩa tình của những người giáo viên vùng cao như càng đong đầy hơn khi họ dành dụm những đồng lương ít ỏi, hay đi vận động các tổ chức, cá nhân hỗ trợ mua sắm tấm áo, chiếc quần, đôi dép, tập vở làm món quà Tết giản dị trao tặng cho các em học sinh.

Đến với các trường học vùng cao xã Trà Nham, Trà Phong… (huyện miền núi Tây Trà, tỉnh Quảng Ngãi), chúng tôi thật sự cảm động trước cuộc sống khó khăn của con em, học sinh nơi đây. Không chỉ sinh sống trong những căn nhà tạm bợ, học sinh nơi đây phải học trong những phòng học tạm, không có đủ sách vở để học tập, áo quần phong phanh, nhàu cũ, đôi chân lấm lem bùn đất.

Hầu hết hoàn cảnh gia đình học sinh đều thuộc hộ nghèo. Mỗi dịp Tết đến, xuân về, trong khi trẻ em của những gia đình có điều kiện đủ đầy đã được mua sắm quần áo mới, đồ chơi mới, thì đối với trẻ em nơi đây đó chỉ là một niềm mơ ước.

Ăn chưa đủ no, mặc chưa đủ ấm, thế nên chuyện đến trường của nhiều em nhỏ còn thật sự gian nan. Bởi vậy, những món quà Tết mà người người thầy giáo, cô giáo trao tặng không chỉ có ý nghĩa thiết thực, mà còn là niềm động viên to lớn đối với các em học sinh. Chính nhờ tấm lòng thơm thảo của những người giáo viên mà những học sinh có thêm niềm động lực phấn đấu học tập, bám trường, bám lớp.

Ngày đến thăm Trường Tiểu học Trà Nham, chúng tôi không khỏi xúc động khi nghe những lời chia sẻ của cô giáo Ngô Thị Hoa – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Trà Nham về cuộc sống, hoàn cảnh của các em học sinh nơi đây. Qua lời cô, chúng tôi mới thực sự hiểu được bức tranh hoàn cảnh cuộc sống của những đứa trẻ vùng cao. Mỗi em, mỗi hoàn cảnh, mỗi cuộc đời, số phận khác nhau nhưng đứa nào cũng rơi vào cuộc sống khổ cực, thiệt thòi như nhau.

Điều đó đã lý giải vì sao tình cảm của những người giáo viên dành cho các em học sinh là vô điều kiện, không một toan tính thiệt hơn. Bởi nói như lời tâm sự của cô giáo Ngô Thị Hoa, một khi đã xác định tình nguyện về giảng dạy ở đây thì mình không còn nghĩ đến chuyện thiệt hơn và đã là người giáo viên công tác vùng khó thì điều mong muốn lớn nhất là các em học sinh được đến trường, học được con chữ để thoát khỏi nghèo đói, lạc hậu.

Những ngày giáp Tết, công việc của những người giáo viên Trường PTDTBT Tiểu học Tr’Hy (xã Tr’Hy, huyện biên giới Tây Giang, tỉnh Quảng Nam) như càng bộn bề hơn. Họ tranh thủ những ngày nghỉ cuối tuần đi kêu gọi, vận động các tổ chức, cá nhân chung tay hỗ trợ để sắm Tết cho học trò của mình. Hễ nhận được sự đồng ý hỗ trợ từ đâu, họ tranh thủ thời gian xuống núi, nhận quà mang về trao tận tay cho các em học sinh. Những chiếc áo ấm, cặp sách, áo mưa, quần áo Tết, đến những suất bánh kẹo, sữa uống… được các thầy cô giáo trao tận tay cho các em học sinh trong niềm vui, xúc động.

Những món quà không đủ giúp các em học thoát khỏi nghèo khó, vất vả, nhưng nó như là một làn gió ấm giúp học sinh vùng cao vượt qua những ngày đông giá rét, thắp lên niềm vui mỗi khi Tết đến, xuân về, tiếp thêm động lực, niềm tin giúp các em gắn bó hơn với trường lớp.

Có hơn 30 năm gắn bó với con em đồng bào dân tộc vùng biên giới Quảng Nam, thầy giáo Trần Trực Hiệu trưởng Trường PTDTBT Tiểu học Tr’Hy, bày tỏ:

Mỗi dịp Tết đến xuân về, trong khi trẻ em nhiều nơi được bố mẹ, gia đình mua sắm đủ đầy đón Tết, vậy nhưng đối với những em học sinh nơi đây, đó chỉ là niềm mơ ước. Quanh năm thiếu ăn, thiếu mặc, cho nên chuyện đến trường của nhiều em còn thật sự gian nan. Các em thường xuyên phải đối diện với nguy cơ bỏ học, thế nên, được đến trường đã là niềm vui lớn của các em. Để chia sẻ một phần khó khăn với các em học sinh, năm nào cũng vậy, mỗi độ Tết đến, giáo viên nhà trường đều dành dụm, trích những đồng lương, hay đi vận động, quyên góp mua sắm quần áo, tặng quà cho học sinh.

Đại Khải

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/giao-duc/thay-tro-bien-gioi-vao-xuan-3915795-bt.html