Thầy tôi chở những chuyến đò...

Thầy về trường làng vào một ngày cuối thu, khi ngọn gió heo may bắt đầu thêu dệt những thảm lá vàng lên mặt đường. Trong màn sương giăng quanh quất, thầy dắt chiếc xe đạp đi kế bên thầy hiệu trưởng tiến về phía lớp học chúng tôi. Lũ trẻ nhỏ mặt mũi nhem nhuốc, tay cầm cỏ gà chọi dở, ngơ ngác nhìn thầy đang tươi cười vẫy chào học sinh.

Ngày ấy, ngôi trường cấp I của xã không đủ phòng học để đón học sinh khóa mới. Làng tôi và một nửa học sinh của làng bên được xếp học riêng trong khuôn viên ngôi chùa nằm ngay đầu làng. Trường làng chỉ có hai phòng học cấp 4 lợp mái ngói cũ mốc meo, màu nâu xỉn nhuốm màu bụi bặm. Tường quét vôi ve nham nhở những vết bẩn ngang dọc. Mỗi năm, trường làng chỉ đón một khóa học sinh lớp 1 nên không mấy ai quan tâm đến cơ sở vật chất nơi đây.

Thầy được phân về làm chủ nhiệm lớp chúng tôi. Sau khi làm quen, việc đầu tiên của thầy là “làm mới lớp học”. Thầy nói với chúng tôi, dù mình còn nghèo, bàn ghế, phòng học không mới nhưng lúc nào cũng phải gọn, sạch. “Đói cho sạch, rách cho thơm”, đó là bài học đầu tiên thầy nhắc nhở chúng tôi. Đầu giờ sáng hôm sau, lũ trẻ đã nhốn nháo với những vật dụng mang theo, từ chổi, giẻ lau, sào đến cả gàu múc nước giếng. Thầy trò cùng nhau dọn dẹp từng góc nhỏ của phòng học. Phải đến khi viên ngói vỡ cuối cùng được đảo lại, thầy mới tạm yên tâm cho những học trò nhỏ của mình.

Minh họa: MẠNH TIẾN.

Minh họa: MẠNH TIẾN.

Buổi học chữ, thầy khó nhọc vẽ từng nét phấn lên chiếc bảng xi măng đã trở nên bóng láng. Thấy học trò bên dưới nhấp nhổm, nghiêng ngó cố nhìn cho rõ, thầy chỉ cách cho chúng tôi ra sân hái lá khoai lang về nhuộm lại bảng. Ngay trước cửa lớp, ruộng khoai lang của nhà chùa được trồng cách đây mấy tháng, lá xanh bò trùm khắp mặt luống. Sau khi xin phép nhà chùa, thầy trò chúng tôi chia nhau hái những lá già dưới gốc dây khoai lang. Ruộng khô, lá khoai dày, bước chân nhỏ lần lần dưới mặt đất chỉ sợ làm hỏng những ngọn khoai mới trổ. Chỉ một lúc, trong tay mỗi người có một nắm đầy lá khoai lang, thầy trò trở về lớp bắt đầu cọ khắp mặt bảng. Mặt bảng được nhuộm xanh dần theo từng đường cọ lá khoai. Lần lượt từ trái qua phải, vụn lá khoai rơi xuống mặt đất càng nhiều, mặt bảng càng trở nên xanh hơn. Chỗ bảng lau trước, nhựa khoai lẫn sắc xanh của lá đã khô cong, viên phấn trong tay thầy uốn những nét chữ thẳng đều lên mặt bảng.

Những buổi sớm, giọng thầy đọc bài trầm ấm vang vang trong căn phòng nhỏ khiến những người làm đồng đi ngang qua bất giác phải ngoái đầu lại. Ánh nắng hanh hao chiếu xiên qua hiên nhà, lọt qua ô cửa sổ vào phòng học. Cả căn phòng sáng bừng lên trong nắng sớm đánh thức những nụ cười trẻ thơ trong lớp học. Ngọn gió mơn man mang theo hương thị cuối mùa tràn ngập căn phòng. Giờ ra chơi, chúng tôi ùa ra sân hò nhau chơi đủ trò con trẻ. Thầy vẫn ngồi trong lớp học, dáng người gầy gầy cần mẫn sửa lại những nét chữ nguệch ngoạc, thiếu nét của học trò. Có buổi không phải sửa bài, thầy cũng tham gia nhiều trò với chúng tôi. Những lúc ấy, thầy thật trẻ trung, vui nhộn, gần gũi với đám học trò làng.

Một bận, đã quá giờ vào lớp một lúc lâu mà vẫn không thấy thầy đâu. Nhiều đứa trong lớp bắt đầu hò hét, đuổi bắt nhau trong lớp. Cô giáo lớp bên phải sang nhắc chúng tôi giữ trật tự, mở sách ra đọc bài. Đợi cô đi khuất, chúng tôi lại rì rầm bàn tán xem tại sao thầy vẫn chưa đến. Thằng Tâm nhà ở mãi gần đê sông Đuống kể với chúng tôi thầy không phải người trong xã. Nhà thầy bên kia sông, sáng nào nó cũng gặp thầy đạp xe từ bến đò qua nhà. Vậy hôm nay thầy có qua không? Hay thầy bị làm sao? Chúng tôi nhao nhao hỏi khiến thằng Tâm ngẩn người, ngơ ngác.

Những ánh mắt lo lắng bắt đầu hướng về phía cổng chùa, nơi ngày ngày thầy vẫn cẩn thận dắt xe vào trường. Thật may mắn, từ ngoài cổng, khi màn sương đục bắt đầu vợi bớt, bóng dáng quen thuộc của thầy xuất hiện trong tiếng reo vui của lũ nhỏ. Thầy kể với chúng tôi thời tiết có sương đậm, bác lái đò không thể chèo sớm khiến thầy lỡ một chuyến đò sang sông. Và rồi sau này, thầy còn lỡ đôi chuyến đò khác nhưng với “chuyến đò” chở chúng tôi, thầy không bỏ lỡ dù chỉ một lần.

Tản văn của NGUYÊN ĐỨC

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/van-hoa-giao-duc/van-hoc-nghe-thuat/thay-toi-cho-nhung-chuyen-do-644295