Thầy thuốc tuyến huyện cùng Telehealth hồi sinh sự sống cho nhiều trẻ sinh non, nhẹ cân

Trên đường đến viện, sản phụ đã sinh con ngay trên xe taxi. Cháu bé được chuyển đến BVĐK Mộc Châu trong tình trạng tím tái, suy hô hấp, đây là một ca hết sức khó vì trẻ sinh non nhiều tháng, nặng 1,1kg. Tuy nhiên bằng sự nỗ lực của các bác sĩ tuyến huyện cùng sự hỗ trợ của chuyên gia tuyến trên qua Telehealth, trẻ đã tăng cân nhanh chóng, khỏe mạnh và được ra viện.

Đơn nguyên sơ sinh thuộc Khoa Nhi là một trong những thế mạnh của bệnh viện, tại đây đã nuôi sống thành công trẻ 28 tuần tuổi, nặng 1,1kg. Đây là Đơn nguyên thành lập sớm nhất ở tỉnh Sơn La.

Theo chia sẻ của ThS.BS Vũ Giang An, Phó Giám đốc BVĐK Mộc Châu trước đây, đối với các trường hợp trẻ sơ sinh mắc bệnh màng trong hoặc sơ sinh non tháng nhẹ cân, bệnh nhân đều phải chuyển lên tuyến trên điều trị.

Hiện nay các bác sĩ chuyên khoa nhi, BVĐK Mộc Châu sau khi được học tập, chuyển giao kỹ thuật tại một số bệnh viện tuyến trung ương đã làm chủ được nhiều kỹ thuật cao trong chăm sóc và điều trị, giúp giảm thiểu nguy cơ tử vong và chuyển tuyến, tiết kiệm được thời gian và kinh phí điều trị cho bệnh nhân và gia đình.

BSCKI Phạm Hồng Tươi - Phụ trách Khoa Nhi thăm khám cho trẻ sinh non được nuôi dưỡng thành công tại bệnh viện

BSCKI Phạm Hồng Tươi - Phụ trách Khoa Nhi thăm khám cho trẻ sinh non được nuôi dưỡng thành công tại bệnh viện

Chia sẻ về ca sinh non chuyển dạ 28 tuần tuổi ở huyện Yên Châu, BSCKI Phạm Hồng Tươi - Phụ trách Khoa Nhi (BVĐK Mộc Châu) cho biết: Sản phụ 21 tuổi, sinh con lần thứ 4, được gia đình đưa đến BVĐK Mộc Châu bằng taxi, nhưng không may trên đường đi bệnh nhân chuyển dạ, mẹ chồng đỡ đẻ cho con dâu ngay trên xe.

Người nhà gọi điện đến Bệnh viện, Bệnh viện điều một kíp nữ hộ sinh và bác sĩ đến hỗ trợ đưa bệnh nhân tới viện. Đồng thời, Bệnh viện cũng cử 1 kíp trực đảm bảo khi sản phụ và cháu bé đến nơi cấp cứu ngay.

“Khi mẹ con sản phụ vào nhập viện, cháu bé trong tình trạng tím tái, suy hô hấp, đây là một ca hết sức khó vì trẻ sinh non nhiều tháng, nặng 1,1kg. Bác sĩ đã tiến hành cấp cứu bài bản, làm tất cả các chỉ định cho trẻ sinh non như thở máy, bơm trưởng thành phổi, đóng ống động mạch, truyền máu, đưa trẻ vào phòng cách ly đảm bảo vô khuẩn, nằm lồng ấp…”- BS Tươi kể lại.

Sau 2 tuần nỗ lực điều trị và chăm sóc toàn diện cho bệnh nhi, cháu bé đã tăng được 1,9kg.

Nhờ tham gia Đề án Khám chữa bệnh từ xa- Telehealth với Bệnh viện Đại học Y, sau đó, BVĐK Mộc Châu đã có cuộc hội chẩn khám chữa bệnh từ xa với các chuyên gia của Bệnh viện Đại học Y Hà Nội về phương hướng điều trị tiếp theo, cũng như chế độ dinh dương cho bệnh nhi và các nguy cơ xảy ra. Tại buổi hội chẩn, các chuyên gia của Bệnh viện Đại học Y Hà Nội và Bệnh viện Nhi Trung ương đã đánh giá cao công tác điều trị và chăm sóc của BVĐK Mộc Châu.

PGS.TS Nguyễn Thị Diệu Thúy, Trưởng Bộ môn Nhi, Trường Đại học Y Hà Nội đã đánh giá các bác sĩ BVĐK Mộc Châu làm tốt quy trình cấp cứu cũng như điều trị cho bệnh nhi này. Đồng thời hướng dẫn các bác sĩ BVĐK Mộc Châu tiếp tục thực hiện các phác đồ điều trị tiếp theo cho bệnh nhân này.

Bệnh nhi sinh non tháng 28 tuần trên xe taxi đang được áp dụng biện pháp kangaroo ẢnhBVCC

Cũng trong buổi hội chẩn đó, GS.TS Lê Thị Hương, Viện trưởng Viện đào tạo Y học dự phòng và y tế công cộng, Chuyên gia về dinh dưỡng cũng đã có những hướng dẫn, góp ý trong cách cung cấp dinh dưỡng cho bệnh nhi.

Nhờ hướng dẫn chế độ dinh dưỡng đặc biệt của các bác sĩ tuyến trên, sau gần 1 tháng điều trị, cháu bé ra viện với cân nặng 2kg.

“Đây là trường hợp được hưởng lợi từ khám chữa bệnh từ xa, khi ra viện gia đình còn nhận được 8 triệu đồng từ các nhà hảo tâm ủng hộ”- BS Vũ Giang An cho biết.

Theo chia sẻ của BS Phạm Thị Tươi, đây là ca bệnh quá khó khăn, cũng là ca sinh non tháng rất khó quên với các bác sĩ, y tá, điều dưỡng ở đây.

Khi đỡ đẻ cho con dâu xong, bà nội cháu bé quay về huyện Yên Châu. 35 ngày sau, bà xuống đón cháu ra viện. Bà đã đã rất xúc động khi nhìn thấy cháu khỏe mạnh, lớn lên, bởi lúc đỡ đẻ xong, bà không nghĩ cháu mình còn sống”- BS Tươi kể lại.

BS Tươi cũng chia sẻ, với các bác sĩ ở bệnh viện tuyến dưới, việc tiếp cận các ca bệnh khó không nhiều nên kinh nghiệm của bác sĩ cũng ít hơn, đặc biệt là những ca bệnh như trường hợp này, trẻ mới 28 tuần tuổi. Đây là nỗ lực của cả quá trình và cũng là nỗ lực của tập thể y bác sĩ bệnh viện.

Cũng theo BS Tươi, qua các đợt đào tạo tại Đại học Y Hà Nội, Bệnh viện Nhi Trung ương và Bệnh viện Phụ sản Trung ương, chị cũng như các bác sĩ khác đã được tiếp nhiều kiến thức, ca bệnh và kinh nghiệm của các thầy cô giỏi, đồng thời rút kinh nghiệm và học hỏi được rất nhiều trong công tác sóc sơ sinh.

“Chúng tôi được học lớp nuôi trẻ sinh non bằng phương pháp kangaroo ở Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí, khi học xong về áp dụng ngay và thấy phương pháp đó rất tuyệt vời. Giờ đây, những ca sinh non thai ở tuần 29, 30 vào viện, chúng tôi rất tự tin, trừ những ca bệnh lý mới phải chuyển viện.

Người dân đưa con đến thăm khám tại BVĐK Mộc Châu

Hiệu quả của khám chữa bệnh từ xa đã giúp tuyến dưới học hỏi được rất nhiều, áp dụng thành công vào quá trình điều trị”- BS Tươi nói.

Mới đây, BVĐK Mộc Châu cũng đã nuôi thành công trường hợp bé Lìa Thị Nga (huyện Mộc Châu) sinh non bằng phương pháp ấp kangaroo, bé xuất viện trong tình trạng sức khỏe tốt, các bệnh về phổi, võng mạc đã được loại trừ.

Một cơ sở y tế khác trên địa bàn huyện Mộc Châu cũng đã cứu và nuôi sống nhiều trẻ sinh non là BVĐK Thảo Nguyên. Ca sinh non tháng nhất mà các y bác sĩ tại đây nuôi thành công bé Hờ Thị Rua, 28 tuần tuổi, nặng 650g, khi ra viện được gần 2kg sau 90 ngày mà không phải chuyển tuyến.

BS Nguyễn Thị Liên- Trưởng Khoa Nhi, BVĐK Thảo Nguyên chia sẻ: Các bác sĩ được đi đào tạo cầm tay chỉ việc ở Bệnh viện Bạch Mai 3 tháng nên khi chúng tôi áp dụng vào việc chăm sóc, nuôi dưỡng rất hiệu quả.

BSCKI Nguyễn Văn Sỹ - Giám đốc BVĐK Thảo Nguyên, cho biết, Khoa Nhi của Bệnh viện kết hợp với Khoa nhi Bệnh viện Bạch Mai và Trung tâm chỉ đạo tuyến Bệnh viện Nhi Trung ương nuôi được trẻ cân nặng 800g, thai 32 tuần, trú tại tiểu khu 2, thị trấn nông trường Mộc Châu. Sau 49 ngày điều trị, cháu bé tăng lên 1,8kg (tăng 1kg).

Ngoài ra, Bệnh viện triển khai mô hình Sản Nhi, có chuyên gia của Bệnh viện Bạch Mai lên hỗ trợ, đây là mô hình bác sĩ nhi khoa tiếp cận bệnh nhi cấp cứu ngay từ khi lọt lòng. Với những trường hợp trẻ đẻ non, hỗ trợ cho sản khoa học mô hình sản nhi, bác sĩ nhi khoa tiếp cận với bệnh nhân từ khi lọt lòng, các trường hợp có yếu tố nguy cơ, bác sĩ nhi khoa phối hợp với sản khoa điều trị thành công.

“Chúng tôi đã triển khai kỹ thuật bơm surfactan điều trị bệnh màng trong ở trẻ sơ sinh non tháng, đồng thời Bệnh viện đã triển khai được kỹ thuật điều chỉnh thân nhiệt cho trẻ sơ sinh, không cần phải chuyển tuyến”- BS Sỹ thông tin.

Thái Bình

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/nhieu-tre-sinh-non-nhe-can-duoc-hoi-sinh-su-song-boi-cac-thay-thuoc-y-te-co-so-n183850.html