Thầy thuốc quân hàm xanh ở 'Trường Sa cạn'

Biên giới Lào Cai, đầu tháng 9. Những đợt mưa giông, lũ quét đã tạm ngừng, nhường chỗ cho cái nắng đầu thu trải vàng trên khắp các triền đồi. Những nương ngô đang vào mùa thu hoạch, những vạt ruộng bậc thang lúa đang vào kỳ đỏ đuôi với từng mảng xanh, vàng đan xen như bức tranh phong cảnh khổng lồ báo hiệu một vụ mùa bội thu... Cảnh đẹp khiến lòng người cũng lâng lâng trong ngày Tết Độc lập và tới đây là ngày 'Tết' của BĐBP (3-3).

Thiếu tá, quân y Hà Xuân Phong khám bệnh cho dân. Ảnh: Trọng Mạch

Đối với mỗi người lính Biên phòng, không có niềm vui nào vui hơn trong những ngày này được trở về thăm đơn vị cũ. Theo truyền thống đó, tôi háo hức được ngược lên biên giới, về Đồn Biên phòng Tả Gia Khâu, nơi tôi đã từng công tác với bao kỷ niệm. Đây là một trong những địa bàn khó khăn nhất tỉnh, với cái khát do thiếu nước, có thể ví như “Trường Sa cạn”. Tại đó, tôi có một người bạn rất thân: Thiếu tá Hà Xuân Phong, cán bộ quân y của đơn vị.

Mặc dù con đường đã được trải nhựa dễ đi và phá thế “ốc đảo” của Tả Gia Khâu từ mấy năm trước, nhưng chiếc xe cũng không thể đi nhanh hơn vì đường nhiều cua gấp. Hai bên đường cảnh sắc vùng cao ăm ắp nhựa sống, rạo rực lòng người, dù họ vừa phải trải qua một thời gian kinh hoàng của lũ quét, sạt lở đất đổ xuống những làng bản nghèo khó... Tôi mường tượng ra công việc vất vả của anh bạn quân y trong những ngày đó phải “chạy sô” khắp các thôn bản để tuyên truyền, khám chữa bệnh cho dân. Khi gặp Phong, tôi không ngạc nhiên thấy bạn gầy đi so với trước, đôi mắt vẫn luôn rực sáng. “Giản dị mà sâu sắc, không đẹp trai nhưng đầy duyên thầm” - Đó là nhận xét của nhiều người khi tiếp xúc với Hà Xuân Phong và bây giờ vẫn là như vậy.

Tháng 3-1992, Hà Xuân Phong, quê “Đất Tổ” khi đó vừa bước qua tuổi 19, viết đơn tình nguyện nhập ngũ vào BĐBP. Là con trai duy nhất trong gia đình có 5 anh em, trong điều kiện thời bình, nếu anh không xung phong thì chưa phải nhập ngũ. Nhưng có người anh họ là lính Biên phòng từ Hà Giang trở về, hay kể chuyện về những người lính nơi biên giới, Phong mê lắm, nên giấu gia đình nộp đơn nhập ngũ. Sau 3 tháng huấn luyện, anh được điều về công tác tại Đồn Biên phòng Xín Mần (BĐBP Hà Giang).

Là chiến sĩ làm công tác vận động quần chúng, Phong nhớ nhất kỷ niệm trong một lần xuống bản. Lần ấy Phong gặp một gia đình người Mông không may ăn phải nấm độc. Đứa con trai lớn hơn chục tuổi ăn nhiều nhất dẫn đến tử vong, làm anh ám ảnh mãi. Anh ước, giá như hôm ấy mình là quân y, có túi thuốc mang theo thì có lẽ đã cứu được thằng bé. Điều đó thôi thúc anh xin được đi học để có kiến thức về phục vụ lực lượng, phục vụ nhân dân. Nguyện vọng của anh được đơn vị đáp ứng.

Ra trường với quân hàm Thiếu úy và tấm bằng y tá, sau mấy năm miệt mài với vùng biển đầy nắng gió Ninh Thuận, anh được cấp trên điều động về nhận công tác tại BĐBP Lào Cai, Đồn Biên phòng Y Tý. Được làm công việc mình yêu thích, dấu chân của Phong đã in khắp các thôn bản. Công việc ở đây muôn hình, muôn vẻ và có nhiều điều khác xa với những gì anh được học ở trường. Người Hà Nhì chưa thực sự tin vào tiến bộ của y học nên họ vẫn muốn chữa bệnh bằng thầy cúng hơn là nhờ thầy thuốc. Có lần vận động mãi họ mới cho con em đi tiêm chủng. Sáng tiêm, chiều các cháu sốt phản vệ (một tín hiệu tốt sau khi trẻ tiêm phòng), họ ùn ùn kéo đến xã bắt đền. Lúc ấy Phong và anh em cùng cán bộ y tế xã phải “bở hơi tai” giải thích. Vấp phải những chuyện như vậy, có những lúc Phong thấy nản, nhưng anh hiểu, muốn thành công thì phải kiên trì tuyên truyền, giải thích để dân hiểu. Từng ngày, từng tháng, anh và đơn vị tích cực vận động, giải thích, cuối cùng đồng bào cũng hiểu ra, tự giác bảo nhau đi xin thuốc, khám bệnh, không chủ quan với sức khỏe như trước.

Từ Đồn Biên phòng Y Tý, cuối năm 2009, Phong lại về nhận công tác tại Đồn Biên phòng Tả Gia Khâu. Đơn vị mới nhưng nhiệm vụ thì vẫn vậy: Chăm sóc sức khỏe cho đơn vị và thực hiện chương trình quân dân y kết hợp. Từ thực tế công tác, Phong nhận ra rằng, trình độ của y tá là chưa đủ để hoàn thành nhiệm vụ. Ở trên vùng cao, người thầy thuốc phải độc lập “tác chiến”, vì vậy, phải đi học để nâng cao trình độ. Nghĩ là làm, Phong đăng ký đi học lớp tại chức tại Trường Trung cấp Y tế Lào Cai để nâng cao trình độ và anh đã thành công.

Cuối năm 2013, đang say sưa với những dự định của chương trình quân dân y kết hợp, anh lại được trên tin tưởng chọn làm Phó Bí thư Đảng ủy xã Dìn Chin, huyện Mường Khương, Lào Cai. Chả là, sau nhiều năm gắn bó với địa bàn, được nhiều người dân quý mến, nên Đảng ủy xã Dìn Chin quyết tâm xin anh về giúp xã. Lại những đêm anh mất ngủ suy nghĩ phải làm gì cùng với lãnh đạo xã hướng dẫn bà con yên tâm lao động sản xuất ngay trên quê hương mình. Lại những ngày anh băng rừng xuống các thôn tuyên truyền, vận động dân, có những đêm đi đến những thôn xa nhất, khó khăn nhất dự sinh hoạt với các chi bộ.

Anh tâm sự: “Điều tôi vui nhất là trong nhiệm kỳ tăng cường xã, mình đã cùng Đảng ủy chỉ đạo nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ thôn bản và hoàn thành nhiệm vụ xây dựng chi bộ tại 100% các thôn của xã, bồi dưỡng được một số đồng chí cán bộ trẻ có triển vọng”. Nghe Phong tâm sự, tôi thấy trong anh lấp lánh niềm vui. Anh vui vì đã hoàn thành tốt nhiệm vụ của một cán bộ tăng cường xã; vui vì từ đầu năm nay, anh đã yên tâm bàn giao lại nhiệm vụ Phó Bí thư Đảng ủy xã Dìn Chin của mình cho đồng chí khác để quay lại công việc mà mình yêu thích: Thầy thuốc mang quân hàm xanh.

Sức khỏe là vốn quý nhất của con người. Nhiệm vụ của Phong và những “thầy thuốc mang quân hàm xanh” như anh là giữ gìn cái vốn quý ấy cho tất cả mọi người. Đối với đồng đội đó là tình cảm và trách nhiệm. Đối với người dân còn là sự tri ân của BĐBP với đồng bào các dân tộc nơi biên giới đã cưu mang, đùm bọc người lính Biên phòng suốt 60 năm qua.

Nguyễn Trọng Mạch

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/thay-thuoc-quan-ham-xanh-o-truong-sa-can/