Thầy thuốc áo xanh miền biên viễn

Chúng tôi gặp anh vào một buổi sáng trời mưa tầm tã tại phòng khám quân dân y kết hợp, khi anh vừa đi khám bệnh cho dân về. Lau vội những giọt nước mưa đọng lại trên người, anh cho chúng tôi biết: 'Có ca bệnh nhi con anh Điểu Lùn ở ấp 54, xã Lộc An, Lộc Ninh bị sốt co giật, tôi nhận được điện thoại của người nhà và đi lúc gần 3 giờ sáng. Sau khi tới nhà sơ cứu ban đầu, vì gia đình không có tiền nên tôi đã chở cháu ra Bệnh viện Lộc Ninh cấp cứu và đóng viện phí cho cháu nhập viện.

Giờ cháu ổn rồi…”. Đó là Đại úy Trần Bá Đức, quân y sĩ đang công tác tại Phòng khám quân dân y kết hợp Lộc An.

Những năm qua, Bình Phước đã phát huy được sức mạnh tổng hợp, góp phần củng cố cơ sở y tế khu vực vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới nơi có vùng đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống. Đây thực sự là điểm tựa vững chắc cho những bệnh nhân nghèo, gia đình chính sách trên địa bàn 3 huyện biên giới Bù Đốp, Bù Gia Mập và Lộc Ninh.

Quân y BĐBP Bình Phước khám bệnh và cấp thuốc miễn phí cho người dân.

Từ năm 2009 đến nay, y sĩ Trần Bá Đức được điều động công tác tại Phòng khám quân dân y kết hợp Lộc An, thuộc quản lý của Đồn biên phòng Lộc An, Bộ đội biên phòng (BĐBP) Bình Phước. 7 năm công tác ở đây là bấy nhiêu thời gian anh cùng đồng đội miệt mài với công tác chăm sóc sức khỏe, phòng chống dịch bệnh cho bộ đội và nhân dân trên địa bàn. Anh tâm sự: Càng gắn bó, càng đi và khám bệnh cho bà con thì mình càng thấu hiểu và thương những gia cảnh nghèo khó, cuộc sống thiếu thốn, vất vả và lạc hậu của bà con nơi đây. Vì thế, mình lại càng phải cố gắng làm thật nhiều việc có ý nghĩa thiết thực cho bà con.

Chia sẻ về kinh nghiệm hơn 20 năm công tác trong ngành quân y, y sĩ Trần Bá Đức bộc bạch: “Không phân biệt già hay trẻ, giàu nghèo, người Kinh hay đồng bào dân tộc thiểu số, người thầy thuốc luôn tâm niệm lấy người bệnh là trung tâm phục vụ, “lương y như từ mẫu”. Khi khám và điều trị cho mỗi ca bệnh thì phải để chữ tâm lên đầu. Tôi luôn nghĩ rằng, phải cố gắng hết khả năng của mình, khám, chữa bệnh kịp thời và chính xác”.

Bên cạnh việc trau dồi y đức, y thuật, để thuận tiện hơn cho việc khám, chữa bệnh cho nhân dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số, y sĩ Đức đã cùng ăn, cùng ở, cùng làm và cùng nói tiếng đồng bào nơi đây. Anh đã chủ động bám dân, bám ấp để học tiếng Stiêng, tìm hiểu kỹ về phong tục tập quán của đồng bào. Anh vui vẻ nói: Khi đi tuyên truyền, vận động nhân dân ăn chín uống sôi, từ bỏ những tập tục lạc hậu… nếu mình nói tiếng Kinh thì họ xua đuổi, nhưng khi tuyên truyền bằng tiếng dân tộc thì họ lại gần gũi và nghe theo. Chính từ sự ân cần, chân thành đó, y sĩ Trần Bá Đức đã tạo được niềm tin và tình cảm sâu sắc với đồng bào nơi đây, anh được yêu mến, coi như con em của gia đình.

Không chỉ khám, chữa bệnh tại phòng khám, bất kỳ ở đâu, thời gian nào, không kể mưa hay nắng, hễ có người bệnh gọi là anh lại xách túi dụng cụ y tế và lên đường. Anh kể: Hôm đó, khoảng 19 giờ, tôi đang trực và chuẩn bị ăn cơm tối tại trạm xá thì nhận được điện thoại kêu cứu của anh Điểu Jun ở ấp 6, Lộc An. Bỏ vội bát cơm xuống, chạy đến nhà thì thấy bệnh nhân đang bị chảy máu rất nhiều và bị đứt gân cổ tay. Anh Jun không có người thân ở nhà, tôi gọi thêm anh em trong đồn ra chở bệnh nhân đi bệnh viện cấp cứu và trực bên bệnh nhân cho đến khi người nhà đến mới về.

Phòng khám bệnh của người nghèo

Phòng khám quân dân y kết hợp Lộc An được thành lập từ năm 2002, đóng trên địa bàn ấp 54, xã Lộc An, huyện Lộc Ninh. Bên cạnh chăm sóc sức khỏe, duy trì quân số khỏe cho cán bộ, chiến sĩ Đồn biên phòng Lộc An, phòng khám là điểm đến tin cậy của bà con các dân tộc tại các ấp 54, 6, 7 và 8, xã Lộc An. Hiện nay, trang thiết bị y tế tại trạm vẫn còn thiếu thốn rất nhiều, thuốc men cũng chỉ dựa vào sự hỗ trợ là chính. Thế nhưng, cái khó khăn nhất đối với Phòng khám quân dân y Lộc An không phải là việc thiếu thốn trang thiết bị y tế mà là tập tục của đồng bào nơi đây. Họ thường có tâm lý ngại tiếp xúc với người Kinh, ngại đi khám bệnh vì không có tiền. Thêm vào đó, Lộc An là một xã biên giới với trên 42% là người đồng bào dân tộc thiểu số, cuộc sống còn rất nhiều khó khăn. Từ khi thành lập đến nay, hầu như nguồn thu từ phòng khám chỉ mang ý nghĩa tượng trưng. Mục tiêu hoạt động của phòng khám là khám, chữa bệnh cho dân nghèo.

Ông Phạm Hồng Đăng, Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Lộc An cho biết: “Sau khi thành lập, Phòng khám quân dân y kết hợp Lộc An hoạt động rất hiệu quả. Cán bộ quân y khám, chữa bệnh kịp thời, chăm sóc cho bệnh nhân ân cần và chu đáo. Đặc biệt là giá cả khám chữa bệnh ở đây chỉ bằng 1/5 đến 1/6 so với bên ngoài”.

“Để duy trì việc khám, chữa bệnh, bên cạnh thuốc do trên cấp xuống, Đồn biên phòng Lộc An cũng trích một phần kinh phí từ tăng gia sản xuất để đa dạng thêm cho tủ thuốc của phòng khám. Ngoài ra, hằng tháng, Đại úy Trần Bá Đức đều trích một phần lương của mình để mua thuốc phục vụ khám chữa bệnh cho bà con nghèo nơi đây. Đặc biệt, khi quân y đơn vị khám chữa bệnh cho nhân dân đều không lấy tiền công” - Trung tá Trần Hữu Long, Chính trị viên Đồn biên phòng Lộc An cho biết thêm.

Già làng Điểu Khé, ấp 54, xã Lộc An cho biết: “Đồng bào dân tộc thiểu số vốn thật thà, ít nói, không biết cách thể hiện tình cảm, nhưng khi đã quý mến ai thì lại hết lòng hết dạ. Đức tốt với bà con lắm, khám chữa bệnh cho bà con rất nhiệt tình mà lại chẳng lấy tiền”. Khi chữa khỏi bệnh cho bà con, họ chỉ biết nói: Cảm ơn bác sĩ bộ đội lắm! Nhưng cứ hễ có con cá, con cua đồng, hay mớ rau rừng, họ lại mang tới phòng khám và chia cho bộ đội. “Những cử chỉ đơn giản thôi nhưng lại làm cho chúng tôi ấm lòng” - y sĩ Trần Bá Đức chia sẻ.

Ngoài ra, để phòng ngừa các loại bệnh thường gặp vào mùa mưa, bên cạnh nhiệt tình trong công tác chăm sóc sức khỏe cho nhân dân, các cán bộ Đồn biên phòng Lộc An và y sĩ Trần Bá Đức đã tổ chức các đợt tuyên truyền, vận động, phát quang dọn dẹp đường làng, ngõ xóm, khơi thông cống rãnh, diệt bọ gậy, loăng quăng, tẩm màn, phun thuốc diệt muỗi miễn phí cho bà con.

Các bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy chuyển giao kỹ thuật cho bác sĩ quân y bộ đội biên phòng.

Kết hợp quân dân y

Sau hơn 10 năm thực hiện, Chương trình kết hợp quân dân y đã mang lại nhiều hiệu quả tích cực trong việc củng cố y tế cơ sở, chăm sóc sức khỏe, phòng chống dịch bệnh cho bộ đội và nhân dân ở khu vực vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Đến thời điểm hiện nay, BĐBP Bình Phước có 1 bệnh xá và 5 phòng khám quân dân y kết hợp thực hiện công tác khám, điều trị bệnh cho cán bộ, chiến sĩ trong lực lượng và nhân dân khu vực biên giới. Trong đó, huyện Lộc Ninh có 3 cơ sở là Bệnh xá BĐBP tỉnh đóng chân trên địa bàn xã Lộc Thái, Phòng khám quân dân y kết hợp tại xã Lộc Tấn và Phòng khám quân dân y kết hợp tại xã Lộc An; huyện Bù Đốp có 2 Phòng khám quân dân y kết hợp là Phước Thiện và Bù Tam; huyện Bù Gia Mập có 1 Phòng khám quân dân y kết hợp đóng trên địa bàn thôn Bù Rên, xã Bù Gia Mập.

Trung tá Trần Hữu Long, Chính trị viên Đồn biên phòng Lộc A, BĐBP Bình Phước cho biết: “Hằng năm, Phòng khám quân dân y kết hợp Lộc An đã phối hợp với Bệnh xá BĐBP tỉnh và Bệnh viện Trưng Vương tặng quà, khám, chữa bệnh miễn phí cho trên 500 lượt người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số và gia đình chính sách”.

Với 4 bác sĩ, 28 y sĩ đa khoa, 1 dược sĩ và 4 y tá, 10 năm qua, đội ngũ quân y BĐBP Bình Phước đã tổ chức khám, chữa bệnh cho 55.010 lượt người; phối hợp với Bệnh viện cấp cứu Trưng Vương, Bệnh viện 7A, Chợ Rẫy, Quân dân y miền Đông, Hội Chữ thập đỏ tỉnh Bình Phước, TP. Hồ Chí Minh khám bệnh, cấp thuốc và tặng quà cho 26.100 lượt người với tổng trị giá 2 tỷ 242 triệu đồng. Thời gian qua, lực lượng quân y Bình Phước đã tổ chức tiêm chủng mở rộng cho 13.000 lượt người; tuyên truyền phòng chống sốt rét cho 12.367 lượt người nghe, tẩm 55.000 chiếc màn, phun gần 200.000m2 thuốc diệt muỗi, xử lý môi trường, cấp thuốc điều trị sốt rét cho 2.718 lượt người. Bên cạnh đó, lực lượng quân y BĐBP cũng đã phối hợp tổ chức khám, cấp thuốc và tặng hàng nghìn suất quà cho nhân dân Campuchia.

Xuân Hiệp (Trung tâm Truyền thông giáo dục sức khỏe Bình Phước)

Nguồn SK&ĐS: http://suckhoedoisong.vn/thay-thuoc-ao-xanh-mien-bien-vien-n143626.html