Thay thế Suez, Israel suýt phải nhận 520 quả bom hạt nhân

Vào những năm 1960, Mỹ đã có kế hoạch sử dụng 520 quả bom hạt nhân khoét một con kênh nhân tạo ở Israel thay thế kênh đào Suez (Ai Cập).

Sự cố Suez cho thấy sự mong manh của các tuyến đường biển chiến lược

Một bản ghi nhớ đã được giải mật tiết lộ kế hoạch năm 1963 của Hoa Kỳ nhằm tạo ra một giải pháp thay thế cho Kênh đào Suez. Theo đó, Mỹ đã xem xét đề xuất sử dụng 520 quả bom hạt nhân để đào đất đá xây một con kênh nhân tạo chạy dài hơn 160 dặm qua sa mạc Negev của Israel.

Kế hoạch này không bao giờ thành hiện thực, nhưng việc có một tuyến đường thủy thay thế cho Kênh đào Suez ngày nay có thể là một lời khuyên hữu ích, trong bối cảnh một con tàu chở hàng bị mắc kẹt trong luồng đường hẹp của kênh đào này, cắt đứt một trong những tuyến đường vận chuyển quan trọng nhất thế giới trong một tuần qua.

Sự gián đoạn trong vòng một tuần với quy mô lớn cỡ này sẽ tiếp tục dẫn tới một chuỗi tác động. Sẽ phải mất ít nhất 60 ngày trước khi người ta giải phóng được gần 400 còn tàu lớn đang tắc nghẽn ở hai đầu của kênh đào này, để luồng đường thủy trở lại bình thường.

Bên cạnh đó, sự cố Ever Given đã nhắc nhở thế giới về tầm quan trọng của những đoạn đường biển chiến lược hay các vị trí án ngữ trong vận tải biển quốc tế, đồng thời dấy lên cuộc thảo luận về việc đa dạng hóa các tuyến đường biển chiến lược.

Vào cuối thế kỷ 19, việc mở kênh đào Suez đã báo hiệu về một kỷ nguyên vận tải nhanh toàn cầu bằng đường hàng hải. Trong nửa thế kỷ qua, công suất trên các tàu hàng đã tăng khoảng 1.500%, tăng số hàng tiêu dùng và hạ giá thành khắp thế giới.

Tuy nhiên, sự gia tăng quy mô đã tạo ra những "nút thắt cổ chai" (tức chỗ hẹp dễ bị tắc nghẽn) tại các tuyến đường nhộn nhịp như kênh đào Suez.

Tàu Ever Given cùng với các tàu lai dắt di chuyển trên kênh đào Suez ngày 29/3

Tàu Ever Given cùng với các tàu lai dắt di chuyển trên kênh đào Suez ngày 29/3

Một cuộc khủng hoảng tại kênh đào Suez, kênh đào Panama, eo biển Malacca hay eo biển Hormuz sẽ tác động mạnh tới các thị trường toàn cầu. Đồng thời những tuyến đường này có khả năng sẽ trở thành điểm nóng căng thẳng và đối đầu địa-chính trị giữa các bên có ảnh hưởng.

Kế hoạch dùng1,04 gigaton chất nổ để đào kênh qua Israel

Theo bản ghi nhớ năm 1963, được giải mật vào năm 1996, kế hoạch sẽ dựa vào sức công phá kinh hoàng của 520 quả bom hạt nhân, để tạo một tuyến đường thủy lớn nhất thế giới. Bản ghi nhớ kêu gọi "sử dụng chất nổ hạt nhân để đào một con kênh Biển Chết trên sa mạc Negev".

Được biết, Bản ghi nhớ là từ Phòng thí nghiệm Quốc gia Lawrence Livermore do Bộ Năng lượng Hoa Kỳ hỗ trợ. Báo cáo được giải mật cho thấy, nó gợi ý rằng, sử dụng sức công phá kinh hoàng của bom hạt nhân để khoét đất đá, đào một con kênh biển dài 160 dặm qua vùng sa mạc của Israel, sẽ là một phương án đáng quan tâm.

Một tuyến đường khả thi mà bản ghi nhớ đề xuất trải dài qua quãng đường 160 dặm sa mạc Negev của Israel, nối bờ biển Israel ở phần phía đông Địa Trung Hải với Vịnh Aqaba ở phần đông bắc Biển Đỏ, mở ra lối vào một đại dương lớn ở châu Á, châu Phi là Ấn Độ Dương.

Bản ghi nhớ lưu ý, các phương pháp đào xúc thông thường sẽ "cực kỳ tốn kém về tiền bạc, vật chất và huy động nguồn nhân lực khổng lồ và mất rất nhiều thời gian [Kênh đào Suez thi công mất 10 năm (1859-1869), trong điều kiện công nghệ một thế kỷ trước còn non kém]; trong khi sử dụng chất nổ hạt nhân có thể mang lại lợi ích lớn hơn nhiều.

Bản ghi nhớ của Phòng thí nghiệm Quốc gia Lawrence Livermore được giải mật

Bản ghi nhớ nhấn mạnh rằng, "một con kênh như vậy sẽ là một sự thay thế có giá trị chiến lược cho Kênh đào Suez hiện tại và có thể sẽ đóng góp rất nhiều cho sự phát triển kinh tế của thế giới".

Trong phần của mô hình đánh giá kỹ thuật, bản ghi nhớ ước tính rằng, sẽ cần 4 quả bom 2 megaton cho mỗi dặm, tương đương với việc sử dụng "520 quả bom hạt nhân" có tổng công suất khoảng 1,04 gigaton chất nổ.

Phòng thí nghiệm Lawrence lưu ý rằng, có tới 130/160 dặm của con kênh chạy qua vùng "đất hoang mạc hầu như không có người ở và có thể được áp dụng phương pháp đào khoét đất đá băng bom hạt nhân".

Bản ghi nhớ cho biết, "cuộc điều tra sơ bộ ban đầu" cho thấy việc sử dụng bom hạt nhân để tạo ra một kênh đào xuyên qua Israel, có thể nằm trong phạm vi khả thi về công nghệ. Tuy nhiên, nghiên cứu này chưa có những đánh giá thật sự sâu sắc về sự tác động nguy hiểm đến môi trường toàn cầu.

Dự án không bao giờ thành hiện thực

Bản ghi nhớ năm 1963 xuất hiện chưa đầy một thập kỷ sau cuộc khủng hoảng Suez (năm 1956 - 1957), một cuộc xung đột giành quyền kiểm soát tuyến đường thủy chiến lược vốn là một sự kiện quan trọng trong Chiến tranh Lạnh. Dó đó, nó đã nhận được sự quan tâm rất lớn.

Tuy được cho là “có tính khả thi về công nghệ” nhưng bản ghi nhớ cũng thừa nhận rằng, một vấn đề mà các tác giả chưa tính đến, có thể là "tính khả thi về chính trị”, vì khả năng rất cao là các nước Ả Rập xung quanh Israel, trong đó có nhiều đồng minh của Mỹ, sẽ phản đối mạnh mẽ việc xây dựng một con kênh như vậy.

Bản đồ tuyến kênh đào từ Biển Đỏ qua sa mạc Negev của Israel tới bờ biển phía Đông Địa Trung Hải

Ngoài ra, việc huy động một số lượng bom hạt nhân khổng lồ như vậy đến Trung Đông cũng sẽ gây ra những hậu quả khó có thể lường trước về “phản ứng bất an” của các đối thủ của Mỹ như Liên Xô và các đồng minh của họ ở Trung Đông.

Do đó, sau khi cân nhắc kỹ lưỡng những điểm lợi-hại của từ kế hoạch “không tưởng” này, dự án đã không được phê duyệt.

Theo một bài báo của Forbes vào năm 2018, Bản ghi nhớ được công khai khi Ủy ban Năng lượng Nguyên tử Hoa Kỳ (US Atomic Energy Commission – USAEC) điều tra việc sử dụng "vụ nổ hạt nhân hòa bình" (“Peaceful Nuclear Explosions" - PNE) để xây dựng các cơ sở hạ tầng hữu ích.

Theo đó, cũng đã có những đề xuất sử dụng biện pháp đã được nghiên cứu kỹ lưỡng này để đào kênh ở Trung Mỹ.

Nhưng những đánh giá trong các dự án của PNE sẽ mãi chỉ mang tính chất thử nghiệm, sau khi Hoa Kỳ phát hiện ra rằng 27 thí nghiệm với PNE đã phát thải phóng xạ rất nhiều vào môi trường thế giới. Ủy ban Năng lượng Nguyên tử Hoa Kỳ cũng bị giải tán vào năm 1974.

Trong khi đó, Phòng thí nghiệm Quốc gia Lawrence Livermore vẫn tồn tại. Theo trang web của Phòng thí nghiệm này, nó vẫn duy trì hoạt động để "đảm bảo an toàn, an ninh và độ tin cậy cho hoạt động răn đe hạt nhân của quốc gia".

Thiên Nam

Nguồn Đất Việt: http://datviet.trithuccuocsong.vn/quoc-phong/ho-so/thay-the-suez-israel-suyt-phai-nhan-520-qua-bom-hat-nhan-3429924/