Thay thế sổ hộ khẩu bằng mã số định danh cá nhân: Cần lộ trình cụ thể

Thảo luận tại Hội trường về Dự án Luật Cư trú (sửa đổi) chiều 16-6, nhiều ý kiến đại biểu cho rằng, việc thay đổi phương thức quản lý dân cư từ sổ hộ khẩu sang mã số định danh cá nhân cần có lộ trình cụ thể để đảm bảo tính khả thi.

Đại biểu băn khoăn tính khả thi

Đại biểu Triệu Thị Huyền (Yên Bái) đánh giá, việc thay đổi phương thức quản lý mới về dân cư là sự thay đổi tích cực, phù hợp với sự phát triển của trình độ khoa học công nghệ thông tin. Đồng thời cũng phù hợp với xu thế chung của thế giới. Phương thức quản lý mới này sẽ góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý dân cư, cải cách, giảm bớt các thủ tục hành chính, tạo cơ chế thuận lợi cho người dân tham gia các hoạt động giao dịch dân sự, thể hiện tính minh bạch trong các hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước khi giao dịch với người dân.

Tuy nhiên, đại biểu Triệu Thị Huyền cũng nhấn mạnh, để đảm bảo thuận lợi cho việc triển khai dự án luật khi luật có hiệu lực thi hành, cần có lộ trình tổ chức theo từng giai đoạn cụ thể, phù hợp với tiến độ cấp mã số định danh cá nhân do Bộ Công an hiện đang triển khai.

“Trong quá trình đó, cần tiếp tục sử dụng sổ hộ khẩu đối với những trường hợp chưa được cấp mã số định danh cá nhân, đảm bảo cho các hoạt động giao dịch của người dân được diễn ra bình thường”, đại biểu nói.

Cùng quan điểm, đại biểu Ngàn Phương Loan (Lạng Sơn) phân tích, nếu luật được thông qua thì sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2021. Theo lộ trình dự kiến thì đến tháng 12-2020, toàn bộ công dân Việt Nam sẽ được cấp số định danh cá nhân. Tuy nhiên, sau hơn 4 năm triển khai Luật Căn cước công dân đến nay mới có hơn 18 triệu công dân được cấp số định danh cá nhân.

“Như vậy, từ nay đến thời gian đó không còn dài. Cùng với những yêu cầu và khó khăn của công tác này đã được chỉ ra trong các báo cáo của Bộ Công an và báo cáo thẩm tra. Tôi đề nghị Ban soạn thảo làm rõ tính khả thi của việc cấp sổ định danh cá nhân theo lộ trình để khi luật có hiệu lực thi hành thì bảo đảm luật được tổ chức triển khai trong cuộc sống”, đại biểu Loan đề xuất.

Đại biểu Quốc hội Ngàn Phương Loan, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Lạng Sơn. Ảnh: Quochoi.vn

Đại biểu Quốc hội Ngàn Phương Loan, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Lạng Sơn. Ảnh: Quochoi.vn

Đại biểu Ngàn Phương Loan cũng cho rằng, cần thêm về điều khoản chuyển tiếp đối với một số vùng đặc thù có thể gặp khó khăn trong việc tiếp cận với các quy định mới. Ví dụ như vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng miền núi, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn.

Đối với những vùng này, việc chuyển đổi từ sổ hộ khẩu sang số định danh cá nhân có thể cần nhiều thời gian hơn bởi các lý do đặc thù như người dân sinh sống phân tán hay khả năng tiếp cận thông tin, v.v.. có thể ảnh hưởng tới quá trình cập nhật thông tin về cư trú và cơ sở dữ liệu về cư trú, cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Trong khi đó phần lớn các giao dịch dân sự hiện nay đang thực hiện đều lấy thông tin từ sổ hộ khẩu. Vì vậy, theo đại biểu cần nghiên cứu thêm về điều khoản chuyển tiếp có lộ trình, thời gian phù hợp đối với các vùng này để tránh gây xáo trộn, khó khăn cho các tổ chức, cá nhân.

Cũng bày tỏ sự băn khoăn về tính khả thi của việc bỏ sổ hộ khẩu, đại biểu Leo Thị Lịch (Bắc Giang) nhấn mạnh, sổ hộ khẩu là điều kiện không thể thiếu đối với nhiều nhu cầu của người dân khi giao dịch với cơ quan, tổ chức trong các lĩnh vực chính trị, hành chính, dân sự và nhiều lĩnh vực khác.

Trong khi đó, theo báo cáo bổ sung của Chính phủ đến tháng 6-2021 cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư mới hoàn thành và vận hành bình thường. Trong khi đó, cấp số định danh cá nhân dự kiến kết thúc vào tháng 12-2020. Việc cấp căn cước công dân vẫn song hành với cấp chứng minh thư nhân dân 9 số ở 47 tỉnh, thành.

Đại biểu Lịch phân tích như vậy không chỉ có sự vênh nhau về thời gian mà còn chưa đồng bộ về các cơ sở dữ liệu.

“Điều này cho thấy trong nửa năm đó quy định tại Điều 10 của Luật Căn cước công dân khi công dân đã sử dụng thẻ căn cước công dân của mình, cơ quan tổ chức không được yêu cầu công dân xuất trình giấy tờ hoặc cung cấp thông tin đã có trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư ở khoản 3 Điều 10 khó có thể thực thi suôn sẻ được. Bởi lẽ khi đó cơ quan tổ chức chưa có cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để đối chiếu nhằm xác định thông tin trên căn cước công dân, chứng minh nhân dân”, đại biểu nói.

Mặt khác theo đại biểu Leo Thị Lịch, trong quá trình xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, việc phải xử lý một khối lượng thông tin rất lớn cũng khó đảm bảo sự chính xác tuyệt đối thông tin của từng cá nhân sẽ dẫn đến phát sinh khó khăn cho người dân khi thực hiện các giao dịch với cơ quan tổ chức. Việc khai thác, sử dụng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư của cơ quan, tổ chức cũng có thể gặp khó khăn nếu xảy ra sự cố về hệ thống máy tính, đường truyền.

Bộ Công an: Hoàn thành cấp căn cước công dân cho 50 triệu công dân trước 1-7-2021

Trước băn khoăn của các đại biểu, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm đã thay mặt cơ quan chủ trì soạn thảo đã báo cáo giải trình thêm với Quốc hội về một số vấn đề.

Bộ trưởng cho biết, cơ quan soạn thảo đề xuất Quốc hội sẽ xem xét thông qua Dự án Luật vào kỳ họp tới, đồng thời luật sẽ có hiệu lực từ ngày 1-7-2021. Hiện Bộ Công an đã hoàn thành cơ bản, cấp được khoảng 16 triệu số định danh và căn cước công dân cho công dân. Uớc lượng còn khoảng 80 triệu công dân chưa được cấp căn cước công dân.

“Chúng tôi đã tính trong đó người dưới 14 tuổi thì có khoảng 30 triệu, tức là trước mắt ít nhất còn khoảng 50 triệu công dân cần được cấp căn cước công dân. Thời gian chúng tôi dự kiến là sẽ còn 1 năm nữa để chúng ta thực hiện việc này. Nếu được Quốc hội và Chính phủ ủng hộ thì Bộ Công an hoàn toàn có cơ sở để 1 năm nữa hoàn thành được số này, tức là hoàn thành vào ngày 1-7-2021 khi luật này có hiệu lực”, Bộ trưởng Tô Lâm thông tin.

Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm báo cáo làm rõ một số nội dung đại biểu Quốc hội quan tâm. Ảnh: Quochoi.vn

Cũng theo Bộ trưởng Tô Lâm, về việc cấp số định danh cá nhân thì hiện đã thu thập đưa vào hệ thống thông tin dữ liệu về công dân khoảng 80 triệu. Các dữ liệu này đã được đưa vào máy và đã kiểm tra.

“Việc này trước đây 4 năm thì mới làm được 16 triệu mà tại sao trong thời gian vừa qua làm nhanh là vì trên thực tế vừa qua lực lượng công an xã chính quy là một lực lượng rất quan trọng để thực hiện công việc này ở xã thì đã hoàn thành được 99% ở các xã và kiểm tra được độ chính xác của các thông tin dữ liệu này được đưa vào máy”, Bộ trưởng cho biết.

“Chúng tôi cũng thấy rằng với việc đề xuất luật có hiệu lực từ ngày 1-1-2021 mà chúng ta hoàn thành được cơ bản của việc cấp Căn cước công dân cho những người từ 14 tuổi trở lên thì chúng ta hoàn toàn có thể thực hiện được việc này và tiếp tục cấp cho những người dưới 14 tuổi sẽ hoàn thành trong thời gian tiếp theo, sau ngày 1-7”, Bộ trưởng nói.

Thanh Hải

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/thay-the-so-ho-khau-bang-ma-so-dinh-danh-ca-nhan-can-lo-trinh-cu-the-197796.html