Thầy tào trẻ tuổi ở Nà Đoỏng

Năm nay chỉ 26 tuổi nhưng anh Lãnh Sinh Trưởng đã trở thành một thầy tào thực thụ của người Tày sau buổi lễ cấp sắc đầu tiên tại nhà riêng ở xóm Nà Đoỏng, xã Xuân Trường (Bảo Lạc - Cao Bằng).

Thầy tào chính chủ trì buổi lễ và cũng là sư phụ của thầy tào trẻ Lãnh Sinh Trưởng.

Thầy tào chính chủ trì buổi lễ và cũng là sư phụ của thầy tào trẻ Lãnh Sinh Trưởng.

Lễ cấp sắc đầu tiên

Nghe tin sẽ có một lễ cấp sắc cho thầy tào người Tày ở xóm Nà Đoỏng, xã Xuân Trường tôi vô cùng mừng rỡ vì từng nghe, xem qua báo đài chứ chưa thấy tận mắt. Lập tức tôi chuẩn bị đồ nghề cho chuyến đi.

Đó là một ngôi làng người Tày nằm giữa thung lũng được bao quanh bởi núi non trùng điệp. Khách đến nhà rất đông, chủ yếu là người thân và hàng xóm đến phụ giúp cho buổi lễ, người ra người vào. Ngôi nhà sàn năm gian rộng rãi làm bằng gỗ nghiến chắc chắn chứng tỏ chủ nhân có của ăn của để.

Ông Lãnh Trọng Huyến, chủ nhà và cũng là bố của người đang được cấp sắc niềm nở đón khách mời cơm rượu và cho phép chúng tôi ở lại chứng kiến buổi lễ. Trong buổi lễ có rất nhiều người hỗ trợ, trong đó ngoài thầy sư phụ chủ trì lễ còn có thầy phụ việc.

Đặc biệt là các bà bụt người Tày hỗ trợ thêm phần linh thiêng và trang nghiêm. Các bà bụt tay cầm quạt, cầm chuông sóc theo điệu, tay phe phẩy quạt đọc những câu hát dân gian và lắc lư theo điệu khiến buổi lễ trở nên huyền ảo hơn.

Tranh thủ lúc thầy tào nghỉ ngơi sau một hồi dài đọc sớ dâng lên tổ tiên, tôi tìm hiểu và thật bất ngờ được biết, thầy tào được cấp sắc lần này năm nay chỉ mới 26 tuổi. Trong suy nghĩ của tôi, thầy tào là những bậc trung niên, cao niên có phong thái uy nghiêm, bí ẩn, trang trọng.

Thầy tào trẻ tuổi Lãnh Sinh Trưởng (bên phải) đang được thực hiện nghi lễ cấp sắc.

Thầy tào Lãnh Sinh Trưởng tâm sự: “Đây là lễ cấp sắc đầu tiên, tôi đã đi theo thầy phụ việc từ năm 13 rồi, đến nay bắt đầu làm lễ cấp sắc để có thể trở thành một thầy tào chính thức. Trong các buổi lễ, tôi có thể cúng thay mỗi khi thầy mệt. Nếu chỉ đi phụ mà chưa được làm lễ cấp sắc, không trò nào được thay thầy làm lễ đâu. Những người trẻ như mình làm thầy tào thì rất ít, nhưng có duyên rồi mình khắc thích theo thôi chứ không thể tránh được”.

Theo anh Lãnh Sinh Trưởng, trong quan niệm dân gian của người Tày, những vị thầy tào có khả năng kết nối với thế giới người âm và thần linh, có khả năng cầu cho mưa thuận gió hòa để bà con có vụ mùa bội thu, xua tan đi âm khí làm hại gia chủ hay những điều không tốt đẹp.

Chính vì vậy, những thầy tào được coi như một chức quan trong lòng người dân tộc Tày. Khi chức sắc càng cao, thầy tào càng có năng lực hơn và được mọi người kính trọng. Khi họ chết đi về thế giới người âm, họ vẫn được coi là giới vua quan có nhiều binh lính để giúp đỡ người dân.

Duyên số

Sư phụ của thầy tào Lãnh Sinh Trưởng cho biết: “Nghề thầy tào có nhiều yếu tố, quy định nghiêm ngặt tuyệt đối không được vi phạm, không phải ai cũng theo được. Có thể là truyền theo gia đình, dòng họ, nhưng cũng phải theo duyên số và lòng thành nữa. Có người muốn theo phụ mãi nhưng không hợp cũng không làm được. Nếu số mệnh phải làm thầy thì phải theo, nếu không sẽ gặp vận hạn vào bản thân hoặc gia đình. Lãnh Sinh Trưởng là người trẻ hiếm hoi còn theo nghề và rất tâm huyết”.

Có lẽ chính vì vậy mà buổi lễ diễn ra rất trang trọng cùng với sự giúp đỡ nhiệt tình của đông họ hàng gần xa, hàng xóm. Theo phong tục của bà con nơi đây, khách đến trong dịp này đều có vật phẩm gồm tiền, gạo buộc kèm lá bưởi để chúc mừng thầy được cấp sắc. Tất cả quà của khách được chủ nhà treo lên một cái dàn làm bằng tre trong nhà sát mép cửa để tỏ lòng cảm ơn.

Nói về cái duyên của con mình được chọn làm thầy tào, ông Lãnh Trọng Huyến kể: “Ngày còn nhỏ, thấy thầy làm lễ ở gần nhà nó đi xem thấy thích quá rồi tự cầm dụng cụ của thầy tào gõ theo. Tôi sợ quá, mắng nó nhưng thầy tào bảo cứ kệ nó. Về nhà, nó cầm vung nồi gõ trước bàn thờ gia tiên bắt trước theo thầy tào.

Từ lần đó, nó rất thích đi theo thầy tào làm lễ cho bà con trong xã. Chắc cũng vì cái duyên số nên cứ cho nó theo thôi, không cản được”.

Gìn giữ bản sắc

Một bàn thờ có vịt sống, gà sống được tế trong buổi lễ.

Trong không gian chính lễ cấp sắc gồm có ba bàn thờ khác nhau, mỗi vị trí có chức năng, ý nghĩa riêng biệt, vật cúng tế cũng khác nhau.
Trải qua nhiều nghi lễ khác nhau, cuối cùng khi đã được xóa bỏ mọi tội lỗi, những điều không tốt của bản thân và gia đình thì lúc này chiếc áo màu đỏ, đôi giầy vải, chiếc khăn đỏ sẽ được bố mẹ mặc lên người cho thầy tào trẻ và đó cũng là lúc công nhận chính thức là thầy tào thực thụ.

Đặc biệt, bàn thờ chính là nơi dành riêng cho Lãnh Sinh Trưởng “tu luyện” sau này. Ông Huyến cho biết, Trưởng sẽ phải đọc thật nhiều sách cổ để hiểu về nghi thức và các câu hát dùng trong mỗi buổi làm lễ sau này.

Theo quy định, khi mới được công nhận, trong vong bốn mươi ngày, thầy tào không được tùy tiện ra ngoài, không dùng điện thoại hay giao tiếp với người lạ. Mọi việc khác phải xin phép sư phụ đồng ý thì mới được làm.

Có lẽ những người trẻ tuổi tiếp nối nghề thầy tào như anh Lãnh Sinh Trưởng không còn nhiều vì nghề mang tính chất tâm linh có nhiều quy định nghiêm ngặt mà không phải ai cũng có thể tuân theo được.

Thầy tào trẻ tuổi như Lãnh Sinh Trưởng thật đáng trân trọng vì đã góp phần giữ gìn bản sắc độc đáo dân tộc của mình, thực hiện các lễ nghi có ý nghĩa nhân văn cao cả trong cộng đồng người Tày.

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/van-hoa/thay-tao-tre-tuoi-o-na-doong-CYl6scNGg.html