Thầy Park làm điều hiếm thấy ở đội tuyển Việt Nam

HLV Park Hang-seo muốn các cầu thủ thảo luận nhóm, tự nói lên suy nghĩ, hành động của mình để làm sau thực hiện thành công các mục tiêu trong năm 2021 là vòng loại World Cup và AFF Cup.

Khi được hỏi về việc sẽ làm gì ở đợt tập trung đội tuyển quốc gia lần này, thì ngoài tiết lộ sẽ thay đổi chiến thuật, Park Hang-seo còn đặc biệt thích thú với ý tưởng lần đầu áp dụng, đó là để học trò tự nói lên suy nghĩ, góp ý vào kế hoạch thực hiện mục tiêu tiêu năm 2021.

"Đội sẽ chia làm 3 nhóm, có nhóm trưởng và các thành viên. Các nhóm sẽ phải thảo luận về các mục tiêu năm 2021 và làm thế nào để đạt được. Tôi muốn cầu thủ trực tiếp nêu ý tưởng, phương thức giải quyết và bản thân tôi cũng vậy", HLV Park Hang-seo nói và cho biết "rất mong chờ điều này".

Dưới thời HLV Park Hang-seo, mọi cầu thủ đều bình đẳng, có quyền nói lên suy nghĩ và cùng xắn tay vào lo công việc chung.

Dưới thời HLV Park Hang-seo, mọi cầu thủ đều bình đẳng, có quyền nói lên suy nghĩ và cùng xắn tay vào lo công việc chung.

Hoạt động chia nhóm cầu thủ và tự luận bàn cách thực hiện các chiến dịch được ghi nhận là lần đầu tiên diễn ra trong nội bộ đội tuyển, cũng là lần đầu tiên thầy Park áp dụng sau 3 năm gắn với với bóng đá Việt Nam. Đó là một ý tưởng thú vị song cũng đầy thực tế và sáng tạo của chiến lược gia người Hàn Quốc, một mũi tên trúng nhiều đích.

Đầu tiên, hoạt động thảo luận nhóm giúp các cầu thủ gần gũi, hiểu nhau hơn, hoàn thiện kỹ năng làm việc nhóm và tự ý thức được trách nhiệm, nhiệm vụ của bản thân trong các chiến dịch - giải đấu.

Ông Park đề cao sự bình đẳng. Trong thảo luận, dù là cựu binh hay tân binh đều có quyền nói lên tiếng nói của mình và tiếng nói đó được tập thể tôn trọng. Cách làm này không chỉ tập hợp chất xám mà còn xóa đi những khoảng cách giữa các cá nhân, giữa những "cái tôi". Điều này thực sự cần thiết khi đội tuyển đang có tới 1/3 quân số là tân binh và đang trong quá trình chuyển giao thế hệ.

Ba năm qua, ông Park đã rất nỗ lực và gặt hái thành công nhờ khơi dậy "tinh thần Việt Nam" trong mỗi cầu thủ, để từ đó xây dựng một tập thể đoàn kết, giàu khát khao, tinh thần chiến đấu. Yếu tố này kết hợp với dàn cầu thủ chất lượng đã tạo nên một đội tuyển mạnh mà những chiến tích cấp khu vực, châu lục.

Nhưng nay, so về chất lượng, đội tuyển hiện tại chưa được đánh giá cao trong khi các nhiệm vụ trước mắt - phải lần đầu tiên lọt vào vòng 3 vòng loại World Cup, bảo vệ thành công chức vô địch AFF Cup - lại rất nặng nề. Vì thế, ngoài huấn luyện chuyên môn trên sân thì việc khơi dậy phẩm chất, tận dụng chất xám mỗi cá nhân và thu hẹp khoảng cách giữa các cá nhân là rất cần thiết.

HLV Đặng Trần Chỉnh từng có câu nói để đời: "Ghế HLV có 4 chân thì cầu thủ giữ 3", hàm ý về việc HLV có thể bị thất bại, cách chức bất cứ lúc nào nếu đa số cầu thủ chủ đích chống lại.

Còn cựu HLV trưởng ĐT Việt Nam Phan Thanh Hùng - người tiền nhiệm của HLV Park Hang-seo - sau thất bại ở AFF Cup 2012 cũng đã ám chỉ về việc một nhóm cầu thủ không nghe lời, khiến sức mạnh đội tuyển giảm sút.

Hơn ai hết, ông Park ý thức được điều này, và ý tưởng thảo luận nhóm ra đời không chỉ để giải "mối nguy" này mà còn cho cầu thủ thấy mình luôn được tôn trọng và có ý thức cùng xắn lo vào lo việc chung.

Ông Park đề cao sự bình đẳngSau thông điệp "cánh cửa đội tuyển luôn mở với mọi cầu thủ" hay "mọi thành viên đội tuyển đều có quyền nói lên suy nghĩ của mình", HLV Park Hang-seo tiếp tục đề cao sự bình đẳng bằng cách khá hài hước, đó là giao tiền đạo Nguyễn Tiến Linh chức danh "người quản lý đội bóng".
"Tiến Linh có nhiệm vụ... đi thu tiền nộp phạt của đồng đội. Chúng tôi có quy tắc riêng, áp dụng cho tất cả thành viên một cách bình đẳng. Bản thân tôi cũng hay đi muộn, bị phạt tiền nhiều lắm", ông Park hóm hỉnh chia sẻ.

Băng Tâm

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/thay-park-lam-dieu-hiem-thay-o-doi-tuyen-viet-nam-post452111.antd