Thầy Park có bột mới gột nên hồ

HLV Park Hang-seo và các cộng sự trong mùa dịch COVID-19 vẫn miệt mài với lý thuyết nâng chất và nâng tầm các đội tuyển quốc gia chờ ngày tái xuất nhưng thực tế không phải chỉ toàn màu hồng.

Ông thầy người Hàn Quốc sau hơn hai năm thành công với bóng đá Việt Nam và sau một lần sẩy chân với lứa U-23 ở vòng chung kết châu Á 2020 đang quyết liệt tìm cách thay đổi. Nó xuất phát từ việc các đối thủ đã quá quen thuộc với cách chơi của ông Park và điều quan trọng hơn là những tuyển thủ quốc gia phải phù hợp với sự đổi thay lẫn thích ứng cho sự đa dạng chiến thuật trong từng hoàn cảnh cụ thể.

Dĩ nhiên, ông Park sẽ cần rất nhiều thời gian vàng cho cuộc cách mạng trên các đội tuyển quốc gia sau hơn hai năm mòn vẹt lối chơi cũ. Thực chất đã từng có lúc ông thầy người Hàn muốn thay đổi để tốt hơn nhưng chưa đúng thời cơ, như chuỗi chiến thắng vẫn còn kéo dài dù phần nhiều may mắn và cái chính là học trò chưa sẵn sàng hoặc không phù hợp.

Cho đến thất bại ở vòng chung kết U-23 châu Á hồi đầu năm nay, ông Park dường như không còn cách nào khác là phải chọn lọc những bài chiến thuật mới để áp dụng vào đội tuyển nếu không muốn tụt hậu. Vấn đề của ban huấn luyện là bài toán con người chưa có sự chuẩn bị kỹ lưỡng mà thời gian gần đây ông Park mới chỉ dừng lại ở cách hô hào các CLB chú trọng đào tạo trẻ.

HLV hiểu rằng những chiến công và thành tích suốt hai năm qua nay phải để lại sau lưng… Ảnh: NGỌC DUNG

HLV hiểu rằng những chiến công và thành tích suốt hai năm qua nay phải để lại sau lưng… Ảnh: NGỌC DUNG

Và ông bắt đầu tìm tòi, nghiên cứu cái mới cho đội tuyển Việt Nam. Ảnh: CTV

Nhìn lại hơn hai năm qua, nhân tài mới dưới thời HLV Park Hang-seo như lá mùa thu và gần như chỉ dựa vào cái có sẵn. Cũng rất nhiều lần ông ngỏ lời cám ơn các tiền nhiệm đã tạo ra một nền tảng đội tuyển vững chắc và việc của ông là chuyên tâm đặt cầu thủ vào đúng chỗ của họ theo cách chơi mới.

Nhưng cái khó của ông Park và các cộng sự ở chỗ làng bóng Việt Nam không có nhiều tài năng trẻ. Có nhiều nguyên nhân, như công tác đào tạo trẻ còn thả nổi và lạc lõng theo nhịp phách khác nhau của từng địa phương, thiếu sân chơi lớn cọ xát, không có chỗ chơi ở V-League do bệnh thành tích… Ngay cả các lò bóng đá tư nhân nổi tiếng như HA Gia Lai, VPF hay Viettel… cũng đào tạo cầu thủ trẻ theo những cách khác nhau.

Trong khi đó, nguồn tài nguyên của ông Park từ lâu đang cạn dần. Những người hùng Thường Châu 2018 sau hơn hai năm có dấu hiệu mai một do chấn thương, quá tải, thậm chí ở khía cạnh chuyên môn. Còn nguồn cầu thủ dự trữ quá ít ỏi, lại không phải ai cũng phù hợp với các bài đánh chiến thuật ở trên tuyển. Từ chức vô địch SEA Games 30 cho đến cú ngã ngựa ở vòng chung kết U-23 châu Á cho thấy rõ điều đó khi chỉ vắng một vài vị trí đã lộ ra nhiều tử huyệt.

Khi cung không đủ cầu, sẽ rất ngặt nghèo cho ông Park với các trợ lý hoàn chỉnh đội tuyển như khao khát của mình. Không bột sao gột nên hồ!

Mùa COVID-19 chữa chấn thương

HLV Park Hang-seo cho biết khó khăn của đội tuyển Việt Nam là đang gặp nhiều ca chấn thương rơi vào các vị trí trụ cột ở những mức độ khác nhau. Ông thầy Hàn chỉ ra bên cạnh thiếu may mắn, các cầu thủ chưa có sự chăm sóc y tế đúng mức ở CLB. Ai cũng biết đội ngũ y tế tại các CLB ít hoặc thiếu chuyên biệt để giúp từng cầu thủ ngăn ngừa những rủi ro cho mình trong quá trình tập luyện và thi đấu chuyên nghiệp.

Hiện có khoảng nửa đội hình quen thuộc của tuyển quốc gia gặp phải những ca chấn thương khác nhau đang điều trị. Ban huấn luyện đã tính đến các phương án thay thế không hoàn hảo nhưng không còn cách nào khác. Cũng may cho ông Park và học trò trong kỳ nghỉ dài vì dịch bệnh COVID-19 khiến cả làng bóng ngưng đọng, là thời cơ cho họ điều trị chấn thương và tập hồi phục chờ ngày trở lại với trạng thái tốt hơn.

CÔNG TUẤN

Nguồn PLO: https://plo.vn/the-thao/thay-park-co-bot-moi-got-nen-ho-904726.html