Thấy người bị nạn không cứu: 'Làm người tốt khó lắm'

Sợ bị dàn cảnh, người nhà nạn nhân hành xử thô bạo, đổ oan là thủ phạm, gặp phiền toái với cơ quan công quyền... là một số nguyên nhân dẫn đến tâm lý ngại giúp đỡ người bị nạn.

"Cứu một mạng người còn hơn xây 7 tòa tháp. Bạn không gây tai nạn chỉ giúp đỡ họ thì sao phải sợ mang họa vào thân? Con người trong xã hội bây giờ máu lạnh quá".

Đó là bình luận từ độc giả Nguyễn Bảo Anh dưới bài viết của Zing.vn về việc đám đông ngoài cuộc thường ít chịu giúp đỡ nạn nhân.

Việc phê phán hành động "thấy chết không cứu" như trên được xem là hiển nhiên đúng, xét về mặt đạo đức. Tuy nhiên, trong số gần 160 bình luận, 90% ý kiến cho rằng thà bị nói là vô cảm còn hơn "làm ơn mắc oán".

Độc giả dẫn ra nhiều câu chuyện giúp đỡ người bị nạn sau đó rước họa vào thân để đi đến kết luận: Lòng tốt không phải lúc nào cũng được đặt đúng chỗ.

Bởi vậy, nhiều người, nhất là những ai đã trải qua, chọn cách sống "thân ai nấy lo", không dám giúp đỡ người lạ mặt trong trường hợp nguy cấp.

Đám đông ngoài cuộc thường ngại giúp đỡ người bị nạn vì sợ rước họa vào thân. Minh họa: Minh Hồng - Phan Nhật.

Đám đông ngoài cuộc thường ngại giúp đỡ người bị nạn vì sợ rước họa vào thân. Minh họa: Minh Hồng - Phan Nhật.

"Làm người tốt khó lắm"

Độc giả Nguyễn Minh Anh Nhật cho rằng tâm lý ngại giúp đỡ xuất phát từ tâm lý sợ "làm ơn mắc oán". Nỗi sợ này không phải tự nhiên xuất hiện mà đến từ những sự việc trong thực tế.

Tanvu kể 2 năm trước, khi lái xe trên đường về nhà, bản thân gặp taxi vượt ẩu, không làm chủ được tay lái nên va quệt vào hai học sinh cấp 2 đang đi xe đạp. Cú va chạm khiến hai nạn nhân chảy máu ở chân, tay, khóc lóc vì hoảng sợ.

Không đắn đo, Tanvu dừng xe xuống hỏi han, đỡ hai nạn nhân dậy và hỏi số điện thoại của người thân để gọi đến đón. Một lúc sau, bố mẹ và người thân của hai học sinh này đến. Tuy nhiên, độc giả này chưa kịp nói gì đã bị những người đó lao vào chửi mắng, túm cổ áo dọa đánh vì bị cho đã gây tai nạn.

"Mặc cho tôi cố giải thích họ vẫn hùng hổ, bỏ ngoài tai. Chỉ khi người dân chứng kiến vụ việc giải thích họ mới thôi. Sau đó họ gọi taxi đưa hai cháu về nhà, không một lời cảm ơn hay xin lỗi. Từ đó trở đi khi gặp tai nạn mà không phải người thân hoặc quen biết với mình, tôi không giúp nữa", Tanvu viết.

Cái kết "làm phúc phải tội" cũng xảy ra khi độc giả Navi giúp một người lớn tuổi say rượu, tự đâm vào dải phân cách, ngã gãy chân ở ngã tư Thủ Đức, TP.HCM.

"Tôi và một anh đi đường khác chở chú này vào bệnh viện ở quận 9. Gọi nguời nhà tới, không cảm ơn thì thôi, họ hùng hổ bảo: 'Bọn mày tông người ta rồi định bỏ đi vậy à' và quyết giữ lại chờ công an tới. May chú vẫn tỉnh và bảo tự té. Bọn tôi được đi sau câu nói: 'May cho bọn mày đấy, đi đi!", độc giả này kể lại.

"Lần sau xin làm người vô cảm", Navi kết luận.

Nhiều người cho rằng giúp đỡ người bị nạn thường vướng phải nhiều rắc rối hơn là lòng tốt được công nhận. Bởi vậy, họ chọn cách ngó lơ. Ảnh: Local Love.

Sau một lần giúp người bị tai nạn giao thông nhưng suýt bị bắt đền oan, Chuẩn Div nói: "Làm người tốt khó lắm!".

Theo Phản Biện, hai nguyên nhân chính khiến con người sợ cứu người tai nạn không chỉ đến từ sự mất bình tĩnh khi chưa hiểu ngọn ngành của người nhà nạn nhân, mà còn là nỗi phiền toái khi vướng tới pháp luật.

Mèo Mập kể: "Cách đây hơn 6 năm mình có giúp đỡ một bác lớn tuổi bị đột quỵ giữa đường. Lúc vào bệnh viện mình cầm giúp đồ đạc gồm chiếc túi màu nâu. Đến lúc liên lạc với người nhà của bác ấy, mình xém bị vào công an phường vì họ nghĩ mình lấy mấy chục triệu trong túi. Tình ngay lý gian. May lúc đó không phải móc tiền túi ra đền nhưng đến giờ mình vẫn sợ chết khiếp. Không dám có lần thứ hai".

Qui Danh nói khoảng 10 năm trước cha mẹ đi khuya về gặp một người đàn ông tự ngã.

"Đường vắng không bóng xe, cha mẹ tôi dừng xuống hỏi thăm và đỡ dậy. Thế là ông ta ăn vạ nói là ba mẹ tôi đụng, rồi phải lên công an xác nhận tùm lum. Mất thời gian và tiền nữa chứ. Dù không gây ra tai nạn, gia đình tôi vẫn phải hỗ trợ tiền thuốc vì bên kia quá lằng nhằng... Đấy, thà vô tâm còn hơn mang họa", độc giả này viết.

Bên cạnh đó, nhiều người cũng lo lòng tốt được đặt không đúng chỗ khi dừng lại giúp người, song vô tình trở thành nạn nhân của vụ cướp dàn cảnh.

Ngoài ra, người cứu hộ cũng có thể bị phía bệnh viện làm khó dễ nếu đưa người bị nạn vào cấp cứu nhưng chưa có tiền đóng viện phí ngay, theo Quang Xinh Le.

Nên giúp người nhưng cũng phải bảo vệ được mình

Chung Mai nói mình cũng e ngại nhiều điều khi giúp người. Tuy nhiên, người này nghĩ thà bị hiểu lầm rồi mọi việc vẫn qua hơn là thấy cần mà không giúp.

Đó cũng là quan điểm của Sơn khi đặt trường hợp mình bị nạn nhưng đám đông không ai đoái hoài, giúp đỡ. Bởi vậy, dù có nhiều rủi ro, việc cứu người vẫn nên làm.

Nhiều độc giả đồng tình việc cứu người bị nạn là đúng, tuy nhiên ai cũng cần biết cách tự bảo vệ mình khỏi những rắc rối phát sinh sau đó.

Sau 2 lần "làm ơn mắc oán" vì cứu người, độc giả Chân Dài nói: "Đôi khi những sự việc xảy ra làm con người đặt rất nhiều câu hỏi trước khi hành động. Đến giờ tôi cũng thế. Đi đường gặp rất nhiều điều xảy ra nhưng tôi cân nhắc phải làm gì để tránh ảnh hưởng tới mình nhất".

Nhiều độc giả cho rằng cứu người là việc tốt nhưng cũng phải biết cách bảo vệ mình. Ảnh: Depositphotos.

Tài khoản thuan nguyen nói nếu muốn cứu người mà vẫn tránh được rủi ro cho bản thân, trước khi hành động nên kêu gọi những người xung quanh cùng chung tay giúp đỡ.

"Làm như thế công việc sẽ nhẹ nhàng hơn và tránh được việc nạn nhân đôi khi vô ơn hoặc nhầm lẫn mà đổ thừa cho mình", thuan nguyen viết.

Trần Đức Nhân nói mình sẽ không một mình giúp người bị nạn mà gọi điện cho đơn vị có trách nhiệm để hỗ trợ tốt hơn.

"Thứ nhất, di chuyển nạn nhân bị tai nạn khi không có kiến thức sơ cứu sẽ dễ dẫn đến tình trạng tồi tệ hơn. Thứ hai, mình rất dễ bị liên lụy với nạn nhân. Nhiều vụ như vậy bị đánh chết, bị đâm chết rất nguy hiểm. Thứ ba, dàn cảnh", người này phân tích.

Độc giả Băng Di cho rằng nên cứu người khi camera ghi lại sự việc. Đó sẽ trở thành bằng chứng ngoại phạm nếu sự việc được công an can thiệp.

"Bây giờ thời đại công nghệ cao rồi lúc giúp mình nên lấy điện thoại ra quay video hiện truờng rồi giúp, nếu không may bị vu oan mình lấy ra làm chứng cũng được", Phước Phơi Phới nhận định.

Bên cạnh đó, nhiều độc giả đề xuất hệ thống luật pháp Việt Nam nên ban hành "Luật Người tốt" như một số quốc gia trên thế giới.

"Luật quy định mọi người phải giúp đỡ người bị nạn, thế nhưng việc bảo vệ quyền lợi cho họ chưa được đề cập tới. Vậy thử hỏi các quy định như vậy có hợp lý chưa?", Hoàng Phụng đặt câu hỏi.

Thiên Nhi

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/thay-nguoi-bi-nan-khong-cuu-lam-nguoi-tot-kho-lam-post962218.html