Thầy ngoại ở V-League thất bại nhiều hơn thành công

V-League 2021 sắp diễn ra và giải năm nay khá thú vị bởi những cái tên HLV ngoại có lạ, có quen và có người từng chinh chiến ở Thai-League.

Trong số 14 đội bóng dự V-League có ba đội dùng HLV ngoại là Alexandre Polking dẫn dắt TP.HCM, Kiatisak trở lại với HA Gia Lai và Ljupko Petrovic một lần cùng Thanh Hóa lên ngôi á quân, nay trở lại với đội bóng xứ Thanh.

Ba HLV ngoại tại V-League 2021: Kiatisak, Petrovic và Polking (từ trái sang). Ảnh: X.HUY - NGỌC DUNG

Ba HLV ngoại tại V-League 2021: Kiatisak, Petrovic và Polking (từ trái sang). Ảnh: X.HUY - NGỌC DUNG

Lịch sử V-League Việt Nam mới chỉ có một thầy ngoại thành công tại V-League là HLV Calisto với hai chức vô địch và cả siêu cúp cho Đồng Tâm Long An.

Còn hơn 10 HLV ngoại đều trắng tay, trong đó có cả cựu HLV đội tuyển Thái Lan Chatchai hay gần nhất là HLV từng dự Champions League châu Âu như Ljupko Petrovic cũng trắng tay ở các đấu trường.

HLV Arjhan Somgamsak từng gắn bó với HA Gia Lai cũng là người chứng kiến những thăng trầm của CLB này nhưng ông Arjhan lại bị che bởi cái bóng quá lớn của Giám đốc kỹ thuật Nguyễn Văn Vinh, người gắn với hai chức vô địch của HA Gia Lai.

Hai HLV từng cùng CLB đi đến ngôi á quân là Petrovic (Thanh Hóa) và Chung Hae-soung (TP.HCM) nhưng dấu ấn để lại không lớn, trong đó cả hai vị này đều phàn nàn điều mình muốn thực hiện với các cầu thủ lại luôn gặp trở ngại bởi môi trường bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam bị can thiệp quá nhiều.

Trở lại với HLV ngoại thành công nhất Việt Nam là ông Calisto thì HLV này được bầu Thắng tin tưởng trao tất cả quyền quyết định từ việc xác định con người, mua cầu thủ, chọn lối chơi, nghiên cứu đối thủ, xây dựng bộ khung các trợ lý…

Đó là điều mà hầu như các HLV ngoại khác không có được. Đơn cử như HLV Chung Hae-soung về với CLB TP.HCM sau một mùa lên ngôi á quân thì mùa sau có lúc ông không chỉ đạo được cầu thủ và than phiền rằng họ không thực thi theo ý ông.

Rõ nhất là trận gặp HA Gia Lai ở giai đoạn 1 thua xiểng niểng, còn ông thì ngồi bất lực ở khu kỹ thuật vì biết chắc có nhiều cầu thủ nghe “người lớn hơn” và không muốn đội bóng thắng.

Giá của thầy ngoại không bao giờ rẻ nhưng với bầu Thắng khi mời ông Calisto thì ông bầu này lại nói giá quá rẻ vì khoán cho ông Calisto rồi bầu Thắng chẳng còn bận tâm gì nữa.

Điều mà nhiều HLV ngoại thất bại ở V-League là muốn đội bóng hoạt động theo cơ chế chuyên nghiệp nhưng hầu như đội nào cũng vướng một số “lệ làng” buộc HLV ngoại phải theo.

Các nhà chuyên môn của bóng đá Việt Nam chia sẻ rằng hiếm có ông chủ nào làm bóng đá kiểu bầu Thắng với ông Calisto trên tinh thần tôn trọng công việc của nhau.

Cũng những nhà chuyên môn nói rằng ở nhiều CLB, cầu thủ không sợ HLV ngoại vì HLV ngoại không trả lương, không thưởng ngoài luồng cho họ nên thường thì họ theo lệnh người trả lương và người có thể sa thải cả HLV trưởng.

Kiatisak từ khi làm HLV cũng mới chỉ thành công ở đội tuyển Thái Lan chứ chưa có thành tích gì ở CLB, kể cả Việt Nam lẫn Thái Lan.

HLV Alexandre Polking từng thành công ở Thai-League nhưng nay chọn V-League mà cụ thể là TP.HCM sẽ thành công nếu ông không đi vào vết xe đổ của HLV Chung Hae-soung.

Hay HLV Petrovic người Serbia về lại với Thanh Hóa nếu không thay đổi được cách làm và cách ứng xử lẫn môi trường với đội bóng cũ thì ông cũng khó tìm lại được chức á quân.

Mùa này V-League có ba thầy ngoại và hãy chờ xem những ông thầy này có mang đến luồng gió mới thực sự khi thoát ra được vết xe đổ những người tiền nhiệm hay không.•

Thầy ngoại rời đội tuyển về CLB gặt thất bại
HLV Alfred Riedl khi chia tay đội tuyển Việt Nam có lúc ông chọn CLB như Khánh Hòa hay Hải Phòng làm bến đỗ và đều thất bại nặng nề. Việc thất bại ở cấp CLB được chính cố HLV này từng chia sẻ là vì ở CLB khác rất xa so với ở đội tuyển và ý thức cầu thủ hay cách nhìn của cầu thủ với HLV cũng thế. Ông nói bóng đá Việt Nam giữa đội tuyển và CLB là một khoảng cách rất lớn, đặc biệt trong vận hành và quản lý.

ĐỨC TRƯỜNG

Nguồn PLO: https://plo.vn/the-thao/thay-ngoai-o-vleague-that-bai-nhieu-hon-thanh-cong-958257.html