Thầy ngoại đi mãi cũng thành đường

Thành công của Kiatisuk cùng Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) sau 10 vòng đấu đầu tiên V-League 2021 chứng tỏ V-League không hẳn là miền đất dữ với các ông thầy ngoại.

 Kiatisuk trong buổi tập đầu tiên cùng Hoàng Anh Gia Lai. Ảnh: VnE.

Kiatisuk trong buổi tập đầu tiên cùng Hoàng Anh Gia Lai. Ảnh: VnE.

Khơi dậy tiềm năng

Khi Xuân Trường ghi siêu phẩm sút xa vào lưới Hà Nội ở vòng 10 V-League, cả sân Pleiku nổ tung. Ban huấn luyện HAGL cũng ôm chầm lấy nhau, hoan hỉ trong niềm vui chung. Duy chỉ Kiatisuk giữ vẻ điềm tĩnh. "Zico Thái" đứng một chỗ, mỉm cười nhẹ, xong mới ra đập tay cùng các cộng sự. Dường như ông thầy người Thái đã dự đoán trước được bàn thắng sẽ đến theo kịch bản này?

Kể từ lần thắng Hà Nội gần nhất vào hồi 2017, hễ cứ gặp đội bóng Thủ đô là quân bầu Đức luống cuống như "rắn mùng năm". Lý do thua cuộc có nhiều, nhưng tựu trung nằm ở việc HAGL thiếu ý tưởng tấn công. Những cầu thủ kỹ thuật bậc nhất của họ, như Công Phượng, Văn Toàn, Tuấn Anh loay hoay ở khu giữa sân, mất bóng, rồi dính đòn hồi mã thương từ phản công.

Hôm 18/4 là một HAGL khác biệt. Đối chọi với cách đá phòng ngự khu vực của Hà Nội, các học trò của Kiatisuk lao lên phía trước, với một ý niệm rõ ràng là sẽ tạo khoảng trống và nhả bóng lại cho tuyến hai băng lên. Những pha xâm nhập của Văn Thanh trong khoảng 15 phút đầu là lời cảnh báo, trước khi Xuân Trường tung đòn quyết định, xé lưới Tấn Trường.

Sút xa từng là một vũ khí sắc bén của những cầu thủ trẻ trưởng thành từ lò HAGL Arsenal JMG. Những ai có trí nhớ tốt hẳn chưa quên siêu phẩm của Tuấn Anh vào lưới U19 Myanmar hồi 2014, hay pha lập công từ ngoài 25m của Công Phượng vào lưới Đài Loan năm 2017. Với tư tưởng chơi bóng hiện đại từ trời Âu, cộng với kỹ năng cơ bản tốt, thế hệ Công Phượng được dạy rằng sút xa là cách hiệu quả nhất để giải quyết những thế trận giằng co.

Tuy nhiên, theo thời gian, điểm mạnh này của lứa Công Phượng nói riêng và HAGL nói chung bị mai một. Dần dà, họ mất tự tin vào khả năng, dẫn đến những pha chuyền luẩn quẩn, hoặc chạy vào chỗ tối như đã thể hiện nhiều năm qua. Dù đội bóng phố Núi vài phen đổi tướng, nhưng những huấn luyện viên (HLV) trước Kiatisuk không tài nào khơi dậy lại tiềm năng này.

Đến từ Thái Lan, Kiatisuk rất hiểu sút xa có ý nghĩa như nào trong bóng đá hiện đại. Thời ông dẫn đội tuyển, Thái Lan rất thường đập nhả ở trung lộ, rồi đột ngột trả bóng lại cho tuyến dưới băng lên. Chính Công Phượng cùng đồng đội đã không ít lần chịu đau thương vì ngón đòn này, đặc biệt là ở hai trận vòng loại World Cup 2018.

Cái hay của Kiatisuk, là ông không vội vàng uốn học trò theo lối đá tấn công này. Thời mới nắm HAGL, nhà cầm quân 48 tuổi chủ trương để đội bóng đá chắc, tới mức khiến người xem buồn ngủ vì lối giữ bóng lâu bên phần sân nhà. Đến khi đạt đủ sự nhuần nhuyễn, "Zico Thái" mới tung bài, và gặt trái ngọt từ vòng 5, trong trận thắng Viettel 3-0 ngay tại Hàng Đẫy.

Mào đầu cho tình huống ghi bàn là pha dạt biên của tiền đạo Văn Toàn. Sau khi hút theo sự chú ý của hậu vệ Viettel, anh nhả lại cho Công Phượng băng lên, rồi cứa lòng chìm vào góc xa. Đó là một pha phối hợp rất "U19 Việt Nam", thời Công Phượng đá hộ công cho Văn Toàn dưới sự chỉ đạo của HLV Graechen những năm 2013, 2014. Phải chờ 7 năm, đến thời Kiatisuk, miếng đánh cũ mới được tái hiện.

Nếu chỉ mình Công Phượng sút xa thành bàn, có người sẽ nghĩ là may mắn. Nếu thêm Xuân Trường nữa, đó có thể là sự trùng hợp. Nhưng ngoài bộ đôi này, Kiatisuk còn khơi dậy cảm hứng để Minh Vương xé lưới Nam Định, và Văn Toàn khai thông bế tắc trước Đà Nẵng. Tất cả không thể chỉ là ngẫu nhiên, mà nằm trong tính toán của ông thầy xứ Chùa vàng.

Ông hiểu rằng, đầu tiên cần giúp các học trò yên tâm ở mặt trận tấn công, bằng cách kiên cố hóa hàng thủ. Sau khi làm được việc này, bàn thắng sẽ tự tìm đến, bởi suy cho cùng, HAGL vẫn là tập thể có chất lượng nội binh tốt bậc nhất V-League.

Dưới sự nhào nặn của cựu tiền đạo Kiatisuk, Công Phượng trở nên nguy hiểm và khó lường hơn rất nhiều. Ảnh: VPF.

Bước chuyển

Trước Kiatisuk, nhiều HLV ngoại đã chôn vùi sự nghiệp ở V-League, dù đó có là người nằm lòng bóng đá Việt như Alfred Riedl hay dạn dày kinh nghiệm đỉnh cao như Ljupko Petrovic (từng vô địch Cup C1). Nguyên nhân của những thất bại có rất nhiều.

Bầu Đệ, cựu Chủ tịch Thanh Hóa, đổ cho "bất đồng ngôn ngữ" khi ra trát sa thải với Fabio Lopez hồi đầu năm 2020. Cựu danh thủ Lê Thế Thọ vin vào cơ chế, bởi "Ở nước ngoài, HLV được toàn quyền chuyên môn còn ở Việt Nam thì không". Còn BLV Quang Huy thì nhận định, những nhà cầm quân nước ngoài "ít gần gũi" và "kém uy" với học trò.

Steve Darby, người từng thành công trong việc dẫn dắt nhiều đội bóng ở Malaysia và Singapore, khẳng định ông luôn cần đội ngũ trợ lý bản địa để làm quen với văn hóa, phong cách địa phương. HLV Park Hang-seo cũng sử dụng phương pháp này. Trong bộ sậu dẫn dắt song song cả đội tuyển lẫn đội U23 Việt Nam, nhà cầm quân người Hàn Quốc duy trì ít nhất một nửa số trợ lý là người Việt. Họ giống như những cánh tay nối dài, và giúp ông nắm bắt tâm lý cầu thủ một cách nhanh chóng.

Từ sau thời Henrique Calisto (năm 2006), không một HLV ngoại nào vô địch V-League. Họ đều mắc một vài, hoặc tất cả những lý do trên. Ngay trong mùa 2021 này, Masahiro Shimoda bị sa thải sau vỏn vẹn một tháng. Số phận Alexandre Polking và Petrovic lúc nào cũng như mành treo chuông. Chỉ riêng Kiatisuk trụ vững và thăng hoa.

Vấn đề nằm ở chính cách tiếp cận, hay nói chính xác hơn là dụng ý từ phía đội bóng khi thuê thầy ngoại. Sài Gòn đưa Shimoda lên ghế huấn luyện thay Vũ Tiến Thành, dù ông này chỉ là một tay ngang và vốn xuất thân từ nghiệp quản lý bóng đá, thay vì cầm sa bàn chỉ đạo. Polking được dúi vào tay một hệ thống tấn công gồm 4 ngoại binh, nhưng phòng ngự thì hổng toang hoác.

Petrovic là kinh nghiệm nhất, từng đưa Thanh Hóa đến ngôi á quân mùa 2017, nhưng bản thân ông thầy người Serbia không biết cách thích ứng với V-League. 4 năm trước, ông ra đi với bê bối lao vào sân ẩu đả với trọng tài, thì nay tiếp tục đòi làm cho ra nhẽ với những người cầm còi trong trận thua Đà Nẵng, dù lúc ấy học trò của ông đang bừng bừng khí thế ghi bàn.

Ở góc độ quản lý, khi mang về một HLV ngoại, cũng như một cầu thủ ngoại, kỳ vọng của bất cứ ông bầu nào cũng là: Cải thiện chất lượng chơi bóng. Nhưng ở cả ba trường hợp kể trên, sau 10 vòng đầu tiên, người ta thấy Sài Gòn, Thành phố Hồ Chí Minh (TPHCM) và Thanh Hóa vẫn đang loay hoay với vị trí thuyền trưởng.

Ngoài Shimoda đã ra đi, Polking vẫn chưa cho thấy triết lý tấn công nào dù mang quốc tịch Brazil. Petrovic, 74 tuổi, nhưng cư xử như thể... 47 tuổi. Ông không cho thấy sự điềm tĩnh, chắc chắn mà Thanh Hóa cần. Giữa khả năng thầy ngoại và yêu cầu của từng đội có độ rơ, nên việc Sài Gòn, TPHCM chiếm hai trong ba vị trí cuối bảng là điều dễ hiểu.

Kiatisuk là một trường hợp khác. Bản thân huyền thoại người Thái luôn khẳng định, đến Pleiku như thể ông "trở về nhà". Tại phố Núi, "Zico Thái" có nhiều cánh tay nối dài như nhóm trợ lý Nguyễn Văn Đàn, Dương Minh Ninh, từng là đồng đội của ông thời là cầu thủ. Kiatisuk cũng sở hữu cái uy lớn với cầu thủ, khi từng khiến ngôi sao đình đám Lee Nguyễn khăn gói rời đội chục năm trước.

Nhưng trên hết, khi bổ nhiệm Kiatisuk, bầu Đức công khai trước truyền thông rằng "không đặt nặng chuyện thành tích" và "đá cho đẹp là được". Nhờ được cởi bỏ gánh nặng tâm lý, nhà cầm quân người Thái kiên nhẫn xây dựng đội bóng theo lộ trình. Đầu tiên là khắc phục điểm yếu phòng ngự. Sau mới đến hoàn thiện kỹ năng tấn công. Ông không bị ép đá tấn công như Polking, hay chạy theo những mục tiêu xa vời như Petrovic.

Lần thứ ba nắm quyền HAGL, Kiatisuk đã để lại dấu ấn. Với nhiều người, đó có thể đơn giản chỉ là chuyện đi mãi cũng thành đường. Nhưng với các đội V-League, đó sẽ là bước chuyển để họ nhìn nhận cặn kẽ vấn đề trước khi thuê thầy ngoại.

Phúc Nguyên

Nguồn Nông Nghiệp: https://nongnghiep.vn/thay-ngoai-di-mai-cung-thanh-duong-d288817.html