Thay máu phi đội Tornado, Đức phải 'nhòm trước ngó sau' thái độ của Mỹ

Quyết định mua máy bay của Đức nhằm 'thay máu' phi đội Tornado có thể bị chi phối bởi động cơ chính trị nhiều hơn là đánh giá kỹ thuật của máy bay.

Thay máu phi đội Tornado

Tờ Business Insider ngày 21/8 cho biết, Mỹ đang hối thúc Bộ Quốc phòng Đức lựa chọn dòng máy bay F-35 do tập đoàn sản xuất vũ khí Lockheed Martin của Mỹ sản xuất, trong bối cảnh Berlin đang tìm kiếm các loại máy bay tối tân để “thay máu” phi đội máy bay chiến đấu Tornado của nước này. Theo giới quan sát, quyết định mua máy bay quân sự của Đức có thể bị chi phối bởi động cơ chính trị nhiều hơn là việc đánh giá kỹ thuật và cấu tạo của máy bay.

Máy bay chiến đấu Tornado của Đức. (Ảnh: Reuters).

Kể từ khi lên nắm quyền, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đẩy mạnh việc chào bán các loại máy bay, tên lửa và khí tài quân sự khác tới các nước như Nhật Bản, Saudi Arabia, Hàn Quốc. Ông Trump cũng kêu gọi các nước đồng minh khác trong Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây dương (NATO), chi tiêu nhiều hơn cho quốc phòng, đặc biệt là Đức-quốc gia đang vươn tới mục tiêu có thặng dư tài khoản vãng lai lớn nhất thế giới trong năm 2018.

Nếu Đức lựa chọn mua F-35 thì điều này sẽ mang đến lợi nhuận lớn cho Tập đoàn Lockheed Martin, có trụ sở tại Maryland, Mỹ. Đức đã lựa chọn 4 dòng máy bay nằm trong danh sách tiềm năng, gồm máy bay chiến đấu F-35 của Lockheed Martin, F-15 của Boeing, tiêm kích đa nhiệm F/A-18 và tiêm kích Eurofighter Typhoon.

F-35 đã trở thành một đề tài rất dễ gây tranh cãi trong giới chính trị tại Đức. Sau lời cảnh báo rằng, bày tỏ sự ủng hộ đối với việc mua F-35 có thể dẫn tới hậu quả nghiêm trọng, Người đứng đầu lực lượng không quân Đức đã bị sa thải, mặc dù không rõ ông này có vi phạm tối hậu thư nêu trên hay không. Theo tờ tạp chí kinh doanh Handelsblatt, vụ sa thải này là động cơ mang tính chính trị.

“Vụ việc này cho thấy giới chức Đức vẫn hướng về giải pháp mua máy bay chiến đấu Eurofighter. Nó diễn ra trong bối cảnh đang có một cuộc tranh cãi xuyên Đại Tây Dương về việc tăng cường tiềm lực quân sự của Đức và thiện chí của nước này sẵn sàng gánh vác trọng trách trong khối NATO. Tổng thống Donald Trump đã sử dụng lời lẽ gay gắt chỉ trích Đức vì cho rằng nước này đóng góp chưa đủ cho chi phí quốc phòng”, tờ Handelsblatt cho biết.

Mỹ tác động thế nào đến quyết định của Đức?

Theo tờ Defense News nhận định, “kỷ nguyên Donald Trump” có thể tác động lớn đến quyết định mua máy bay của Đức. Ông Christian Möllig, quan chức thuộc Hội đồng đối ngoại Đức cho rằng: “Chương trình thay máu phi đội Tornado của Đức không chỉ là về mặt kỹ thuật mà còn là vấn đề chính trị giữa Đức và Mỹ”. Đến thời điểm hiện tại vẫn chưa có quyết định nào được đưa ra.

Tờ Sputnik cho biết, trong nhiều tháng qua, Bộ Quốc phòng Đức nghiêng về lựa chọn F-35, mặc dù chưa nổi tiếng về khả năng chiến đấu, thêm nữa lại có quá nhiều trục trặc và quá đắt đỏ. Trái lại, các nhà hoạch định chính sách Đức lại thích Eurofighter Typhoon của Châu Âu hơn.

Điều này được thể hiện rõ nét khi hồi tháng 6 vừa qua, Berlin yêu cầu Bộ Quốc phòng Mỹ làm rõ liệu Mỹ có cho phép chiến đấu cơ Eurofighter Typhoon mang theo vũ khí hạt nhân như một phần của quy định chia sẻ quốc phòng trong Hiệp ước NATO hay không. Để đáp ứng các quy định của NATO, máy bay mà Đức lựa chọn cần phải có khả năng mang theo loại vũ khí này. Tờ Defense News ngày 17/8 cho biết: “Để những chiếc máy bay Typhoon xử lý được vũ khí hạt nhân có thể mất từ 5 năm đến 10 năm và điều này đòi hỏi lực lượng không quân Đức phải nỗ lực rất nhiều”.

Một số nhà phân tích của Mỹ đồn đoán rằng, với vai trò là bên trả lời cho câu hỏi của Đức về việc liệu máy bay Typhoon có khả năng mang đầu đạn hạt nhân như Tornado hay không, Bộ Quốc phòng Mỹ sẽ có ảnh hưởng tới quyết định cuối cùng của Berlin. Nếu vì một số lý do nào đó, Bộ Quốc phòng Mỹ thông báo rằng Typhoon không hợp với việc trang bị vũ khí hạt nhân hoặc có thể trang bị vũ khí này nhưng với giá “trên trời” thì khi đó F-35 sẽ là một lựa chọn khả thi với Đức. Bởi xét cho cùng, đây vẫn là loại máy bay mới nhất và ưu việt nhất trong số các loại máy bay mà Mỹ đang chào bán, chưa kể nó còn có hệ thống radar tần số thấp.

Về phần mình, Bộ Quốc phòng Mỹ cũng rất kín tiếng về vấn đề này. Người phát ngôn của Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết: “Chương trình thay thế máy bay Tornado của Đức là quyết định của một quốc gia có chủ quyền”.

Ông Karl-Heinz Kampm, chủ tịch Viện chính sách an ninh Đức cho biết, giải pháp khác là Đức có thể hủy bỏ chương trình thay thế Tornado (ra đời từ những năm 1970), tuy nhiên điều này sẽ khiến Berlin phải tăng chi phí cho việc vận hành hệ thống máy bay đã già cỗi và lỗi thời này.

Một số nhà phân tích cho rằng, một trong những lý do khiến Đức trì hoãn mua F-35 là vì nước này muốn củng cố quan hệ hợp tác với Pháp về dự án phát triển “siêu máy bay chiến đấu” thế hệ mới. Sự hợp tác này dường như đang thu hút các nhà chính trị Pháp và Đức – những người tìm cách bảo vệ các lợi ích kinh tế và lợi ích chiến lược khác của Châu Âu.

Airbus – một trong số các công ty đang tham gia dự án cho biết, việc Đức lựa chọn F-35 sẽ dập tắt dự án phát triển loại máy bay này. Giám đốc điều hành mảng quốc phòng của Airbus Dirk Hoke cho biết: “Một khi Đức trở thành quốc gia sở hữu F-35 của Mỹ, sự hợp tác giữa nước này với Pháp về siêu máy bay chiến đấu thế hệ mới sẽ “chết yểu”./.

Hồng Anh/VOV.VN

Nguồn VOV: http://vov.vn/quan-su-quoc-phong/thay-mau-phi-doi-tornado-duc-phai-nhom-truoc-ngo-sau-thai-do-cua-my-803364.vov