Thay lời tri ân

Hàng năm, cứ đến ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11) là dịp để mọi người Việt Nam bày tỏ sự tri ân đối với các thầy cô giáo. Tôn sư, trọng đạo là một nét đẹp văn hóa truyền thống có từ lâu đời và được bồi đắp từ thế hệ này, sang thế hệ khác.

Vào ngày 28/9/1982, Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) đã ban hành quyết định số 167-HĐBT lấy ngày 20/11 hằng năm là ngày lễ mang tên "Ngày nhà giáo Việt Nam". Ngày 20/11 đã trở thành ngày truyền thống của ngành Giáo dục Việt Nam và gắn liền với phong tục tập quán của nước ta. Vào ngày 20/11, từ lâu đã được xem là một ngày lễ "tôn sư trọng đạo" để tôn vinh các nhà giáo, người đã đứng trên bục giảng hằng ngày truyền đạt những tri thức quý báu và cách sống trở thành người có ích cho xã hội cho những thế hệ học trò. Đây cũng là dịp để thế hệ học sinh tỏ lòng biết ơn, tri ân của mình tới những "người đưa đò thầm lặng" trên bến sông cuộc đời.

Trong chương trình “Thay lời tri ân – Hạnh phúc” do Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức, truyền hình trực tiếp trên kênh VTV1 tối 15/11 vừa qua, khán giả trường quay (và hẳn không ít khán giả xem qua tivi) đã xúc động trào nước mắt về những tấm gương thầy, cô giáo hết lòng vì học sinh thân yêu. Đó là chuyện thầy giáo A Phiên và cô giáo Hồ Thị Thùy Vân ở Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học - Trung học Cơ sở xã Tu Mơ Rông (Kon Tum) đã vận động giáo viên trong trường góp tiền, tự thầy A Phiên hàng ngày đi chợ xa 7km nấu ăn miễn phí cho học sinh để giữ các em ở lại trường; thầy Hoàng Đức Mạnh, ở Trường Trung học Cơ sở Lê Thanh, Mỹ Đức, Hà Nội chuyên xung phong nhận những lớp khó, cảm hóa, giáo dục được bao em học sinh từng là học sinh hư nên người; thầy Thái Thành Thuận, ở Trường Trung học Cơ sở Tam Bình, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang bị tai nạn phải ngồi xe lăn nhưng vẫn khát khao cháy bỏng được hàng ngày đứng trên bục giảng để dạy học sinh; cô Hà Ánh Phượng, giáo viên tiếng Anh của Trường Trung học Phổ thông Hương Cần, Thanh Sơn, Phú Thọ - người vừa được Tổ chức Varkey Foundation công bố nằm trong Top 10 giáo viên xuất sắc nhất toàn cầu năm 2020 đã từ chối mức lương hấp dẫn của một hãng dược Pakistan để về quê dạy học mà học trò đa phần là dân tộc thiểu số…

Những năm qua, đời sống kinh tế xã hội của Quảng Ninh không ngừng phát triển, nhất là đường giao thông đã thông thoáng vào các xã vùng cao nên đời sống đồng bào nói chung, các thầy cô giáo nói riêng đã được nâng lên rất nhiều. Cách đâu xa, chỉ khoảng chục năm trước, xã Đại Dực (Tiên Yên) còn là xã đặc biệt khó khăn, giao thông cách trở, những thầy cô giáo ở đây phải bám bản, chỉ cuối tuần mới đi được ra huyện mua cá khô, rau để cho một tuần mới. Đây đó ở các địa phương, vùng miền núi, hải đảo trong tỉnh có rất nhiều thầy, cô giáo vẫn hàng ngày âm thầm bám trường, bám lớp cống hiến vì sự nghiệp giáo dục và vì tương lai của con em đồng bào các dân tộc. Không ít cán bộ, chiến sĩ bộ đội biên phòng nơi biên giới đã trở thành những thầy giáo quân hàm xanh. Lại có những bà giáo nghỉ hưu ở Hạ Long đã dạy chữ miễn phí cho con của các ngư dân trên biển, xóm chài…

Phát biểu tại chương trình “Thay lời tri ân – Hạnh phúc” kể trên, Bộ trưởng Bộ Giáo dục – Đào tạo Phùng Xuân Nhạ đã gửi lời cảm ơn sâu sắc tới các thầy cô giáo đã và đang công tác trong ngành Giáo dục bởi những cống hiến không mệt mỏi trong suốt thời gian qua. “Tôi mong rằng, dù còn nhiều gian khó, song các thầy cô sẽ tiếp tục nỗ lực, cố gắng để hoàn thành tốt nhiệm vụ “trồng người” cao cả mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao cho”- Bộ trưởng gửi gắm.

“Một chữ cũng là thầy, nửa chữ cũng là thầy”, “Tôn sư, trọng đạo”, “Không thầy đố mày làm nên”… là những câu tục ngữ có tính răn dạy sâu sắc của ông cha ta. Biết bao câu chuyện cảm động về tình thầy trò về những cống hiến, hy sinh của các thầy cô giáo được chuyển thể lại qua kho tàng văn học dân gian đến hôm nay vẫn còn nguyên giá trị.

Đại Dương

Nguồn Quảng Ninh: http://baoquangninh.com.vn/xa-hoi/202011/thay-loi-tri-an-2510106/