Thay khớp háng lần 2 cho cụ bà 91 tuổi

Bệnh viện Trung ương Huế cơ sở 2 vừa thực hiện thành công ca phẫu thuật thay khớp háng lần 2 cho một cụ bà 91 tuổi, hiện tại bệnh nhân này có thể tập phục hồi chức năng và trở lại cuộc sống trong vài ngày sắp tới.

Bệnh nhân T khỏe mạnh, có thể tập phục hồi sau phẫu thuật thay khớp lần 2 - Ảnh: Q.S

Bệnh nhân T khỏe mạnh, có thể tập phục hồi sau phẫu thuật thay khớp lần 2 - Ảnh: Q.S

Ngày 16.6, thông tin từ khoa chấn thương chỉnh hình, bệnh viện trung ương Huế cơ sở 2 cho biết, đơn vị vừa thực hiện thành công một ca phẫu thuật cực kỳ khó và hy hữu cho cụ bà Trần Thị T (91 tuổi, ở xã Phong Mỹ, huyện Phong Điền, TT-Huế), cụ T nhập viện cấp cứu sau khi bị ngã đập xuống nền nhà.

Cụ T. nhập viện được chẩn đoán bị trật khớp háng kiểu trung tâm sau thay khớp háng bán phần cách đây 5 năm, các bác sĩ phải tiến hành phẫu thuật thay lại khớp háng toàn phần trên bệnh nhân để giúp bệnh nhân có cơ hội được trở lại cuộc sống bình thường.

Đây là một kỹ thuật theo nhận xét của các bác sĩ là rất khó và mới trong nền y học Việt Nam, đòi hỏi các bác sĩ phẫu thuật phải có kỹ thuật, kinh nghiệm với trang thiết bị hiện đại. Hơn nữa vì bệnh nhân đã từng trải qua 1 lần thay khớp nên việc thay lại càng khó khăn hơn gấp bội, đó là khó khăn trong việc lựa chọn phương pháp tiếp cận khớp háng cũng như cách xử lý các khớp háng nhân tạo đã thay lần đần cách đây 5 năm.

Cách đây 5 năm bệnh nhân đa bị gãy cổ xương đùi trái, được thay khớp háng bán phần có xi-măng tại một Bệnh viện khác Sau khi thăm khám, hỗ trợ chẩn đoán hình ảnh, các bác sĩ đã chẩn đoán đây là một trường hợp trật khớp háng trung tâm trên khớp háng đã thay.

Làm phẫu thuật viên chính trong ca mổ, TS.BS Hồ Mẫn Trường Phú cho biết: “Các tổ chức phần mềm xung quanh khớp háng của bệnh nhân xơ dính, khó định hình, mái ổ cối bị vỡ nên chỏm khớp háng nhân tạo nằm sâu trong tiểu khung, phần stemp xương đùi cũng đã bị lỏng nên ekip phẫu thuật đã quyết định thay lại toàn bộ khớp háng. Khó khăn lớn nhất là phải lấy sạch phần xi-măng cũ bám chặt vào mặt trong xương đùi.

Quá trình phẫu thuật ê kíp kéo phần chỏm khớp nhân tạo ra khỏi vùng tiểu khung, lấy được khối cement cũ trong ống tủy xương đùi và đặt một rá ổ cối nhân tạo để làm giá đỡ che lại phần ổ cối bị thủng, sau đó một ổ cối có xi-măng được đưa vào vị trí rá đỡ để cố định lại vững chắc phần ổ cối bị hư, phần xương đùi được thay lại bằng một stemp mới có cement. Toàn bộ quá trình phẫu thuật diễn ra trong hơn 3 giờ”.

Các khớp xương của bệnh nhân ngày càng ổn định chứ không như trước kia - Ảnh: Q.S

Sau ca phẫu thuật dù đã lớn tuổi nhưng sức khỏe bệnh nhân ổn định, toàn bộ khớp háng vừa thay vào đã hoàn chỉnh. Kiểm tra trong mổ, khớp háng vận động tốt với các tư thế chống trật, chiều dài hai chân phục hồi bằng nhau. Sau mổ, bệnh nhân được theo dõi sát các dấu hiệu sinh tồn, dịch dẫn lưu, xét nghiệm ổn định và chụp phim kiểm tra khớp đã thay có kết quả tốt. Hiện bệnh nhân đang tập phục hồi chức năng, dự kiến bệnh nhân sẽ được xuất viện trong vài ngày tới.

Trước trường hợp hy hữu bệnh nhân đã 91 tuổi bị trật khớp lần 2, Tiến sĩ Phú khuyên: “Những bệnh nhân có gãy xương vùng khớp háng đã được phẫu thuật kết hợp xương hoặc thậm chí đã thay khớp cần thường xuyên tái khám kiểm tra định kỳ để phát hiện các biến chứng, tổn thương thứ phát có thể xảy ra để xử trí kịp thời”.

Quế Sơn

Nguồn Một Thế Giới: https://motthegioi.vn/suc-khoe-c-84/thay-khop-hang-lan-2-cho-cu-ba-91-tuoi-115198.html