Thầy giáo về hưu xây bảo tàng trưng bày 'báu vật' làng quê

Một thầy giáo về hưu đã cất công sưu tầm và lưu giữ hàng ngàn cổ vật suốt 50 năm qua, xây dựng một bảo tàng 'có một không hai' ở quê hương.

Đó là Tiến sĩ Nguyễn Quang Cương (sinh năm 1957) – người con của mảnh đất Bình An (huyện Lộc Hà, Hà Tĩnh), nguyên giảng viên Trường Đại học Quy Nhơn.

Trong 40 năm gắn bó với trường đại học này, thì có tới 30 năm, ông đảm nhiệm cương vị Trưởng bộ môn Lý luận và phương pháp dạy văn (Khoa Ngữ văn).

“Tôi luôn suy nghĩ là người thầy phải làm tròn sứ mệnh của mình, dạy học một cách xuất sắc. Khi nghỉ hưu, tôi trở về quê hương xây bảo tàng, lập trường học để giáo dục truyền thống cho học sinh” – Ông Cương nói.

Toàn cảnh Bảo tàng Hoa Cương tại xã Bình An, huyện Lộc Hà.

Toàn cảnh Bảo tàng Hoa Cương tại xã Bình An, huyện Lộc Hà.

Tiến sĩ Cương kể, thời còn học cấp 3, ông đã có ước mơ về một bảo tàng gia đình hoặc bảo tàng làng xã, quê hương.

Tiến sĩ Cương bên một số chiếc chum hình dạng lạ và hiếm gặp.

Hàng chục chiếc chum có niên đại khác nhau được sắp xếp ngay ngắn.

Ý tưởng đó đã thôi thúc ông âm thầm sưu tầm cổ vật trong nhiều năm qua.

Chiếc đế bằng đá dùng để giã gạo của những gia đình giàu có thời phong kiến

Những chiếc cối đá tinh xảo có từ thế kỷ trước.

Tuy nhiên, đến đầu năm 2017, ông Cương mới bắt đầu xây dựng công trình Bảo tàng Hoa Cương. Bảo tàng được hoàn thành giai đoạn 1 vào tháng 7 vừa qua.

Nằm trên mảnh đất hơn 1.500m2, bảo tàng trưng bày hàng ngàn cổ vật có niên đại từ vài chục đến hàng trăm năm.

Những chiếc thuyền bằng tre được tiến sĩ Cương sưu tầm từ các làng chài ở Nghệ An.

Phòng lưu giữ sách và kỷ vật của gia đình tiến sĩ Cương.

“Lưu giữ hiện vật quá khứ cũng là cách tái sinh hồn quá khứ, phục sinh những giá trị truyền thống” – Tiến sĩ Cương cho biết.

Bảo tàng Hoa Cương được chia làm 3 khu vực lưu giữ, bao gồm ngôi nhà 2 tầng trưng bày 4.000 hiện vật và 3.700 đầu sách, tài liệu quý hiếm. Khu vực vườn trước nhà trưng bày hàng trăm chiếc chum, cối đá cổ. Các hiện vật được trưng bày thể hiện nhiều phương diện trong đời sống người Việt, nhất là từ thời nhà Nguyễn đến nay.

Chiếc hũ đựng đầy tiền thời nhà Nguyễn còn nguyên vẹn cùng khối mộc hóa thạch.

Các vật dụng trong thời chiến cũng được tiến sĩ Cương sưu tầm

Khu trưng bày các cổ vật nghề nông.

Chiếc mâm bằng đồng cùng bộ sư tập liên quan đến tục ăn trầu của người Việt.

Bộ sưu tập bát đĩa có từ thế kỷ XIX – XX.

Ông Cương tâm sự, khó khăn nhất vẫn là việc sưu tầm cổ vật. Trước đây, khi mới xây dựng ý tưởng thì ông bận bịu với công việc dạy học, hàng chục năm sau, khi nhàn rỗi hơn thì cổ vật ít và khó sưu tầm hơn.

“Đơn cử như chiếc chum có niên đại vài trăm năm đang trưng bày ngoài kia, tôi phải đi lại mất 10 lần mới mua được. Họ cũng quý cổ vật như mình nên để thuyết phục họ bán là cả một quá trình”.

Khu vực trưng bày chum, cối đá nhìn từ trên cao.

Tháng 7/2020, Bảo tàng Hoa Cương đã được UBND tỉnh Hà Tĩnh cấp Giấy phép hoạt động. Với ông Cương, đây là thành quả bước đầu ghi nhận những nỗ lực của bản thân. Sắp tới đây, ông sẽ tiếp tục lập các khu ẩm thực truyền thống, mở các chuyên đề trải nghiệm trên diện tích hàng héc-ta để phục vụ nhân dân.

“Tôi làm việc này xuất phát từ sứ mệnh của một nhà giáo. Mục đích của tôi phục sinh giá trị truyền thống để lưu giữ cho mai sau. Ngoài ra, tôi cũng mong muốn, bảo tàng sẽ trở thành một “trường học truyền thống” để các em học sinh đến tham quan, trải nghiệm và học hỏi” – Tiến sĩ Cương nói.

Lê Minh

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/nguoi-thay/tien-si-van-hoc-va-50-nam-san-tim-bau-vat-lang-que-viet-694191.html