Thầy giáo trưởng thành nhờ nghị lực vượt khó

12 năm sau khi ra trường, công tác tại Trường Đại học An ninh nhân dân (ANND), thầy giáo Nguyễn Hồng Anh, Phó Tổ trưởng Tổ bộ môn 2, Bộ môn Nghiệp vụ 7 được mọi người đánh giá là người thầy giáo với nhiều đam mê, tâm huyết với ngành, với nghề.

Người thầy giáo với nhiều hoài bão đang ấp ủ này đã dành cho PV Báo CAND một buổi trò chuyện lý thú về nghề nghiệp, đúng dịp chuẩn bị kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam.

Những cái "gạch đầu dòng" đầy thử thách

Chia sẻ về nghề, Đại úy Hồng Anh nói, với các đơn vị giảng dạy nghiệp vụ, hệ thống lý luận đang còn trong quá trình hoàn thiện, đây là cái khó trong công tác giảng dạy đào tạo. Không chỉ thế, có một yêu cầu của riêng giảng viên (GV) nghiệp vụ là phải có thời gian đi thực tế, lồng ghép những bài học của cuộc sống, kinh nghiệm thực tiễn công tác của ngành Công an vào chính từng bài giảng của mình.

Theo đó, đặc thù của GV nghiệp vụ An ninh là phải có 3 năm luân chuyển và các đợt đi thực tế ngắn ngày đến Công an các đơn vị, địa phương trong từng năm học để đảm bảo điều kiện bổ nhiệm chức danh GV, rồi GV chính.

Cũng như nhiều đồng nghiệp khác, sau khi ra trường, đáp ứng nhiệm vụ nên Hồng Anh thường xuyên phải đóng tròn "hai vai". Cụ thể trung bình trong 1 năm, anh có ít nhất 3 - 4 tháng cùng đồng nghiệp khoác áo trinh sát về làm việc, sinh hoạt tại các đơn vị nghiệp vụ thực tế. Thời gian còn lại thực hiện nhiệm vụ người GV ở trường và phải thật chất lượng.

Cũng có lúc anh làm việc ở một xã trọng điểm về tôn giáo tại Bình Phước, khi lại công tác ở một xã vùng dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên.

Giảng viên Nguyễn Hồng Anh trong một giờ lên lớp tại đại học ANND.

Người thầy trẻ đa tài này tâm sự: "Những người thầy CAND đã dìu dắt cho tôi ngay từ khi còn ngồi trên ghế giảng đường rằng, Trường CAND là nơi đào tạo ra những CBCS trực tiếp tham gia nhiệm vụ chiến đấu, đấu tranh với kẻ thù, thường xuyên phải đối mặt với các đối tượng chống phá cách mạng, gây nguy hại cho an ninh quốc gia, đe dọa đời sống an lành của người dân. Do đó, bài giảng về nghiệp vụ an ninh không thể thiếu thực tiễn. Không thể giảng bài theo kiến thức "salon", ngồi bàn giấy được!".

Đặc thù ở một nơi công tác thực tế sẽ tạo nên một bài giảng phong phú, thoát khỏi kiến thức lý luận suông. Mặt khác - như anh nói, để tự tin thuyết trình, chinh phục hoàn toàn người nghe thì cho dù trong thư viện nhà trường có đầy đủ các tài liệu biên soạn, hệ thống lý luận chuyên ngành nhưng nếu chỉ giảng theo nội dung có sẵn đó thì học viên cũng không nghe. "Nhất là khi về giảng bài cho Công an địa phương. Họ nắm nghiệp vụ kỹ lắm, mình trang bị không đủ, họ "bẻ" lại mình ngay!", anh nói vui.

Có rất nhiều thử thách mà GV nghiệp vụ phải đặt làm mục tiêu chủ động vượt qua, lên kế hoạch để hoàn thành trong từng giai đoạn làm việc của mình, như: có đủ số tiết, bài giảng có kiến thức thực tiễn, có đề tài nghiên cứu khoa học, có tài liệu biên soạn trong hệ thống giáo trình giảng dạy của trường, có đề tài nghiên cứu khoa học được ứng dụng... Hay nói cho dễ hiểu, phải đạt được rất nhiều cái "gạch đầu dòng" quan trọng mới được công nhận là GV chính.

"Thử lửa" trong thực tế

Đại úy Hồng Anh cho biết, có cái khó là nghiệp vụ của các đơn vị bao giờ cũng quản lý theo chế độ “bí mật” nên việc cập nhật kiến thức thực tế đưa vào bài giảng với các GV là không dễ. Thời gian đầu về Bộ môn Nghiệp vụ 7 của Đại học ANND, anh được phân công thực tế tại tỉnh Bình Phước với nhiệm vụ "thực nghiệm xây dựng các tổ chức quần chúng tại vùng giáo".

Trước tiên là phải nghiên cứu kỹ hồ sơ, dự kiến và đặt ra các tình huống tuyên truyền, trả lời các thắc mắc của giáo dân trong các vấn đề về chính sách, pháp luật; đồng thời nhắc nhở bà con về trách nhiệm của công dân gắn liền với nghĩa vụ, quyền lợi trong nhiệm vụ chung tay bảo vệ sự nghiệp An ninh Tổ quốc.

Hồng Anh kể, có một lần, anh được chính quyền tại một xã ở Bình Phước mời tới hỗ trợ cho việc tiếp đón một Linh mục có "vấn đề" tranh chấp đất đai. Không chỉ kiên nhẫn lắng nghe vị linh mục trình bày, anh đã phải thuyết trình một bài tuyên truyền kỹ lưỡng, thể hiện sự chia sẻ, nhưng kiên quyết, giữ đúng quan điểm, lập trường.

Vừa tìm cách thuyết phục nhưng cũng vận dụng đúng kiến thức về pháp luật nhà nước. Bài "thuyết trình" của anh vừa xong, vị linh mục cũng chủ động tới bắt tay anh, và nói: "Tôi đã hoàn toàn yên tâm, không thắc mắc gì vì đã thấu hiểu những gì được anh trao đổi".

Đại úy Hồng Anh trải lòng: "Câu chuyện trong lần va chạm ấy tại địa phương đã được tôi đưa vào bài giảng trên lớp sau khi về Đại học ANND, cũng là tài liệu sinh động giúp tôi tham gia soạn thảo tài liệu Chuyên khảo sau này. Đồng thời tổ chức lớp học sinh động bằng các tình huống giả định đặt ra cho các học viên trao đổi, tham gia trên lớp".

Một câu chuyện khác mà Hồng Anh chia sẻ, đó là khi cùng phối hợp Công an Đồng Nai đi kiểm tra tại các doanh nghiệp nước ngoài và phát hiện ra nhiều vấn đề về người lao động làm việc trái phép. Từ đây anh cũng nhận ra một vần đề cần bổ sung ngay trong công tác, đó là vấn đề bồi bổ tiếng Trung để làm việc. Ngoài ra, có thêm kinh nghiệm trong nghiệp vụ kiểm tra giấy tờ liên quan tới việc xuất nhập cảnh, cư trú của lao động nước ngoài cũng như phản hồi kịp thời với chính quyền trong công tác quản lý người nước ngoài.

Nỗ lực, đam mê và yêu nghề cháy bỏng, người thầy giáo trẻ đã có một bề dày thành tích thật đáng nể: 2 tấm bằng cử nhân đại học; Thạc sỹ Hành chính công (2014) và Tiến sỹ Quản lý công (2018); 4 lần đạt bài dạy giỏi cấp Trường; 2 lần được công nhận GV giỏi cấp Trường; đang được đề nghị công nhận GV giỏi cấp Bộ Công an năm 2018.

Anh cũng từng tham gia nghiên cứu thành công nhiều đề tài nghiên cứu khoa học cấp cơ sở và cấp Bộ; đang tiếp tục tham gia nghiên cứu 1 đề tài khoa học cấp Bộ và 1 đề tài khoa học cấp Ngành. Với những thành tích xuất sắc, anh đã có 3 năm liền đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở, trở thành một gương mặt tiêu biểu cho thế hệ GV trẻ của Đại học ANND hôm nay...

Huyền Nga

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/guong-sang/thay-giao-truong-thanh-nho-nghi-luc-vuot-kho-520454/