Thầy giáo trẻ nơi đầu sóng ngọn gió

Đó là thầy giáo Nguyễn Ngọc Hạ, là một trong số 42 tấm gương ưu tú được Bộ Giáo dục và Đào tạo vinh danh là giáo viên biểu vùng biển đảo.

Gặp Nguyễn Ngọc Hạ nơi đảo xa, tôi xúc động được nghe thày giáo trẻ chia sẻ về cuộc sống và công việc “gieo chữ” nhiều gian khó nhưng cũng chan chứa niềm vui, niềm tin yêu nơi đầu ngọn sóng này.

Đến thăm xã đảo Sinh Tồn (huyện đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa), cuốn hút chúng tôi ngay từ thời khắc đầu tiên đặt chân lên đảo, là sự bình yên và màu xanh kỳ diệu của cây lá, là những người lính trẻ rắn rỏi, kiên nghị, là gương mặt bụ bẫm đáng yêu của các em nhỏ...

Trong tập thể lớn những con người kiên cường nơi đầu ngọn sóng ấy, giữa những tập thể và cá nhân được tôn vinh, tôi chú ý tới một chàng trai có vóc người nhỏ bé, gương mặt chất phác, hiền lành.

Hỏi chuyện mấy ngư dân trên đảo, được biết đó là thầy giáo Nguyễn Ngọc Hạ - giáo viên Trường Tiểu học Sinh Tồn, là một trong số 42 tấm gương ưu tú được Bộ Giáo dục và Đào tạo vinh danh là giáo viên tiêu biểu vùng biển đảo…

Thày Nguyễn Ngọc Hạ được Sở Giáo dục và Đào tạo Khánh Hòa trao tặng giấy khen vì đã có thành tích xuất sắc trong sự nghiệp phát triển giáo dục huyện Trường Sa, giai đoạn 2013 - 2018

Thày Nguyễn Ngọc Hạ được Sở Giáo dục và Đào tạo Khánh Hòa trao tặng giấy khen vì đã có thành tích xuất sắc trong sự nghiệp phát triển giáo dục huyện Trường Sa, giai đoạn 2013 - 2018

Sinh năm 1990 ở vùng quê Đại Lãnh (huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa), tốt nghiệp trường Cao đẳng sư phạm Nha Trang, Nguyễn Ngọc Hạ về dạy học tại một trường tiểu học gần nhà.

Cuộc sống yên bình, nhẹ nhàng với công việc đến lớp hằng ngày của thày Hạ lúc ấy là điều không phải ai muốn cũng có được.

Vậy nhưng, khi nghe tin có đợt tuyển giáo viên ra công tác ở huyện đảo Trường Sa, không chút đắn đo, Hạ viết đơn tình nguyện xin ra đảo dạy học.

"Khi biết em viết đơn tình nguyện ra đảo, cha mẹ em nói sao?", Tôi hỏi.

Hạ cười hiền: "Lúc đầu mọi việc không đơn giản đâu chị. Cha mẹ em phản đối, cũng là vì thương và lo cho em thôi. Đã vậy, bạn gái em cũng không chịu. Cô ấy còn nói nếu anh ra đảo thì tụi mình chia tay.

Căng thẳng vậy, nhưng sau nhiều lần nghe em kiên trì thuyết phục, bày tỏ mong muốn của mình, cuối cùng, mọi người đã đồng ý".

Đó là chuyện cách nay đã 5 năm, bây giờ thì thầy giáo trẻ đã có “thâm niên” 5 năm công tác trên đảo Sinh Tồn.

Hạ rủ rỉ: Tháng 6 này (2018) là em hết hạn công tác trên đảo. Em sẽ trở về đất liền. Nhanh quá chị ạ, mới đó đã 5 năm. Vừa hôm nào bỡ ngỡ bước chân lên đảo, nay thì nơi đây đã là ngôi nhà thứ hai của em rồi. Chưa xa mà đã thấy nhớ…

Học sinh trường Tiểu học Sinh Tồn vui vẻ giao lưu với các đại biểu từ đất liền ra thăm đảo

5 năm trước…

Tạm biệt gia đình, người yêu; tháng 6 năm 2013, thầy giáo trẻ Nguyễn Ngọc Hạ đến với Sinh Tồn- hòn đảo mang cái tên như lời khẳng định cho sức sống mãnh liệt, phi thường của con người Việt Nam nơi đầu ngọn sóng.

Buổi đầu đến đảo đầy lạ lẫm, bỡ ngỡ, Nguyễn Ngọc Hạ gặp không ít khó khăn. Khí hậu khắc nghiệt, gặp những đợt nắng nóng kéo dài, dù đã nỗ lực khắc phục, dù nhận được sự hỗ trợ từ đất liền, nhưng đảo vẫn thiếu nước ngọt, rau xanh.

Những lúc ấy, quân dân phải chắt chiu, chia sẻ với nhau từng mớ rau, lít nước. Cuộc sống nơi đảo xa, lại là người trẻ, không tránh khỏi những khi nhớ nhà, nhớ người thân cồn cào gan ruột. Nhưng chưa khi nào thầy Hạ nản lòng.

Sau giờ lên lớp, thầy tranh thủ tăng gia, trồng rau, nuôi gà… cải thiện cuộc sống. Để vơi đi nỗi nhớ quê hương, thầy coi học sinh, đồng nghiệp, quân dân trên đảo như người thân.

Sớm sớm, chiều chiều, thày trò ríu rít bên nhau. Những con toán, những câu hát, bài đồng dao rộn ràng vang lên, khiến cuộc sống nơi đảo xa vơi bớt gian khó, thêm bình yên và rộn ràng sức sống.

Trò chuyện với tôi, Nguyễn Ngọc Hạ nhớ lại: "Khi em mới ra đảo, cơ sở vật chất trường lớp còn rất tạm bợ. Lớp học phải đặt nhờ phòng thư viện của Ủy ban nhân dân xã đảo nên không chỉ chật chội mà còn bất tiện, bởi cứ khi nào chính quyền xã đảo có hoạt động lớn thì việc dạy - học bị ảnh hưởng.

Nhận được sự hỗ trợ của Quỹ học bổng Vừ A Dính, tháng 12/2013, ngôi trường 2 tầng, diện tích gần 300m2 với 6 phòng học dành cho các lớp từ bậc mầm non đến lớp 5, bao gồm thư viện, phòng giáo vụ, phòng công vụ dành cho giáo viên, sân chơi, khu vệ sinh, bể chứa nước ngọt và các trang thiết bị phục vụ cho việc dạy và học được khởi công xây dựng.

Ngày khánh thành trường mới, cả đảo vui tưng bừng. Với thầy trò chúng em, đây là niềm vui, sự động viên đặc biệt. Bởi thế, thầy và trò càng thêm phấn khởi, nỗ lực dạy tốt, học tốt.

Năm học 2017 - 2018, Trường Tiểu học Sinh Tồn có 10 học sinh, gồm 3 học sinh khối mầm non và 7 học sinh khối tiểu học. Thầy Lê Anh Đức phụ trách khối mầm non, thầy Nguyễn Ngọc Hạ giảng dạy khối tiểu học.

Điều này đồng nghĩa với việc trước khi lên lớp, cùng lúc thầy Hạ phải chuẩn bị đồ dùng giảng dạy và soạn 3 giáo án (lớp 5, lớp 4 và lớp 1).

Trường ít học sinh, các em lại thuộc các trình độ khác nhau nên thầy Hạ áp dụng mô hình lớp ghép, dạy - học theo chương trình VNEN.

Vì thế, trong một phòng học, ở bàn này trò Vũ Trung Tín - học sinh lớp 5 - mải mê làm toán, thì dãy bàn kia là các em Võ Thanh Thạch, Nguyễn Công Minh Huy - học sinh lớp 4 - chăm chú tập làm văn.

Ở dãy khác là mấy em Nguyễn Công Minh Hải, Võ Trung Thực, Võ Hoài Bảo An, Nguyễn Ngọc Thùy Trang đang tô chữ, ghép vần.

Thăm lớp, người viết bài xúc động khi thấy các em nhỏ đang dồn sự háo hức và chăm chú vào trang vở trước mặt.

Học sinh Trường Tiểu học Sinh Tồn say sưa biểu diễn văn nghệ cùng quân dân trên đảo

Thầy Hạ cho biết: Với hai khối lớp 1 và lớp 5, cần có sự quan tâm, chăm chút nhiều hơn nhằm giúp học sinh đầu cấp đạt chuẩn kiến thức và học sinh cuối cấp học tập, ôn luyện tốt chuẩn bị cho kỳ thi chuyển cấp.

Để tạo không khí vui tươi, sau giờ học tập, thầy Hạ cùng đồng nghiệp thường tổ chức các buổi sinh hoạt chung cho các khối lớp, hướng dẫn học sinh học hát, học múa, tham gia các trò chơi, hoạt động tập thể.

Bên cạnh việc dạy - học kiến thức theo chương trình, để từng bước tạo cho các em có được những ý niệm đầu tiên về tình yêu, lòng tự tôn dân tộc, ý thức về chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc, biển đảo, trách nhiệm công dân; giúp các em hình thành nhân cách, biết yêu thương cha mẹ, người thân, rộng hơn là yêu đất nước, đồng bào… thầy Hạ còn sưu tầm tranh, ảnh, những bài đồng dao, bài hát có nội dung phù hợp đưa vào giờ sinh hoạt chung hướng dẫn học sinh tìm hiểu, học tập.

Hãy hình dung: Trong tiếng sóng biển rì rào, dưới tán phong ba xanh rợp, là tiếng trẻ thanh thanh hòa giọng hát: “Đảo này là của ta. Biển này là của ta. Trường Sa! Dù phong ba…” (*) hay rộn ràng trong khúc đồng dao: “Nu na nu nống/ Đánh trống phất cờ/ Biển cả xa mờ/ Có hai quần đảo/ Hoàng Sa, Trường Sa/ Tên gọi thiết tha/ Trong lòng dân Việt…”… khiến đảo xa vơi bớt nỗi vất vả, gian khó, khắc nghiệt của nắng gió; khiến người nghe thêm yêu thương, tự hào về đất nước, quê hương.

Nhằm từng bước giúp các em hình thành kỹ năng sống trong điều kiện thiếu môi trường cộng đồng, thầy Hạ khéo kết hợp vào bài giảng những câu chuyện kể chứa đựng kiến thức về xã hội, cộng đồng, tình yêu quê hương đất nước, biển đảo cùng những kỹ năng sống, kỹ năng ứng xử, giao tiếp.

Trong lớp, nhằm tạo không gian thân thiện, tích cực cho học sinh, tranh thủ giờ nghỉ, thầy Hạ cặm cụi cắt, vẽ, kẻ, dán tạo các hoa lá, họa tiết vui mắt… trang trí góc học tập, trình bày bảng thi đua giúp các em “học mà vui, vui để học”.

Thày Nguyễn Ngọc Hạ (ngoài cùng, bên trái) và đại diện xã đảo Sinh Tồn nhận giấy khen đã có thành tích xuất sắc trong sự nghiệp phát triển giáo dục huyện Trường Sa, giai đoạn 2013 - 2018, do Sở Giáo dục và Đào tạo Khánh Hòa trao tặng

Bên cạnh đó, để cập nhật chuẩn kiến thức mới, giúp các em không bị “trật nhịp” với học sinh trong đất liền, mỗi lần về phép, thầy Hạ tích cực tham gia các lớp tập huấn, học hỏi kinh nghiệm từ đồng nghiệp, sưu tầm tài liệu… nhằm tự nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ bản thân.

Đồng thời, những khi có khách từ đất liền tới thăm đảo, thăm lớp; thầy Hạ đều “tận dụng” việc giao lưu, gặp gỡ để giúp học sinh được tiếp xúc với cuộc sống và con người nơi khác.

Điều này vừa giúp bổ sung, cập nhật thông tin, kiến thức xã hội cho cả thầy và trò, vừa tăng cường kỹ năng giao tiếp cho các em.

Nhìn các em hồn nhiên vui chơi, thầy Hạ chia sẻ thêm: "Học trò ở đây rất ngoan chị ạ. Các em quý mến thầy và rất quấn quýt, thân thiết nhau, cư xử với nhau như anh em một nhà, anh lớn biết bao bọc yêu thương em nhỏ.

Các em cũng rất thích ca hát, thích tham gia các hoạt động tập thể trên đảo. Cứ có dịp đảo tổ chức liên hoan văn nghệ hay đón khách từ đất liền ra thăm, trong các tiết mục biểu diễn, không bao giờ thiếu được sự góp mặt của các em đâu chị.

Các em hát, biểu diễn rất tự tin, không kém các bạn nhỏ trong đất liền chút nào".

Như để minh chứng cho lời thầy Hạ, ngay sau đó, chúng tôi được mời đến sân khấu dã chiến - là vạt sân rợp bóng mát của tán phong ba - để giao lưu văn nghệ.

Trong tiếng nhạc khi rộn rã, lúc sâu lắng, những khúc ca ngợi ca quê hương, đất nước, biển đảo nối tiếp nhau da diết vang lên.

Tham gia biểu diễn, giao lưu cùng các cô chú, anh chị, là các công dân nhỏ của đảo - những học trò Trường Tiểu học Sinh Tồn. Nhìn các em say sưa cất cao tiếng hát, không ít người trong chúng tôi rưng rưng nước mắt. Nước mắt của tự hào, yêu thương…

Bằng nỗ lực của thầy và trò, kết thúc năm học 2017 - 2018, 100% học sinh Trường Tiểu học Sinh Tồn đạt chuẩn kiến thức và kỹ năng theo quy định. Đây là điều kiện tiên quyết, giúp các em có đủ kiến thức, sự tự tin để trở về đất liền tiếp tục học tập lên cao.

- 5 năm gắn bó với lớp học nơi đảo xa, có kỷ niệm nào khiến Hạ nhớ mãi? - Tôi hỏi.

Nguyễn Ngọc Hạ cười hiền: "Có nhiều chứ ạ, nhưng điều khiến em nhớ nhất là những bức tranh các em học sinh vẽ tặng thầy nhân ngày 20/11, là tình cảm của bà con làng chài chia sẻ cho em từng con cá, mớ rau.

Đặc biệt, khoảnh khắc thày trò chia tay nhau khi em trở về đất liền, khiến em quyến luyến, xúc động vô cùng chị ạ!"

- Sau này, nếu tiếp tục được chọn, em có ra đảo công tác nữa không? - Tôi hỏi Hạ - Có chứ ạ! Em luôn sẵn sàng! Hạ trả lời không chút đắn đo, gương mặt ngời lên sự tự tin, trong trẻo.

Trên đảo, tôi đọc được lời dạy của Bác, được quân dân Sinh Tồn khắc sâu vào bia đá:

“Ngày trước ta chỉ có đêm và rừng. Ngày nay ta có ngày, có trời và có biển. Bờ biển của ta dài và đẹp, ta phải biết giữ gìn lấy nó".

Lời dạy của Người, đang được quân dân xã đảo Sinh Tồn cùng nhân dân cả nước chung sức thực hiện.

Trong đội ngũ những con người kiên cường trụ vững nơi đầu sóng để xây dựng, gìn giữ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc, có nhà giáo trẻ Nguyễn Ngọc Hạ.

Khi bài viết này lên trang, cũng là ngày 20/11 - ngày tôn vinh các nhà giáo và nghề dạy học cao quý đang đến gần, thầy Nguyễn Ngọc Hạ đã trở về đất liền tiếp tục với công việc trồng người.

Qua điện thoại, tôi hỏi: Nhớ đảo không em? Hạ cười, đáp, giọng bồi hồi: Nhớ lắm chị ơi, nhớ tất cả, nhớ từng em học trò, nhớ tiếng sóng ầm ầm ngày biển động, nhớ khi tăng gia, trồng rau, bắt cá với bà con làng chài…

Nghe Nguyễn Ngọc Hạ nói, tôi như thấy tình yêu nghề, yêu người đang toát lên từ ánh sáng lấp lánh nơi đôi mắt em.

Hẳn rằng, trong trái tim người thầy giáo trẻ, những tháng ngày gieo chữ trên đảo Sinh Tồn - chốt tiền tiêu nơi tuyến đầu Tổ quốc - mãi mãi là những tháng ngày đẹp nhất, đáng sống nhất trong cuộc đời.

Và dù ở đâu, thì với tâm huyết, trí tuệ, nghị lực của mình, Nguyễn Ngọc Hạ vẫn tiếp tục có những đóng góp xứng đáng cho sự nghiệp trồng người của đất nước.

Bài, ảnh: THANH VĨNH

Nguồn Giáo Dục VN: http://giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/thay-giao-tre-noi-dau-song-ngon-gio-post192753.gd