Thầy giáo sáng chế robot đánh trống trường: Tôi làm vì bị học trò 'khiển trách'

Thầy giáo chế tạo thành công robot đánh trống trường cho biết, con robot đặc biệt này được ông làm vì bị học trò 'khiển trách' đang làm mất đi một nét văn hóa đẹp của dân tộc.

Robot đánh trống trường khiến nhiều học sinh tò mò. Ảnh: PV

Sau nhiều năm, thầy Nguyễn Hữu Thọ (giảng viên khoa Điện - Điện tử, Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Vĩnh Long) người sáng tạo ra robot đánh trồng trường tỏ ra khá bất ngờ khi mấy ngày gần đây dân mạng đang truy lùng con robot này.

Thầy Thọ bên con robot khiến dân mạng truy lùng mấy ngày qua. Ảnh: PV

Theo thầy Thọ, từ những năm 2000 ông đã làm hệ thống chuông báo để bán cho các trường học, công sở và bán được rất nhiều.

Tại Vĩnh Long và một số tỉnh lân cận, hầu như các trường đều sử dụng hệ thống chuông báo, nhưng khi sinh viên của ông đi nghiên cứu thị trường ở những vùng nông thôn thì thấy hầu hết vẫn dùng trống truyền thống.

“Chính sinh viên này khi về đã “khiển trách” tôi, cậu ấy nói hiệu trưởng các trường học muốn lưu lại tiếng trống trường như một nét văn hóa của người Việt, để cho học sinh có đó như kỷ niệm khi còn đi học”, thầy Thọ chia sẻ.

Con robot cao khoảng 1,6m với tiếng trống đánh vang xa theo nhịp điệu.

Cũng vì lời trách của cậu học trò khiến thầy Thọ băn khoăn rất nhiều, từ đó ông đã suy nghĩ làm sao để chế tạo một con robot đánh trống trường nhằm lưu giữ được tiếng trống truyền thống cho các thế hệ học sinh.

“Tôi cũng suy nghĩ nhiều và thấy đúng, đúng là vì mình chế tạo ra hệ thống chuông báo mà làm cho nhiều nơi không còn tiếng trống trường nữa, nên tôi quyết định làm việc này vì tinh thần dân tộc”, thầy Thọ băn khoăn.

Theo thầy Thọ, trước đó đã có nhiều người làm con robot này rồi nhưng không thành công. Cùng thời gian này thầy Thọ cũng đọc được một bài báo nói về tiếng trống trường đang dần mai một đi khiến người thầy quê Hà Tĩnh quyết tâm làm bằng được con robot đánh trống trường tự động.

Tới đầu năm 2014 thầy Thọ và cậu học trò đã bắt tay vào triển khai ý tưởng làm robot đánh trống trường. Tới cuối năm 2014 con robot đầu tiên đã ra đời.

Theo thầy Thọ, ban đầu việc làm con robot cũng gặp nhiều khó khăn vì thiếu kinh phí, nhưng nhờ bạn bè giúp đỡ công việc cũng dần suôn sẻ.

“Mới đầu tôi làm con robot trong phòng, thấy tiếng trống khi đánh đã rất to rồi, nhưng khi đem ra ngoài thử ở sân trường thì tiếng lại quá nhỏ do không gian sân trường quá rộng, tiếng học sinh chơi đùa át đi tiếng trống”, thầy Thọ nói.

Sau đó, thầy Thọ và cộng sự lại phải làm lại để lực đánh của robot mạnh hơn, tương đương với một người khỏe mạnh đánh trống để tiếng được vang xa hơn, trống đánh có nhịp điệu rõ ràng.

Mấy ngày qua, dân mạng truyền tay nhau video ngắn ghi cảnh một con robot tự động đánh trống trường, âm thanh khiến bao thế hệ học trò thổn thức.

Nhiều học sinh tỏ ra thích thú với con robot này.

Đoạn clip lại được lan truyền đúng dịp chuẩn bị bước vào năm học mới nên sức lan tỏa chưa có dấu hiệu giảm nhiệt.

Con robot cao khoảng 1,6m có 3 bộ phận chính hợp thành gồm: hệ thống điều khiển, cơ cấu chấp hành và giá đỡ trống. Hệ thống điều khiển, có nhiệm vụ đưa ra các tín hiệu điều khiển để robot tiến hành thực hiện các hành động đã được lập trình trước.

Thành Trung

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/xa-hoi/thay-giao-sang-che-robot-danh-trong-truong-toi-lam-vi-bi-hoc-tro-khien-trach-627791.ldo