Thầy giáo quỳ gối cầu hôn nữ sinh trong lễ tốt nghiệp: 'Đúng người sai địa điểm'

Nhiều người không đồng tình với hành động này của giảng viên Đại học Vinh (Nghệ An).

Clip ghi lại cảnh một giảng viên cầu hôn nữ sinh ngay trong lễ trao bằng tốt nghiệp được đăng tải vào ngày 19/6 thu hút sự quan tâm của đông đảo dân mạng.

Giảng viên quỳ gối cầu hôn nữ sinh trong lễ tốt nghiệp gây xôn xao dân mạng

Nữ sinh có tên là Trần Thị Duyên (sinh năm 1995) cùng lúc tốt nghiệp hai bằng kỹ sư công nghệ thực phẩm và kỹ thuật hóa học (Đại học Vinh, Nghệ An). Trong khoảnh khắc hạnh phúc ấy, bạn trai của cô là Phó bí thư Đoàn trường đã lên tặng một bó hoa lớn rồi bất ngờ quỳ xuống cầu hôn cô với chiếc nhẫn trong tay. Hai người trao nhau cái ôm tình tứ trước sự chứng kiến của một số giảng viên khác và đông đảo sinh viên trong hội trường.

Màn quỳ gối cầu hôn thu hút nhiều ý kiến trái chiều. Nhiều người ngưỡng mộ cô gái được tận hưởng niềm hạnh phúc nhân đôi khi vừa tốt nghiệp đại học, lại vừa được bạn trai cầu hôn ngọt ngào.

Hành động của giảng viên Đại học Vinh gây tranh cãi

Tuy nhiên, nhiều người lại cho rằng cách thể hiện tình yêu của nam giảng viên chưa đúng lúc, đúng chỗ bởi lễ tốt nghiệp là thời khắc trang nghiêm đối với không chỉ cô gái được cầu hôn mà còn với nhiều sinh viên khác.

Vậy dưới góc nhìn của các giảng viên, giáo viên, hành động này được đánh giá thế nào?

“Sẽ hay hơn rất nhiều nếu cầu hôn ở một nơi khác”

Việt Tâm (sinh năm 1987, giảng viên trường Đại học Ngân hàng TP.HCM) từng nổi như cồn nhờ chuyện tình đẹp như mơ với cô sinh viên mình từng giảng dạy. Sau khi công khai tình cảm của mình trong chương trình “Yêu là cưới”, họ đã về chung một nhà.

Cũng là giảng viên, cũng từng có mối tình đẹp với sinh viên cùng trường, Việt Tâm có cái nhìn khá toàn diện về câu chuyện này. Cảm xúc đầu tiên của anh khi xem clip giảng viên Đại học Vinh cầu hôn bạn gái là “quá dễ thương”. Thế nhưng, anh cho rằng, sẽ đẹp và trọn vẹn hơn nữa nếu như màn cầu hôn này diễn ra ở một nơi khác, trong thời điểm khác.

Việt Tâm bên bạn gái Thu Hà - từng là học sinh mình giảng dạy

“Xem clip thì thấy hình như mọi người đều được thông báo trước nên không ai tỏ ra bất ngờ. Đối với cặp đôi, có lẽ đây là một dịp rất đặc biệt nhưng sẽ hay hơn nếu chỉ dừng lại ở việc tặng hoa và chụp ảnh chung, còn cầu hôn thì nên dành cho một nơi khác phù hợp hơn”, Việt Tâm chia sẻ.

Việt Tâm cho rằng, trong thời buổi mạng xã hội lan tỏa rộng rãi như hiện tại thì việc thể hiện tình yêu cũng cần lý trí. Làm tốt chưa chắc được tán dương nhưng chỉ cần có một vấn đề gây tranh cãi thì cuộc sống của cả hai sẽ bị ảnh hưởng.

“Đúng người, đúng thời điểm nhưng lại sai địa điểm”

Theo chị Nguyễn Thu Trang (giảng viên trường Học viện Báo chí và Tuyên truyền), bất cứ hành động nào cũng chỉ ý nghĩa khi được thể hiện vào đúng thời điểm, địa điểm và dành cho đúng người. Trong tình huống này, thời điểm cô gái nhận bằng tốt nghiệp là rất ý nghĩa, mối tình kéo dài 2 năm cũng đủ chín muồi để cầu hôn nhưng địa điểm thì lại… không phù hợp.

“Một màn cầu hôn chỉ nên diễn ra ở nơi có đủ riêng tư, lãng mạn. Nhưng ở đây lại là buổi lễ tốt nghiệp trang trọng, có sự tham gia của cả lãnh đạo, đồng nghiệp, sinh viên và gia đình của họ, hành động ấy có thể ảnh hưởng đến chương trình và cảm xúc của một buổi lễ tốt nghiệp”, chị Thu Trang chia sẻ.

Tuy nhiên, giảng viên Báo chí cho rằng, hành động này hoàn toàn có thể ủng hộ nếu như người thầy giáo trao đổi trước với ban tổ chức chương trình và thể hiện dưới hình thức khác, không kém phần lãng mạn nhưng tinh tế hơn.

“Nếu ai cũng vậy thì lễ tốt nghiệp trở thành lễ tình yêu”

Thầy giáo Quang Thắng từng cầu hôn bạn gái tại nhà hàng

Quang Thắng (33 tuổi, giáo viên dạy Toán) cũng từng “gây sốt” bởi câu chuyện tình yêu với nữ sinh cùng trường. Anh cho rằng, tình yêu chốn giảng đường đáng được ủng hộ nếu như không ảnh hưởng đến việc học và dạy của hai người thế nhưng, cầu hôn trong lễ tốt nghiệp thì hoàn toàn không nên.

Theo anh, tại lễ tốt nghiệp, thầy vẫn mang vai trò một người thầy, còn trò vẫn mang danh nghĩa học trò, dù yêu nhau thì vẫn nên giữ đúng mối quan hệ đó. Hơn nữa, lễ tốt nghiệp là thời khắc quan trọng của rất nhiều nhiều người, không thể lấy đó là dịp làm việc cá nhân.

“Nếu ai cũng nhân dịp lễ tốt nghiệp để bày tỏ thì yêu thì lúc này, lễ tốt nghiệp đã trở thành lễ tình yêu rồi. Còn rất nhiều dịp để bày tỏ tình yêu mà… Hơn nữa, quan trọng nhất vẫn là sống với nhau hạnh phúc”, anh Thắng chia sẻ.

Hạ Nhiên

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/song-tre/thay-giao-quy-goi-cau-hon-nu-sinh-trong-le-tot-nghiep-dung-nguoi-sai-dia-diem-887171.html