Thầy giáo quân hàm xanh ở vùng công giáo

Sau khi thành lập, từ năm 1959 đến 1969, Đồn Công an nhân dân vũ trang (CANDVT) Ngọc Lâm (nay là Đồn Biên phòng Ngọc Lâm), BĐBP Nam Định, được giao quản lý địa bàn 5 xã ven biển huyện Nghĩa Hưng (Nam Định), là nơi tập trung đông đồng bào theo đạo Thiên Chúa, có nhiều thôn xóm công giáo toàn tòng như Ngọc Linh, Hạ Linh, Bùi Chu (xã Nghĩa Lợi), Quần Vinh (xã Nghĩa Thắng)…

“Thầy giáo quân hàm xanh” Trần Xuân Hiệp dạy học thanh niên công giáo. Ảnh: Lã Thượng Sỹ

Dạo ấy, cứ mỗi buổi trưa, buổi tối, hễ ai có dịp ghé qua hai thôn Ngọc Linh, Hạ Linh cũng phải dừng chân bởi tiếng hát, tiếng học bài thu hút. Họ thường tấm tắc khen: “Thầy giáo mang quân hàm xanh hiền lành, dạy hay, dễ hiểu quá đi thôi!”.

Thầy giáo ấy là Binh nhất Trần Xuân Hiệp. Nhập ngũ chưa đầy một năm, Hiệp được cử làm giáo viên văn hóa của đồn. Những lần xuống công tác ở các xứ họ giáo, Hiệp có nhiều trăn trở. Vì khi đó, đây là những làng quê heo hút, nghèo nàn, lạc hậu, là nơi phong trào trắng, kẻ địch và phần tử xấu thường lợi dụng để lén lút hoạt động phá hoại ta, gây rối trật tự trị an trong quần chúng. Là người chiến sĩ giữ gìn an ninh Tổ quốc, bảo vệ hạnh phúc nhân dân, không thể để tình trạng đó kéo dài, Hiệp xin ban chỉ huy đồn được cùng đồng đội xuống địa bàn vận động quần chúng xây dựng phong trào xã Nghĩa Lợi.

Những ngày đầu “3 cùng” thật gian khổ. Nhiều người nhìn các chiến sĩ với con mắt nghi ngờ, lạnh nhạt, xa lánh, hằng ngày họ thường đi lễ sớm, chầu muộn. Hiệp và đồng đội, người thổi cơm, cuốc vườn, người gánh nước, dọn vệ sinh, người đan thuyền, lợp nhà... cho các gia đình hay chăm chút, tắm rửa, giặt giũ cho các cháu nhỏ. Hiệp còn là vệ sinh viên “mát tay”, có “mẹo” chữa bỏng, chữa cảm cúm rất giỏi, đã chữa khỏi cho nhiều đứa trẻ. Cứ thế, Hiệp cùng các chiến sĩ kiên trì cảm hóa đồng bào bằng những việc làm hàng ngày.

Bà con rất cảm động, dần dần hiểu ra. Họ thấy các chiến sĩ CANDVT khác hẳn những lời xuyên tạc của kẻ xấu. Ai cũng cần cù, chịu thương chịu khó, gần gũi, yêu quý đồng bào như ruột thịt và rất niềm nở, khéo léo. Từ hiểu đến mến, từ mến đến thương, vắng bóng các chiến sĩ, mọi nhà như vắng những người thân yêu nhất, nhà nào cũng “muốn có một vài anh ở cho vui”.

Các chiến sĩ thường tập hợp thanh thiếu niên để dạy hát, đọc sách báo cho mọi người nghe. Quyển truyện “Sống như Anh”, “Bất khuất” được đọc nhiều lần và chuyền tay nhiều người. Có lần các chiến sĩ đi công tác dài ngày mới về, bà con mừng lắm: “Các anh đi lâu, nhớ quá! Chả ai đọc sách cho mà nghe!”. Nhân đó, Hiệp giải thích cho họ sự cần thiết phải học chữ để biết đọc, biết viết và bắt tay vào việc mở lớp. Lúc đầu, mỗi lớp chỉ có vài em nhỏ, không nản, Hiệp bàn với anh em trong Đội Vận động quần chúng và cán bộ thôn, xóm: Trước hết, đề nghị với địa phương cứ mở lớp cho các em học. Dù ít người cũng dạy, sau đó sẽ dần dần vận động người lớn đến lớp.

Kế hoạch của đội được ban chỉ huy đồn và chính quyền xã tham gia nhiều ý kiến bổ ích. Hằng ngày, các chiến sĩ cùng Ban Văn hóa xã vừa tiếp tục vận động, vừa ôn tồn bảo ban từng em một. Các em tiến bộ rõ rệt. Tiếng lành đồn xa, ai cũng muốn cho con em mình tới học “thầy giáo mang quân hàm xanh”. Lớp học ngày một đông, lôi cuốn cả nam nữ thanh thiếu niên những thôn xóm lân cận. Tới giữa năm 1965, cả xã Nghĩa Lợi đã mở được 3 lớp dạy học xóa mù chữ cho hàng trăm học viên đủ lứa tuổi tham dự.

Ngoài giờ công tác, Hiệp cùng giáo viên địa phương lên lớp đều đặn vào các buổi trưa, buổi tối. Sau giờ học, Hiệp để ra khoảng mười phút đọc báo cho học viên; có khi qua các tối chiếu phim, anh tuyên truyền tin chiến thắng hai miền Nam - Bắc, giải thích cặn kẽ các chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách của Chính phủ, nói rõ lợi ích của việc vào hợp tác xã, làm ăn tập thể, nâng cao ý thức cảnh giác phòng gian, bảo mật cho giáo dân. Qua đó góp phần từng bước đưa Nghĩa Lợi từ xã yếu kém lên xã khá, xã vững mạnh trong phong trào bảo vệ trị an. Mỗi khi có người lạ mặt hay sự việc khả nghi, nhân dân đều kịp báo cho đồn. Các gia đình đều có “Hũ gạo chống Mỹ”. Các cụ già hăng hái vào “Hội bô lão chống Mỹ”. Thanh niên nô nức tham gia dân quân, đi thanh niên xung phong, lên đường nhập ngũ, có người đã lập công ở chiến trường. Nhiều học viên trong các lớp học ngày ấy đã trở thành cán bộ địa phương có uy tín, trở thành thầy cô dạy chữ cho con em xứ họ đạo quê mình.

Những năm tháng tận tụy bám dân, bám địa bàn vùng giáo, cán bộ, chiến sĩ Đồn CANDVT Ngọc Lâm, Nam Định đã hết lòng vì dân, mang ánh sáng của Đảng và chữ viết đến cho đồng bào. Như luồng gió mới đổi đời, những thôn xóm tăm tối, hiu quạnh ngày nào đã vươn mình khởi sắc, thay da đổi thịt, nhà nhà sống vui, tốt đời, đẹp đạo. Sớm khuya, các ngõ xóm vang vọng tiếng đàn, tiếng hát, tiếng học bài cùng tiếng giảng dạy ân cần của “Thầy giáo mang quân hàm xanh”. Trần Xuân Hiệp và đồng đội đã để lại trong lòng dân nơi đây những tình cảm thân thương, trìu mến.

Đồng chí Bí thư Huyện ủy Nghĩa Hưng nhiều lần xúc động nói: “Các đồng chí CANDVT đi đến đâu là “mái ấm nhà vui, tiếng hát câu cười rộn ràng” tới đó!”.

Lã Thượng Sỹ

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/thay-giao-quan-ham-xanh-o-vung-cong-giao/