Thầy giáo ở huyện miền núi có nhiều nghiên cứu ứng dụng hiệu quả

Ngoài công việc giảng dạy trên lớp, giáo viên Cao Hùng Thọ còn rất đam mê, tìm tòi nghiên cứu khoa học kỹ thuật (KHKT). Những công trình nghiên cứu KHKT của thầy đã ứng dụng vào thực tế, và được nhiều người đón nhận.

Đam mê nghiên cứu KHKT

Thầy giáo Cao Hùng Thọ, (SN 1985 dạy môn Hóa học, Trường THCS Tân Hóa, xã Tân Hóa, huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình) được nhiều người biết đến qua các công trình NCKH. Những công trình NCKH của thầy Thọ có tính khoa học cao và phù hợp trong ứng dụng cuộc sống của người dân địa phương.

Thầy Cao Hùng Thọ giới thiệu về sản phẩm "Lên men tỏi đen ứng dụng năng lượng mặt trời dùng cho hộ gia đình".

Thầy Cao Hùng Thọ giới thiệu về sản phẩm "Lên men tỏi đen ứng dụng năng lượng mặt trời dùng cho hộ gia đình".

Những công trình NCKH như: "Thiết bị lên men tỏi đen ứng dụng năng lượng mặt trời"; "Máy chưng cất rượu, loại bỏ độc tố adehit và methanol ra khỏi rượu"; "Nghiên cứu chế tạo giấy quỳ tím từ cây mắt nai"; “Sản phẩm sấy mật ong bằng năng lượng mặt trời dùng cho hộ gia đình".... đã tham gia các cuộc thi NCKH kỹ thuật và đạt được nhiều giải cao cấp huyện, tỉnh và quốc gia.

Thầy giáo Cao Hùng Thọ chia sẻ, “Từ năm 2014 – 2015, khi tôi đang giảng dạy tại Trường THCS thị trấn Quy Đạt, huyện Minh Hóa), tôi đã hướng dẫn cho học sinh làm đề tài “Nghiên cứu chế tạo giấy quỳ tím từ cây mắt nai”. Đề tài này dự thi nghiên cứu khoa học kỹ thuật và đạt được giải Nhất cấp huyện; giải Ba cấp tỉnh. Từ đó, tôi luôn nghĩ đến việc sao không tìm các phương pháp thay thế cách chế biến nông sản, hay thử nghiệm cách làm mới để có sản phẩm tương tự”.

Thầy Thọ nhớ lại, vào năm học 2016 -2017 thầy được phân công về dạy Trường THCS Tân Hóa, một xã vùng rốn lũ, cuộc sống người dân còn gặp nhiều khó khăn. Ngoài việc giảng dạy, thầy giáo Thọ vẫn miệt mài nghiên cứu KHKT.

“Qua học sinh và người dân, tôi biết được có nhiều người mua tỏi về để dùng chữa bệnh. Công dụng của tỏi như ức chế và tiêu diệt tế bào ung thư, hạ huyết áp, giảm cholesterol máu, phòng ngừa trụy tim mạch, ức chế sự phát triển của vi sinh vật gây bệnh.

Thầy Cao Hùng Thọ đang bóc tỏi đen cho khách hàng xem.

Trong củ tỏi có thành phần các hợp chất sulfur gây ra mùi khó chịu. Người dân đã dùng nồi cơm điện điều chỉnh hấp tỏi tươi ở nhiệt độ thấp từ 55 đến 60 độc C. Để như thế trong vòng 40 ngày, tỏi tươi sẽ tự lên men thành tỏi đen mà vẫn bảo đảm thành phần dược tính của nó. Tỏi đen thành phẩm vừa không còn mùi khó chịu, vừa làm tăng chống ôxy hóa của tỏi lên rất nhiều lần có tác dụng phòng và chữa nhiều bệnh.

Sử dụng năng lượng sạch

“Nồi điện lên men tỏi phải không có chức năng tự ngắt, thời gian 40 ngày nên cũng tiêu tốn rất nhiều điện năng cho 1 mẻ (lần) lên men. Nên tôi nghĩ đến dùng năng lượng mặt trời thay thế nguồn điện lưới. Đây là nguồn năng lượng sạch và rất dồi dào” – thầy Thọ cho biết.

Thầy đã hướng dẫn 2 em học sinh lớp 9 của trường nghiên cứu làm Thiết bị “Lên men tỏi đen ứng dụng năng lượng mặt trời dùng cho hộ gia đình". Sau khi hoàn thiện, thiết bị có cấu tạo: Một hình hộp chữ nhật có chiều dài khoảng 1m, cao khoảng 0,7m, rộng khoảng 0,5m. Bên trên đậy một lớp kính trong suốt, bên dưới lớp kính là tấm tôn phẳng sơn màu đen.

Mặt phía trong được làm bằng xốp cách nhiệt, có thêm chậu nước ở dưới để tạo ẩm. Các bóng đèn tre trong hộp để tạo nhiệt độ khi tỏi lên men. Mặt trước thiết bị có gắn aptomat để đóng điện, một bộ điều khiển nhiệt độ và độ ẩm, một mô đun cảm biến nhiệt độ 12V và bình ắc quy.

Nói về quy trình làm ra tỏi đen, thầy Thọ cho biết: "Ban đầu chọn tỏi trắng củ to tròn, xếp vào hộp thật đều, không nén quá chặt. Hộp đựng tỏi được đặt dưới ánh nắng 55-65 độ C là mức nhiệt độ cần thiết để tỏi lên men đều, hiệu quả nhất. Nhiệt độ và độ ẩm này được duy trì thường xuyên trong khoảng 35-50 ngày khi đó tỏi trắng sẽ biến thành tỏi đen. Sau khi chuyển qua màu đen, tỏi có vị chua ngọt, mùi thơm, giàu giá trị về dinh dưỡng cũng như kinh tế”.

Tại nhà, thầy Thọ mỗi lần cho lên men khoảng 30kg tỏi trắng/mẻ xếp vào 3 thùng, sau 40 đến 50 ngày cho a thành phẩm là 15kg tỏi đen.

Thiết bị “lên men tỏi đen bằng năng lượng mặt trời”, đã được thầy và các học sinh đưa đi tham dự nghiên cứu Khoa học Kỹ thuật dành ho học sinh THCS và đạt giải Nhất cấp huyện; giải Nhất cấp tỉnh và giải Ba toàn quốc năm học 2016 -2017.

Thầy Cao Hùng Thọ bên thiết bị “Chưng cất nhằm loại bỏ độc tố adehit và methanol ra khỏi rượu dùng cho hộ gia đình”.

Trong cuộc sống, thầy giáo Cao Hùng Thọ và học sinh của mình nhận thấy ở nông thôn nhiều người dân nấu rượu dùng và để bán. “Đa phần các hộ sản xuất rượu đều sử dụng các dụng cụ thô sơ, công nghệ lạc hậu, rượu nấu ra còn chứa nhiều độc tố. Nhiều hộ nấu rượu kinh doanh vì theo sản lượng và lợi nhuận đã pha chế thêm cồn công nghiệp vào rượu làm cho lượng độc tố càng tăng thêm".

Trong rượu thì lượng chất andehit và methanol là 2 thành phần độc tố, nên tôi nghĩ tới thiết bị chưng cất rượu, loại bỏ 2 hợp chất này. Từ đó, thiết bị “chưng cất rượu” sử dụng năng lượng ánh sáng mặt trời kết hợp điện lưới làm cho nhiệt độ ở trong thùng điều chỉnh nâng lên phù hợp chỉ có andehit và methanol bay hơi. Qua đó, loại bỏ được hai loại độc tố nguy hiểm trong rượu.

Ứng dụng thiết thực cho cuộc sống

Trực tiếp hướng dẫn dự án cho học sinh, thầy Cao Hùng Thọ chia sẻ “Quá trình thực hiện dự án “Phương pháp mới trong chưng cất nhằm loại bỏ độc tố adehit và methanol ra khỏi rượu áp dụng cho hộ gia đình”, hai em học sinh rất chăm chỉ, sáng tạo. Nhiều sáng ý của các em đã giúp sản phẩm hoàn thiện nhanh hơn so với dự kiến. Khi trình bày dứ án trước Ban giám khảo cuộc thi cấp tỉnh và toàn quốc, các em rất tự tin. Ưu điểm của thiết bị lọc rượu này là sử dụng các vật liệu và nguyên liệu sẵn có, dễ tìm và rẻ tiền. Tổng chi phí cho 1 bộ thiết bị khử andehit và methanol trong rượu ứng dụng năng lượng mặt trời này khoảng tầm 1,9 triệu đồng, nên rất phù hợp cho các hộ nấu rượu thủ công. Việc sử dụng sản phẩm đại trà, sẽ làm cho chất lượng rượu bán ra thị trường sẽ an toàn hơn, giúp giảm thiểu các trường hợp ngộ độc về rượu”.

Trong cuộc thi nghiên cứu khoa học kỹ thuật dành cho học sinh trung học năm học 2016-2017, dự án “Phương pháp mới trong chưng cất nhằm loại bỏ độc tố adehit và methanol ra khỏi rượu áp dụng cho hộ gia đình” đạt giải Nhất cấp huyện; giải Nhất cấp tỉnh; giải Ba cấp Quốc gia.

Ngoài việc thử nghiệm thành công “Phương pháp mới trong chưng cất nhằm loại bỏ độc tố adehit và methanol ra khỏi rượu áp dụng cho hộ gia đình”; thầy Thọ lắp đặt tại nhà riêng với công suất lọc 30 lít/2 tiếng. Từ sản phẩm rượu và tỏi đen lên men, thầy Thọ làm nên rượu ngâm tỏi đen bán ra thị trường, được nhiều người ưa chuộng.

Thầy Thọ tâm sự “người dân xã Tân Hóa còn nghèo, chủ yếu là làm nông nghiệp, tôi luôn mong muốn tạo ra một sản phẩm hữu ích giúp bà con nông dân nghèo. Từ khi một số thiết bị sử dụng năng lượng mặt trời của tôi được áp dụng, người dân đã tăng được giá trị sản phẩm nâng cao hiệu quả. Nhất là sản phẩm “Sấy mật ong bằng năng lượng mặt trời dùng cho hộ gia đình” rất phù hợp cho những gia đình nuôi ong. Việc tận dụng được nguồn năng lượng tự nhiên vừa giảm chi phí và góp phần bảo vệ môi trường".

Với những kết quả đạt được trong công tác giảng dạy cũng như công tác nghiên cứu khoa học, tham gia hoạt động đoàn thể, nhất là trong học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, thầy giáo Cao Hùng Thọ đã nhiều lần được biểu dương, khen thưởng.

Trong năm học 2018 - 2019, Thầy giáo Cao Hùng Thọ được Tỉnh đoàn vinh danh là “Nhà giáo trẻ tiêu biểu tỉnh Quảng Bình”; vinh dự nhận bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình, đã có thành tích xuất sắc trong 3 năm thực hiện chỉ thị 05-CT/TW ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị về: "Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức phong cách Hồ Chí Minh".

Thanh Hà

Nguồn Infonet: https://infonet.vietnamnet.vn/thi-truong-khcn/nha-kh-dien-hinh/thay-giao-o-huyen-mien-nui-ngheo-co-nhieu-cong-trinh-nghien-cuu-khkt-257275.html