Thầy giáo nổi tiếng nêu lý do bố mẹ không nên vội chuyển trường cho con: Có rất nhiều điều phải cân nhắc bởi trường không chỉ là nơi học chữ

'Tôi thấy có nhiều điểm đáng cân nhắc khi chuyển trường cho con. Con đang học yên ổn thì đừng vội chuyển trường', anh Giang Nguyễn nhận định.

Anh Giang Nguyễn, tên đầy đủ là Nguyễn Bá Trường Giang từng tốt nghiệp Đại học Cornell và Đại học Luật Boston (Mỹ). Hiện tại anh đang là Giám đốc The Ivy-League Vietnam. Mới đây, anh đã có những chia sẻ về chuyện chuyển trường cho con - một vấn đề muôn thuở nhưng năm nào cũng được phụ huynh bàn tán rôm rả.

"Tôi thấy các phụ huynh chăm chuyển trường cho con quá. Có trẻ đang học trường công thì chuyển vào trường tư, rồi đang học trường tư thì chuyển vào quốc tế, từ quốc tế lại chuyển sang trường quốc nội. Còn ở nông thôn, nhiều đứa trẻ 9 năm chỉ biết một mái trường làng cũ kỹ nên thơ!

Chuyển trường là một trào lưu phổ biến nhất là ở các thành phố lớn, đặc biệt rõ rệt là Hà Nội - nơi mà thị trường giáo dục luôn sôi động hơn cả showbiz. Tôi hiểu sự sốt ruột và kỳ vọng của cha mẹ khi chuyển con sang trường khác. Cha mẹ thất vọng với môi trường công lập, thất vọng vì thầy cô bên trường tư kia không quan tâm con mình, sốt ruột vì thấy con học trường này mãi không tiến bộ. Hoặc có khi họ chuyển trường chỉ vì thấy con nhà người ta cũng chuyển trường.

Cha mẹ hy vọng sang trường mới, môi trường mới con có khí thế hơn, học chăm hơn, thầy cô giỏi hơn, cơ sở vật chất tốt hơn, hay đơn giản là gần nhà hơn. Chuyển trường là nhu cầu chính đáng.

Tôi thấy có nhiều điểm đáng cân nhắc khi chuyển trường cho con. Con đang học yên ổn thì đừng vội chuyển trường. Con đang học cấp nào thì để yên con ở đó đừng chuyển. Con học hết cấp thì cân nhắc chuyển để tạo môi trường mới, và chớ có chuyển trường trong 3 năm cấp 3.

Tôi thấy có nhiều điểm đáng cân nhắc khi chuyển trường cho con. Con đang học yên ổn thì đừng vội chuyển trường. Con đang học cấp nào thì để yên con ở đó đừng chuyển. Con học hết cấp thì cân nhắc chuyển để tạo môi trường mới, và chớ có chuyển trường trong 3 năm cấp 3.

Tôi nói thế là vì các con đến trường không phải chỉ để học chữ. Các con đến trường và mong tới giờ đi học phần nhiều là cái lớp của con nó mát, cái chỗ con ngồi gần cửa sổ, các bạn lớp con rất ngầu, có thầy khoa học rất hay, cô chủ nhiệm rất hiền,... Nói chung là còn nhiều lý do lắm. Trong môi trường ấy, các con đã quen áp lực học tập, quen với giờ giấc và kỷ luật, tóm lại là: Ta đã quen, quen từng hơi thở, quen tiếng cười và ánh mắt nên thơ.

Chuyển trường là cả một sự thay đổi. Toàn bộ thói quen và nếp sinh hoạt đã thiết lập từ lâu nay bỗng đổi mới. Bạn bè mới, thầy cô mới. Có đứa trẻ trầm cảm mãi mới hòa nhập nổi!

Nếu phụ huynh mong muốn chuyển trường khi con hết cấp thì là điều dễ hiểu. Hết cấp là một sự chuyển dịch cả tâm sinh lý và thể chất cũng như có đột phá trong năng lực tiếp nhận tri thức. Nên thời điểm này nếu cha mẹ quyết định chuyển trường là một sự khôn ngoan. Nhưng chuyển đến đâu và kết quả học hành của con ra sao sẽ quyết định tỷ lệ khôn ngoan của cha mẹ là bao nhiêu.

Thường con người ta hay thất vọng với cái cũ, cái thường thấy, cái nhàm chán, cái thói quen và kỳ vọng với cái chưa thấy: Cái tiềm năng, cái tương lai. Nên chuyển con đi là để hy vọng con thành người giỏi hơn, tốt hơn. Tất cả đều chính đáng!

Nhưng cha mẹ nên nhớ kỳ vọng và đáp ứng được kỳ vọng là 2 điều khác nhau. Giáo dục không phải là vụ gặt và mái trường không phải là mảnh ruộng. Ta không thể cày ruộng này trồng được vài vụ thấy sản lượng kém lại nhổ cọc dọn nhà sang đám khác.

Trẻ em cũng như cây non, cần yên ổn để phát triển, đâm chồi nảy lộc. Không phải cứ nay nhổ đi trồng đám đất này, mai lại trồng đám khác. Giáo dục cần sự đồng hành, vun tưới, che chở, nâng chống và đặc biệt là chăm bón đúng lúc đúng mức.

Thành tựu sẽ đến nếu kiên trì dạy dỗ và đồng hành, chứ không thể sốt sắng và nóng vội. Việc vun tưới không phải chỉ là việc của thầy cô. Thầy cô chỉ làm theo trách nhiệm. Hết giờ là hết việc. Còn lại là cha mẹ và bản thân đứa trẻ. Đừng nhìn con người ta giỏi mà nghĩ: "Nó học trường đó bảo sao chả giỏi". Điều đó chỉ đúng một phần.

Hãy nghĩ thêm rằng: Bố mẹ bạn học sinh đó có đồng hành sát sao với con không và bản thân bạn ấy có ý thức học tập không? Ý thức của con trẻ không tự có mà phải rèn. Mà ai rèn được nhiều nhất? Chính là bố mẹ!

Nếu nói: "Con chỉ nghe cô, không nghe bố mẹ" là hơi tắc trách, mà phải nghĩ con nghe cô vì nó sợ điểm liệt còn con nghe bố mẹ vì nó sợ bất hiếu hay roi vọt. Chữ hiếu ngày nay mong manh!

Nói thì các bậc mẹ giận nhưng đúng là phú quý sinh lễ nghĩa. Ngày xưa thời chúng ta cả tuổi thơ chỉ gắn với một mái trường, có chuyển đi đâu. Năm nào cũng vẫn mấy thầy cô ấy. Đầu năm học mới lại thấy các thầy cô như mới.

Bọn trẻ ở quê nhà nghèo lấy đâu điều kiện mà chuyển? Thế nên cả tuổi thơ chỉ có 1 mái trường cấp 1 cấp 2. Lớn lên thì học trường huyện, đứa trẻ nào khá nữa thì học trường chuyên là hết cửa. Cuộc đời vẫn đẹp sao và tình yêu vẫn đẹp sao!

Trẻ cũng cần kỷ niệm mà kỷ niệm phải hun đúc cùng màu thời gian. Màu thời gian thật bí ẩn và êm đềm nhuốm lấy tuổi thơ từng đứa trẻ, trong đó có chính mỗi bậc cha mẹ chúng ta.

Tôi không phản đối chuyển trường nhưng tôi chỉ muốn các mẹ cân nhắc các điều bên trên trước khi chuyển trường".

Thanh Hương

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/giao-duc/thay-giao-noi-tieng-neu-ly-do-bo-me-khong-nen-voi-chuyen-truong-cho-con-co-rat-nhieu-dieu-phai-can-nhac-boi-truong-khong-chi-la-noi-hoc-chu-20201005081831982.htm