Thầy giáo như mẹ hiền

Như một người lái đò thầm lặng, đều đặn mỗi ngày khi mặt trời còn chưa ló rạng, thầy Ma Đình Hiểu (sinh năm 1989) cùng với chiếc xe máy cũ kĩ vượt 20km đường đèo để đến với các em nhỏ của Trường Mầm non Sảng Mộc (Võ Nhai).

Thầy giáo Hiểu cùng các học sinh trong một tiết thể dục tại Trường Mầm non Sảng Mộc (Võ Nhai).

Thầy giáo Hiểu cùng các học sinh trong một tiết thể dục tại Trường Mầm non Sảng Mộc (Võ Nhai).

Đường đến Sảng Mộc trời mưa lất phất, những cơn gió rét đầu mùa ở vùng rừng núi cứ hun hút len lỏi vào từng lớp áo, nhưng khi gặp thầy giáo Hiểu với nụ cười đôn hậu cùng tiếng trẻ con cười nói râm ran, chúng tôi cảm thấy ấm áp hơn.

Trò chuyện với thầy giáo Ma Đình Hiểu, chúng tôi được biết, năm 2007, sau khi tốt nghiệp THPT, anh không thể đi học tiếp vì bố ốm nặng. Để mưu sinh, thầy giáo Hiểu phải lên nương vỡ đất làm rẫy, vào rừng kiếm củi, tần tảo chăm lo cho cả gia đình.

Dù không có điều kiện nhưng anh Hiểu vẫn luôn mơ ước được trở thành giáo viên. Mẹ và chị gái biết được nguyện vọng thì ủng hộ, động viên anh tiếp tục đi học để thực hiện ước mơ của mình. Năm 2011, thầy giáo Hiểu thi đỗ vào Trường Cao đẳng Sư phạm Thái Nguyên. Tốt nghiệp năm 2014, anh được phân công về dạy tại xã Vũ Chấn, cũng chính là nơi anh sinh ra và lớn lên.

Nhớ ngày đầu tiên đến nhận lớp, bao ánh mắt tò mò của phụ huynh đổ dồn về phía thầy, nhiều bà mẹ chẳng yên tâm, họ kháo nhau: Đàn ông thì làm sao mà dạy trẻ mầm non được? Thầy Hiểu tâm sự: Tôi chưa bao giờ nghĩ mình sẽ rơi vào hoàn cảnh này. Đa phần mọi người đều nghĩ chỉ các cô giáo mới dạy mầm non. Nhìn những ánh mắt dò xét, tôi thấy run lắm nhưng tự động viên rằng nếu mình thực sự mở rộng tấm lòng yêu thương, chăm sóc trẻ, coi các em như con thì mọi việc có thể làm tốt.

Theo thời gian, thấy thầy Hiểu có nghiệp vụ tốt, lại tâm lý với trẻ, phụ huynh dần dần yên tâm. Trẻ về nhà biết hát, biết múa, kể lại những lời thầy giảng trên lớp, ngoan ngoãn hơn nên phụ huynh ai nấy đều phấn khởi.

Sau 2 năm gắn bó với mái Trường Mầm non Vũ Chấn, thầy Hiểu được tuyển dụng vào biên chế và điều chuyển về Trường Mầm non Sảng Mộc. Ban Giám hiệu Trường Mầm non Sảng Mộc giao cho thầy phụ trách lớp 5, 6 tuổi có gần 20 em học sinh, tất cả đều là người dân tộc Dao, Tày. Đa phần các em đều rất nhút nhát. Nhiều học sinh nhà cách xa trường nên mỗi khi trời đổ mưa thì hơn nửa số em lại nghỉ học. Trong số đó, em Đặng Văn Nam thường xuyên nghỉ học hơn các bạn khác, do con đường từ nhà Nam tới Trường dài gần 10 cây số, mỗi khi thời tiết xấu lại bùn lầy, gồ ghề, tróc lở. Có dạo em nghỉ học hơn một tuần nên thầy đã tìm đến nhà của Nam. Không chỉ chia sẻ, động viên bố mẹ Nam, thầy còn vận động gia đình đưa con tới lớp học. Thầy Hiểu chia sẻ: Từ sau hôm đấy, cháu Nam đi học đều lắm, buổi thì bố mẹ đưa đi, buổi học nào bố mẹ bận thì gửi ông, bà, hay nhờ những phụ huynh khác cho cháu đi cùng. Đối với những học sinh hay nghỉ học mà mình kiên trì vận động thì các em sẽ đi học đều ngay. Ngày nào nhìn thấy các em đến Trường đông đủ, tôi mới cảm thấy yên tâm, vắng ngày nào là thấp thỏm ngày ấy.

Khuôn mặt thầy Hiểu rạng rỡ, ánh mắt nhìn về phía những học sinh nhỏ bẻ của mình. Thầy thuần thục cầm tay trẻ hướng dẫn cách xếp hình, bóc dán, tết tóc, cài cúc,… Thầy Hiểu nói: Trẻ con rất chú ý, tò mò với những điều mới lạ nên khi giảng dạy, tôi hay tìm tòi, sáng tạo ra những cách tiếp cận mới để trẻ thích thú, nhanh tiếp thu kiến thức hơn.

Sự yêu nghề luôn thôi thúc thầy giáo Hiểu luôn tìm tòi, sáng tạo các bài dạy hay, cách dạy mới. Đơn cử như việc thầy Hiểu đã đưa những hình ảnh thân quen, gần gũi của Bác Hồ vào các tiết học của trẻ. Trong một tiết học phát triển thể chất, những video, hình ảnh Bác Hồ tập thể dục được thầy Hiểu sưu tầm và chiếu cho trẻ xem. Xem xong, thầy Hiểu đặt câu hỏi: Các con có nhận ra ai không?

Lũ trẻ hào hứng đồng thanh trả lời: Có ạ, Bác Hồ ạ!

- Sinh thời, Bác Hồ của chúng mình là người rất chăm chỉ tập thể dục, Bác đã nói: “Tự tôi ngày nào cũng tập thể dục”. Để học tập Bác, chúng mình sẽ làm gì nhỉ?

Trẻ đáp: - Thường xuyên tập thể dục để khỏe mạnh ạ!

Thầy Hiểu bắt đầu hướng dẫn trẻ tập các động tác chạy, nhảy, tay, chân... Đây là một trong số những chuyên đề thầy xây dựng và được các đồng nghiệp trong Trường đánh giá cao. Dịp tháng 11 vừa qua, tại hội thi giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh, thầy Hiểu đã đạt được điểm cao.

Thầy giáo Hiểu được các giáo viên trong Trường quý mến và dành không ít lời khen ngợi. Chị Ma Thị Nở, Hiệu trưởng Trường Mầm non Sảng Mộc nói: Thầy Hiểu dạy học khéo lắm, thậm chí còn hơn các cô giáo. Thầy luôn cố gắng trau dồi kiến thức, kĩ năng sư phạm, ham học hỏi, luôn hăng hái với các hoạt động của Nhà trường. Các chuyên đề thầy xây dựng để giảng dạy được các giáo viên đánh giá cao và áp dụng vào giảng dạy.

Nguyện vọng của thầy giáo Hiểu là tiếp tục được giảng dạy, gắn bó với học sinh vùng sâu, vùng xa để góp một phần công sức cho sự nghiệp giáo dục. Nhờ quá trình nỗ lực của mình, thầy đã đạt được nhiều thành tích. Trong năm 2019, thầy được nhận Bằng khen của Bộ Giáo dục và Đào tạo vì có sáng tạo trong công tác giảng dạy; được Sở Giáo dục và Đào tạo tặng Giấy khen tấm gương tiểu biểu về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, phong cách Hồ Chí Minh”; đạt danh hiệu giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh...

Thu Nga

Nguồn Thái Nguyên: http://baothainguyen.org.vn/tin-tuc/hoc-tap-va-lam-theo-tu-tuong-dao-duc-phong-cach-ho-chi-minh/thay-giao-nhu-me-hien-267712-113.html