Thầy giáo không đứng trên bục giảng

Tại lễ vinh danh các nhà giáo tiêu biểu, có nhiều thành tích trong công tác giáo dục, đào tạo giai đoạn 2016-2020 do UBND tỉnh Hà Giang tổ chức, mọi người đều ngạc nhiên, trầm trồ thán phục khi một sĩ quan trẻ mang quân hàm xanh bước lên bục nhận thưởng kèm theo lời giới thiệu của ban tổ chức:

Thượng úy Lò Ngọc Quý, Đội trưởng Đội Vận động quần chúng, Đồn Biên phòng (ĐBP) Sơn Vĩ không chỉ là một cán bộ tâm huyết, uy tín với đồng bào địa phương mà còn là người bố nuôi kiêm “thầy giáo đa năng” đang trực tiếp chăm sóc, hướng dẫn học tập cho 6 học sinh lớp 7 là con nuôi của ĐBP Sơn Vĩ (BĐBP tỉnh Hà Giang)...

"Ông bố nhiều con”

Từ TP Hà Giang, chúng tôi ngược lên ĐBP Sơn Vĩ ở huyện Mèo Vạc, địa bàn được coi là xa xôi, hẻo lánh và khó khăn nhất của tỉnh Hà Giang, vào đúng ngày cái rét như cứa vào da thịt. Trước khi chúng tôi lên đường, Đại tá Lưu Đức Hùng, Chính ủy BĐBP tỉnh Hà Giang bảo: “Từ đây lên đó chừng 200km, đường sá nhiều chỗ khó đi lắm. Nhưng phải lên đấy mới hiểu được đời sống và bản lĩnh của bộ đội vùng biên, nhất là Thượng úy Lò Ngọc Quý đang trực tiếp chăm sóc 6 cháu học sinh. Hiện, ĐBP nào trong tỉnh cũng nhận nuôi từ 1 đến 2 cháu có hoàn cảnh đặc biệt, nhưng riêng ĐBP Sơn Vĩ nhận nuôi cùng lúc 6 cháu”.

Trời nhiều sương mù, đường lại quanh co, dốc gối dốc, nên khi chúng tôi đến nơi, màn đêm đã buông xuống từ lâu, chỉ thấy ánh đèn le lói hắt ra từ ĐBP Sơn Vĩ. Khu nhà nhỏ xinh xắn nằm ngay đỉnh dốc sát cổng vào đồn dành cho 6 cháu con nuôi cũng đã tắt điện. Thấy lấp loáng ánh đèn pin rọi quanh khu nhà, tôi tò mò tìm hiểu thì gặp ngay Thượng úy Lò Ngọc Quý. Vừa lấy tay xoa vào nhau cho đỡ lạnh, Quý vừa chia sẻ: “Mấy hôm nay trời rét đậm, tôi sợ các cháu ngủ hay đạp làm rơi chăn xuống đất nên phải kiểm tra. Đồn nhận nuôi 6 cháu, trong đó 4 cháu nam, 2 cháu nữ đều ở tuổi 13, 14. Độ tuổi này, tính tình và cảm xúc của các cháu thay đổi thất thường nên càng phải kèm cặp, động viên, nhắc nhở thường xuyên anh ạ!”.

Nghe Quý tâm sự, tôi phần nào hình dung ra những khó khăn, vất vả của người bố nuôi và cán bộ, chiến sĩ nơi đây. Định hỏi Quý về lý do tại sao đồn còn khó khăn mà lại nhận nuôi cùng lúc 6 cháu, thì dường như đoán được ý của tôi, Quý chủ động kể: “Sau khi khảo sát trên toàn xã, chúng tôi thấy 6 cháu có hoàn cảnh rất đặc biệt, chịu nhiều thiệt thòi từ nhỏ. Trong đó, 2 cháu mất cả bố lẫn mẹ; có cháu bố mất sớm, mẹ đi lấy chồng. Các cháu còn lại đều khuyết bố hoặc mẹ... cuộc sống vô cùng khó khăn. Anh em trong đồn đã bàn bạc kỹ và đều chung suy nghĩ, các cháu ở hoàn cảnh đặc biệt khó khăn như vậy, nếu đồn không dang tay đón nhận, nuôi nấng, định hướng tương lai thì lỡ các cháu phải bỏ học sẽ rất thiệt thòi. Từ đó, anh em mạnh dạn báo cáo cấp trên cho nhận nuôi cả 6 cháu. Khi được chỉ huy phân công là “bố nuôi”, trực tiếp phụ trách việc quản lý, chăm sóc, dạy bảo các cháu, tôi rất vui vì mình được tin tưởng và cũng mong sẽ góp phần giúp các cháu có tương lai tươi sáng. Tôi gọi điện về khoe với vợ: Từ nay nhà mình có tổng cộng là 8 con rồi nhé! Vợ tôi biết chuyện cũng rất vui, thường gọi đùa tôi là “ông bố nhiều con”...

"Bố Quý" chăm sóc từng bữa ăn cho các con.

"Bố Quý" chăm sóc từng bữa ăn cho các con.

“Thầy giáo”... đa di năng!

Sáng sớm hôm sau, khi màn sương dày đặc vẫn phủ kín khuôn viên ĐBP, tôi đã thấy Quý đôn đốc các con ăn sáng và chuẩn bị trang phục, đồ dùng, sách vở để đi học. Căn nhà dành cho các con nuôi ĐBP được phân chia thành phòng riêng, mỗi phòng có 2 cháu. Từng cháu đều có giường, chăn màn, bàn ghế học tập đầy đủ. Nhà ở của các cháu trai, cháu gái nằm tách biệt; khu tắm giặt, vệ sinh cũng được phân chia riêng. Hầu hết sinh hoạt của các cháu đều theo nền nếp chế độ quy định của đồn. Bữa ăn của các cháu được tổ chức tập trung tại bếp ăn và theo tiêu chuẩn như cán bộ, chiến sĩ đơn vị. Ngoài việc anh em trong đồn tự nguyện trích một phần tiền lương, cộng với hỗ trợ của trên để chăm lo ăn mặc, mua sách vở, đồ dùng sinh hoạt cho các cháu, vừa qua, chỉ huy ĐBP Sơn Vĩ còn vận động được một doanh nghiệp hỗ trợ mỗi cháu 500.000 đồng/tháng. Số tiền này được doanh nghiệp chuyển vào tài khoản của từng cháu từ nay đến khi học xong, giúp các cháu sau này có vốn liếng để lập thân, lập nghiệp.

Tâm sự với tôi, Lò Ngọc Quý cho biết: “Do các con đều có những tổn thương về tinh thần, lại xa gia đình, người thân khi còn quá nhỏ nên ban đầu các con rất ngại giao tiếp. Khi mới về, có con không biết sử dụng bàn chải đánh răng, chưa từng dùng khăn rửa mặt, nên mọi sinh hoạt từ nhỏ nhất tôi đều phải hướng dẫn. Thế mà có con còn biểu hiện “chống đối” bằng cách không chia sẻ với bố nuôi, chỉ nói bằng tiếng dân tộc Mông... Sau thời gian vừa động viên, dỗ dành, giảng giải, vừa nghiêm khắc uốn nắn, cuối cùng, các con đã thân thiện, hòa đồng, chấp hành tốt các quy định của đồn, nâng cao ý thức trong sinh hoạt, học tập, tích lũy được những kỹ năng sống cơ bản”.

Xem vở học tập của cháu Hạng Mý Lử, sinh năm 2008 (ở bản Dìn Dàn Xán, mồ côi cả cha lẫn mẹ từ sớm, đang học lớp 7 Trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS xã Sơn Vĩ), tôi nhận thấy rất rõ sự tiến bộ qua từng nét chữ. Thượng úy Lò Ngọc Quý phấn khởi khoe: “Từ khi được đồn nhận về nuôi dưỡng (giữa năm 2019), đến nay các con đều học tập tiến bộ hơn. Có con trước là học sinh yếu, giờ đã vươn lên mức khá, được cô giáo biểu dương, khen ngợi, như trường hợp của Lử".

Được bố Quý khen, Lử gãi đầu, cúi xuống tủm tỉm cười. Thấy vậy, tôi hỏi: “Thế bây giờ Lử còn ghét bố Quý không? Có muốn về nhà chăn trâu nữa không?”. Chẳng cần nghĩ, cậu bé nhanh nhảu: “Không ạ! Ở đây ngày nào con cũng được ăn cơm có thịt, cá, lại được bố Quý hướng dẫn giải toán, làm văn, thích hơn ở nhà nhiều”.

Đứng cạnh Lử, cháu gái Thò Thị Dy cũng góp chuyện: “Ở đây có cơm ngon, chăn ấm. Bố Quý và các bác, các chú lại rất tâm lý, hay cho quà nữa, thích lắm. Nhưng, nếu được đón các em của con xuống đây thì còn vui nữa”. Nói đến đây, Dy trầm giọng, cúi mặt xuống. Thượng úy Lò Ngọc Quý quay sang tôi nói nhỏ: “Nhà Dy khó khăn lắm, bố mẹ mới ngoài 40 mà đã có 8 con. Nếu không được đón vào đồn nuôi, chưa chắc Dy đã được đi học tiếp. May là con cũng sáng dạ, chịu khó học. Vừa rồi, cấp trên tặng mỗi con một chiếc xe đạp để đi học. Từ hôm nhận xe, Dy phấn khởi lắm, cứ lúc rảnh lại nhờ bố nuôi và các chú giữ xe để tập”.

Đứng cạnh tôi từ lâu, giờ Thiếu tá Nguyễn Đức Oanh, Chính trị viên đồn mới lên tiếng: "Công việc chuyên môn của Đội trưởng Đội Vận động quần chúng rất bận rộn, vì anh Quý thường xuyên phải xuống bản, gặp gỡ, giúp đỡ bà con đồng bào dân tộc. Vậy nhưng khi được giao nhiệm vụ, Quý rất nhiệt tình, trách nhiệm, yêu thương các con như con đẻ của mình. Cứ xong việc chuyên môn, anh lại xuống kèm cặp, hướng dẫn các con học tập, dạy bảo kiến thức, kỹ năng sống. Chúng tôi vẫn gọi vui Thượng úy Lò Ngọc Quý là "ông bố đa di năng"; đúng là "ngọc quý" thật sự”.

Được chỉ huy khen, Thượng úy Lò Ngọc Quý có vẻ ngượng, mặt ửng đỏ. Lát sau, anh mới bộc bạch: “Từ khi nhận chức bố nuôi, tôi phải tự ôn luyện, cập nhật kiến thức để kèm cặp và phối hợp với các thầy, cô giáo dạy bảo thêm các con. Có lần, gặp bài tập khó, tôi phải sang tận trường để nhờ cô Hoàng Thị Sơn, Phó hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS xã Sơn Vĩ hướng dẫn cách giải, sau đó về giảng lại cho các con. Dạy kiến thức đã khó, nắm bắt, chăm sóc 2 con gái còn khó hơn nhiều vì đây là thời điểm các cháu biến đổi cả về tâm, sinh lý. Lĩnh vực này tôi phải gọi điện nhờ vợ tư vấn, đồng thời phối hợp, trao đổi với cô giáo trên lớp để hướng dẫn, giúp các cháu những kỹ năng tự chăm sóc, bảo vệ bản thân..."

Cuộc trò chuyện của chúng tôi phải tạm dừng vì các con chuẩn bị đến giờ đi học. Kiểm tra trang phục, đồ dùng học tập của các con xong, Thượng úy Lò Ngọc Quý lại cẩn thận chạy xuống cổng, làm “hoa tiêu” chỉ đường để các con đạp xe từ dốc cổng xuống đường an toàn. Trước khi chào tôi để về phòng làm việc, Quý thông báo: “Giao ban xong, tôi lại xuống bản để thăm nhân dân, nắm tình hình và kiểm tra đàn bò mà đồn tặng bà con. Mình tặng rồi nhưng phải thường xuyên kiểm tra, hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc để bò giống phát triển. Mời anh đi cùng tôi nhé!”.

Nhìn bóng Thượng úy Lò Ngọc Quý thoăn thoắt lẫn vào sương mù buổi sớm, nghe tiếng ríu ran của "bố con" chào nhau, tôi thực sự thấy ấm lòng và lại nhớ đến lời tâm sự của "thầy giáo đặc biệt" tại lễ tôn vinh các nhà giáo tiêu biểu do UBND tỉnh Hà Giang tổ chức: “Chúng tôi nhận nuôi các con không phải để chạy theo thành tích, mà thực lòng mong muốn bằng tình yêu thương, nhân ái và sự nền nếp của Bộ đội Cụ Hồ sẽ góp phần nâng đỡ, rèn giũa những trẻ thơ ở hoàn cảnh đặc biệt khó khăn có tương lai tươi sáng, sau này trở thành những cán bộ tốt, công dân ưu tú của địa phương, cùng góp sức bảo vệ và xây dựng biên cương giàu mạnh, phát triển”...

Bài và ảnh: VĂN CHIỂN

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/ho-so-su-kien/cuoc-thi-viet-nhung-tam-guong-binh-di-ma-cao-quy-lan-thu-12/thay-giao-khong-dung-tren-buc-giang-652459