Thầy giáo dâm ô nhiều học sinh: Trường có phải chịu trách nhiệm?

Luật sư phân tích, ngoài việc thầy Nguyễn Đình L phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về hành vi của mình, nhà trường nơi thầy này công tác cũng phải chịu trách nhiệm vì không quản tốt cán bộ.

Như Dân Việt đã thông tin, ngày 16.4, Công an huyện Hoài Đức (Hà Nội) cho biết, cơ quan cảnh sát điều tra Công an huyện này đã bắt khẩn cấp thầy giáo Nguyễn Đình L (SN 1974, công tác tại Trường Tiểu học xã An Thượng A) để làm rõ hành vi xâm hại nhiều nữ sinh Trường tiểu học xã An Thượng A.

Ông Nguyễn Chi Lương - Chủ tịch xã An Thượng (huyện Hoài Đức, Hà Nội) cho biết, sau khi nhận được thông tin cơ quan điều tra tạm giữ thầy L điều tra, ngày 15.4, Trường Tiểu học An Thượng A đã họp hội đồng sư phạm để quán triệt và ổn định tình hình dạy và học đối với toàn thể giáo viên, học sinh trong trường.

Trường học nơi xảy ra sự việc. Ảnh: IT

Nhận xét về thầy L, ông Lương cho biết, thầy L đã có vợ và hai con trai. Sự việc khiến nhiều người dân bất ngờ vì thầy L là người hiền lành. Bản thân thầy L có vợ xinh đẹp làm thợ may, con cái khôn lớn.

Tại cơ quan công an, thầy L bước đầu đã thừa nhận hành vi của mình.

Liên quan đến vụ việc này, trao đổi với PV Dân Việt, luật sư Nguyễn Anh Thơm (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho biết, ngoài việc thầy Nguyễn Đình L phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về hành vi của mình, nhà trường nơi thầy giáo này công tác cũng phải chịu trách nhiệm vì để xảy ra sự việc.

Luật sư Thơm phân tích, theo thông tin ban đầu, thầy L thực hiện hành vi ở lớp học học thêm. Việc thầy giáo này mở lớp học thêm nhà trường và chính quyền địa phương không biết. Từ đây có thể căn cứ Điều 4 Thông tư số 17/2012 của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành quy định về dạy thêm, học thêm.

Cụ thể Thông tư này quy định: “Không dạy thêm đối với học sinh tiểu học, trừ các trường hợp: bồi dưỡng về nghệ thuật, thể dục thể thao, rèn luyện kỹ năng sống”.

Nếu cá nhân, tổ chức muốn dạy thêm ngoài nhà trường phải thực hiện theo đúng trình tự quy định tại Điều 6 Thông tư số 17/2012.

“Nếu tổ chức dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường, tổ chức, cá nhân phải xin giấy phép. Ngoài ra, phải cam kết với Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi đặt điểm dạy thêm, học thêm.

Ngoài ra phải công khai giấy phép tổ chức hoạt động dạy thêm, học thêm; Danh sách người dạy thêm; Thời khóa biểu dạy thêm, học thêm; Mức thu tiền học thêm”, vị luật sư này thông tin.

Từ những phân tích trên, luật sư Thơm cho rằng, theo thông tin ban đầu và theo quy định có thể thấy, việc dạy thêm của thầy L tại gia đình là không được sự cho phép của nhà trường và chính quyền địa phương.

Để xảy ra việc này, nhà trường nơi thầy L công tác cũng phải có trách nhiệm vì không quản lý được cán bộ của mình. Không thực hiên tốt công tác giáo dục tư tưởng, không quan tâm đến đời sống, tâm lý của cán bộ.

Đình Việt

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/ban-doc/thay-giao-dam-o-nhieu-hoc-sinh-truong-co-phai-chiu-trach-nhiem-867384.html