Thầy giáo đã nghỉ hưu

Trường tôi mới thay ông bảo vệ mới. Nghe nói ông cũ đi làm bảo vệ cửa hàng bán cà phê. Cũng phải, làm bảo vệ trường vất vả, luôn phải đối phó với trò nghịch ngợm của chúng tôi, lương chẳng được bao nhiêu. Cứ nhìn ông bảo vệ mới tóc bạc quá nửa, gầy gò kia thì chắc cũng chẳng trụ được bao lâu. Bọn học trò cuối cấp chúng tôi đã nhiều lần vấp váp với các ông bảo vệ vì chúng tôi thiếu tự do ra vào cổng mà các ông lại cứ khư khư giữ cổng. Để xem ông bảo vệ mới này có nguyên tắc như các ông trước không.

Minh họa: Thanh Hạnh

Ngày đầu tiên thấy ông kê lại bàn ghế rồi múc nước lau chùi, rửa nền nhà sạch bóng. Các ông trước đây quen để cáu bẩn, bảo vệ sạch sẽ làm gì. Có lần chúng tôi đến xin cái ô, cái mũ quên ở lớp, thấy bộ ấm chén còn vàng khè màu mốc chè búp lâu ngày không cọ. Hết giờ tôi và mấy đứa tò mò quá ngó vào. Ôi chao, phòng bảo vệ thơm tho gọn gàng cứ như rộng hơn. Hiếu kỳ tôi thăm dò:

- Ông mới vào làm à? Chắc ở nhà ông không có việc nên xin làm thêm?

Ông bảo vệ ngẩng đầu, đôi mắt sáng hóm hỉnh nhìn bọn tôi rồi trả lời:

- À, chỉ đúng một phần, trường học là nơi đem lại nguồn vui vô tận mà là do có các cháu đó.

Ra về mấy đứa bạn tôi phán:

- Ôi dào, chắc lại cấn cá vì kinh tế hoặc vợ chồng ông ấy có vấn đề...

Bọn học trò vốn cũng rất giàu tưởng tượng lắm.

Ngày hôm sau, chúng tôi được phen ngạc nhiên vì cách sắp xếp xe đạp, xe máy hoàn toàn khác trước của ông bảo vệ mới. Ra hàng ra lối lại dễ lấy khi cần thiết lại khá an toàn. Cái này thì không đứa nào bình luận được. Tôi thì nghĩ trong bụng: “Chắc là trước đây ông có đi bộ đội hay công an nên mới thể hiện được kiểu sống quy lát như thế. Có khi trước khi về hưu ông còn là cấp tá cũng nên. Nhưng cấp tá lương cao sao phải làm bảo vệ nhỉ”.

Tôi chơi thân thằng Phong lớp bên. Thân với nó không phải là nó học giỏi mà do hai thằng thích đá bóng. Chiều nào chúng tôi cũng ở bãi bóng. Nó có cái chân trái rất khéo. Tuy nhiên, nó phải cái tội hay bốc đồng. Nhiều lần nó đá bóng vào tường cửa sổ lớp học nên hay bị phê bình dưới cờ. Nể nó nên tôi mặc kệ. Cô chủ nhiệm nhắc nhở, nó ậm ừ hứa không tái phạm rồi lại quên. Một lần nó đá bóng vào cửa sổ kính làm vỡ toang.

- Choang!

Nghe tiếng, ông bảo vệ và các cô giáo chạy ra. Thằng Phong tái mặt. Nó ngờ đâu lại tai hại thế. Cô chủ nhiệm tỏ vẻ bực bội bảo:
- Bác bảo vệ cho lập biên bản đi ạ. Mai mời phụ huynh đến họp bàn giải quyết.

Ông bảo vệ đến vỗ vai Phong rồi bảo cô giáo:

- Thôi, được rồi, chắc nhỡ chân. Cô cứ để tôi giải quyết việc này.

Ngày hôm sau là ngày nghỉ nên bọn tôi không đến trường. Sáng thứ Hai tập trung thì nhìn cách cửa vỡ hôm trước đã lành như cũ. Như có phép màu vậy. Tôi kéo tay Phong ra xem, nó nói thản nhiên:

- Tao biết rồi. Không có chuyện gì đâu.

Nó nói rồi chỉ ông bảo vệ.

Tôi chẳng hiểu ra sao. Nó kể:

- Ông ấy đến nhà, tao tưởng ông làm to chuyện nhưng ông ấy chỉ hỏi chuyện bà tao rồi gọi tao vào khuyên nhủ: “Cháu đá bóng giỏi là tốt. Nhưng đem bóng đến đá trong lúc các bạn học là không đúng, đá bóng làm hỏng của công lại càng sai. Thôi, chiều nay để ông đi kiếm tấm kính rồi ông cháu ta lắp lại trả cho lớp. Cháu có hứa sửa chữa khuyết điểm không?”

Nghe Phong kể tôi sực nhớ ra bố nó đang ở đảo Trường Sa, mẹ đi làm lại có bệnh, nó ở với bà. Cách mà ông bảo vệ giúp nó tôi thấy là lạ. Chỉ biết từ hôm đó không thấy thằng Phong mang bóng đến trường và thấy nó ngoan hơn. Có lúc nó còn ngồi xem phim với ông bảo vệ. Đây cũng là dịp để tôi làm thân với ông.

Lớp tôi có cái Loan, học khá nhưng thi thoảng đi học muộn nên làm ảnh hưởng tới thi đua của lớp. Thầy chủ nhiệm mỗi lần đưa Loan ra kiểm điểm tại buổi sinh hoạt, nó đều khóc xin lỗi nhưng không bao giờ trình bày lý do.

Hôm ấy, tôi và Phong đang ngồi tào lao ở phòng bảo vệ thì thầy chủ nhiệm bước vào. Tôi và Phong định chuồn thì thầy bảo:

- Các em cứ ngồi đấy, thầy đang định nói chuyện với ông về việc của bạn Loan lớp ta.

Lạ thật, Loan thì có liên hệ gì với ông bảo vệ nhỉ, hay Loan là cháu ông. Hiếu kỳ, tôi kéo Phong ngồi xuống.

Thầy nói với ông bảo vệ có vẻ nể lắm:

- Bác ạ, cháu xin bác tư vấn cho cháu về em Loan lớp cháu. Loan ngoan, học được nhưng thi thoảng đi học muộn đột xuất. Cháu hỏi Loan chỉ khóc không nói.

Ông bảo vệ nhìn thầy, hỏi lại:

- Có phải cô bé còi còi, tóc dài không?

- Dạ, đúng ạ.

- Thế thầy đến nhà em đó chưa?

- Dạ chưa, vâng, cháu sai sót quá.

- Vậy, hãy cứ đến xem đã, nếu tìm ra nguyên nhân thì tốt, có gì ta lại bàn sau.

- Dạ, cảm ơn bác.

Đến tiết sinh hoạt tuần sau. Thầy chủ nhiệm nói trước cả lớp:

- Thầy đã đến nhà Loan. Bố Loan công tác ngành địa chất, năm ngoái bị tai nạn gãy chân đang ở nhà. Mẹ Loan lại bị bệnh run chân run tay, em Loan còn nhỏ, mẹ Loan phải mở hàng nước bán thêm. Có hôm dọn hàng mẹ bị ngã, có hôm làm vỡ phích đổ hết nước và nhiều việc rủi ro xảy ra nên Loan phải lo cho mẹ dọn ra hàng xong mới đi học được. Các em có thông cảm với Loan không?

- Có ạ, cả lớp đồng thanh.

Loan đứng lên, rưng rưng:

- Em cảm ơn thầy và các bạn. Sau hôm thầy đến nhà, mẹ em biết chuyện đã điện nhờ bà nội em ở quê lên giúp. Dù sao đây cũng là năm cuối cấp nên bà em rất cảm thông. Những gì em làm chưa tốt trong thời gian qua, em mong thầy và các bạn bỏ qua.

Tôi sực nhớ đến lời khuyên của ông bảo vệ. Sao thầy nghe ông thế nhỉ?

Ngày 20-11 đã tới. Cả trường náo nức thi đua chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam. Trường quét lại sân, tỉa lại hàng cây cảnh. Tấm biểu tượng treo trên cao được gỡ xuống để sơn lại. Ông bảo vệ ra hướng dẫn họa sĩ như chính ông sáng tác vậy. Ông vốn trước đây học họa hay sao? Ờ, chắc ông học trong quân đội. Đến lúc đội văn nghệ tập ôn lại bài học truyền thống do thầy Hiệu trưởng cũ sáng tác, cũng thấy ông giơ tay bắt nhịp. Thật kỳ lạ.

Trước ngày lễ, bọn tôi đi tổng vệ sinh. Tôi và Phong được dịp lân la ở phòng bảo vệ. Nhìn trên bàn ông có giấy mời dự lễ. Tôi tò mò đọc:

- Kính gửi thầy Nguyễn Văn Xuân, nguyên hiệu trưởng của trường….

Ô, hóa ra ông bảo vệ chính là thầy hiệu trưởng đã nghỉ hưu mà các thầy, cô giáo trong trường hay ca ngợi đây sao?

Nguyễn Đình Tân

Nguồn Văn Hiến: http://vanhien.vn/news/thay-giao-da-nghi-huu-80704