Thầy giáo bị kiểm điểm vì bán khẩu trang 'lãi' gần 10.000 đồng, luật sư nói gì?

Theo luật sư Diệp Năng Bình, việc xử lý kiểm điểm thầy giáo ở Cà Mau, bán khẩu trang cho học sinh với giá 3.000 đồng/chiếc, là hoàn toàn sai.

Trao đổi với PV VietNamNet về việc một thầy giáo ở Cà Mau bán 20 chiếc khẩu trang với giá 3.000 đồng/chiếc cho học sinh, bị Ban giám hiệu nhà trường họp kiểm điểm, luật sư Diệp Năng Bình - Trưởng Văn phòng Tinh Thông Luật, Đoàn Luật sư Thành phố Hồ Chí Minh nhận định: “Việc làm của thầy giáo đầy ý nghĩa nhưng bị đối xử như vậy là chuyện không thể chấp nhận được”.

Khẩu trang kháng khuẩn.

Khẩu trang kháng khuẩn.

Luật sư Bình giải thích: “Chúng ta thử làm một phép tính: Thầy mua 2 hộp khẩu trang y tế với giá 130.000 đồng/hộp 50 chiếc, tức là trung bình 2.600 đồng/chiếc và về bán lại với giá 3.000 đồng/chiếc. Tổng cộng, thầy bán được 20 chiếc, trong đó có 1 lần bán với giá 4.000 đồng/chiếc vì không có tiền trả lại. Tổng cộng thầy 'kiếm lời' được 9.000 đồng. Chúng ta thử nghĩ xem, có ai đi buôn bán mà kiếm lời kiểu đó không? Tôi nghĩ trong trường hợp này thầy giáo có lòng tốt muốn chia lại khẩu trang cho học sinh, chứ chẳng phải kinh doanh buôn bán gì."

Luật sư Diệp Năng Bình trao đổi với PV

"Sở dĩ thầy lấy tròn 3.000 đồng là để cho tiện, chứ lấy đâu ra 400 đồng tiền lẻ để trả lại cho học sinh. Mà giả sử thầy có bán hết 100 cái khẩu trang đó thì cũng chỉ kiếm lời được 40.000 đồng.

Hơn nữa, trong hai ngày chỉ bán 20 cái và lời được 9.000 đồng. Đó gọi là buôn bán, là lợi dụng dịch bệnh hay sao? Chưa kể đến tiền xăng xe thầy chạy từ thành phố Cà Mau về Đầm Dơi.

Hành vi đầu cơ được hiểu là việc lợi dụng cơ chế tự phát của thị trường để hoạt động mua bán, thu lãi mau chóng và dễ dàng. Trong luật hình sự, đầu cơ được hiểu là hành vi lợi dụng tình hình khan hiếm hoặc tạo ra sự khan hiếm giả tạo trong tình hình thiên tai, dịch bệnh, chiến tranh hoặc tình hình khó khăn về kinh tế mua vét hàng hóa có số lượng lớn nhằm bán lại thu lợi bất chính.

Như vậy, so sánh đối chiếu để thấy rằng việc xử lý kiểm điểm thầy là hoàn toàn sai. Đánh giá hành vi của một con người, đặc biệt là thầy cô, cần phải chuẩn xác, khách quan, xem xét trên nhiều yếu tố.

Tôi nghĩ trong trường hợp này, lãnh đạo nhà trường đã quá máy móc, không nhìn thấu đáo sự việc và cư xử không có tình người với thầy giáo".

Tiến Dũng

Nguồn Infonet: https://infonet.vn/thay-giao-bi-kiem-diem-vi-ban-khau-trang-lai-gan-10000-dong-luat-su-noi-gi-post333915.info