Thầy giáo '4D' đam mê khoa học

Với sự tận tâm trong nghề và niềm đam mê nghiên cứu khoa học, thầy giáo, Đại tá Hoàng Quang Chính, Chủ nhiệm Bộ môn Robot đặc biệt và Cơ điện tử (Khoa Hàng không Vũ trụ, Học viện Kỹ thuật Quân sự) đã gieo mầm đam mê khoa học tới đồng nghiệp và các học viên Học viện Kỹ thuật Quân sự. Thầy đã trở thành 'thần tượng' và là tấm gương để đồng nghiệp và học viên noi theo.

Nghe danh về thầy giáo, Đại tá Hoàng Quang Chính, chúng tôi nhờ một người bạn, đồng thời là đồng nghiệp của thầy sắp xếp một cuộc hẹn để tìm hiểu thông tin viết bài. Dẫn chúng tôi vào Bộ môn Robot đặc biệt và Cơ điện tử, người đồng nghiệp của thầy nhắc đi nhắc lại: “Anh Chính giản dị và khiêm tốn lắm. Dù có nhiều thành tích trong công tác giảng dạy và nghiên cứu khoa học, nhưng anh ít khi nói về bản thân mình”. Đúng như lời đồng nghiệp của thầy nói, thầy Chính đã khéo léo từ chối cuộc phỏng vấn với lý do: “Trong học viện còn nhiều người giỏi, có thành tích tốt, xứng đáng được tuyên dương hơn mình”. Thấy vẻ kiên quyết của thầy, chúng tôi đã nghĩ những dự định của chúng tôi thế là tiêu tan. May sao, được sự cổ vũ động viên của một đồng nghiệp, thầy Chính đã đồng ý gặp chúng tôi.

Người thầy “say” khoa học

Với dáng vẻ điềm đạm, giản dị, gần gũi, nụ cười hiền hậu, thầy Chính tiếp chúng tôi trong căn phòng nghiên cứu của bộ môn với ngổn ngang các đồ đạc cho chế tạo robot. Thầy mở đầu câu chuyện bằng cơ duyên đến với khoa học nói chung và với lĩnh vực robot và cơ điện tử nói riêng.

Năm 1993, cậu học viên năm thứ 3 đang học về chuyên ngành pháo tàu của Học viện KTQS được một người anh họ tặng 2 cuốn sách về cấu trúc và ghép nối máy tính. Đúng sở trường của Chính, ngặt một nỗi, cả 2 cuốn sách đều viết bằng tiếng Anh, một ngôn ngữ còn khá xa lạ với nhiều sinh viên thời bấy giờ. Một người bạn đã gợi ý Chính nên thuê người dịch để đỡ mất công nhưng Chính đã từ chối với lý do: “Nếu thuê người dịch mình có thể tiết kiệm được thời gian nhưng mình sẽ mất đi hai thứ: Tiền và kiến thức”. Nhận thức được ngoại ngữ là một trở ngại lớn đối với một người làm kỹ thuật bởi những thông tin cập nhật về những thành tựu khoa học công nghệ trên thế giới đều được viết bằng tiếng Anh, Chính đã bắt tay vào tự học và tự mình dịch tài liệu. Với niềm đam mê công nghệ và những kiến thức chắt lọc từ các tài liệu nước ngoài, Chính đã nhanh chóng trở thành một “cao thủ” về cấu trúc máy tính và lập trình ghép nối. Đến năm 1998, khi đang là giảng viên của Khoa Kỹ thuật điều khiển, trong một lần trao đổi chuyên môn, người thầy của Chính đã gợi ý Chính nên quan tâm đến lĩnh vực cơ điện tử. Câu chuyện của hai thầy trò năm ấy tưởng như chỉ dừng lại ở đó, vì lúc bấy giờ Chính đang theo đuổi lĩnh vực liên quan đến hệ thống điều khiển pháo tàu, trong khi đó thuật ngữ cơ điện tử còn quá mới mẻ không chỉ ở Việt Nam mà còn trên thế giới. Thế nhưng, cái duyên với cơ điện tử - robot đã đến với thầy Chính khi năm 2010, thầy được chuyển từ Khoa Kỹ thuật điều khiển sang Khoa Hàng không Vũ trụ và làm việc tại Bộ môn Robot đặc biệt và Cơ điện tử. Trong hơn 10 năm gắn bó với cơ điện tử, thầy Chính được đồng nghiệp và các thế hệ học viên của Học viện Kỹ thuật Quân sự mến mộ bởi sự tận tâm với nghiên cứu khoa học.

Thầy giáo, Đại tá Hoàng Quang Chính bên bàn làm việc tại Bộ môn Robot đặc biệt và Cơ điện tử.

Thầy giáo, Đại tá Hoàng Quang Chính bên bàn làm việc tại Bộ môn Robot đặc biệt và Cơ điện tử.

Nói về niềm đam mê công việc nghiên cứu của thầy Chính, Trung tá Nguyễn Anh Văn, Phó chủ nhiệm Bộ môn Robot đặc biệt và Cơ điện tử, người từng học nghiên cứu sinh cùng thầy Chính tại Nga và nay là một đồng nghiệp của thầy, đã nhận xét: “Anh Chính là con người của công việc, “say” khoa học. Cho đến ngày hôm nay, dù đã đảm nhiệm chức Chủ nhiệm Bộ môn nhưng anh vẫn dành phần lớn thời gian cho đam mê này. Anh làm việc miệt mài bất kể ngày nghỉ. Phòng làm việc của anh lúc nào cũng sáng đèn đến tận 8, 9 giờ tối”.

Ngày 7-4-2020 được xem là một ngày đặc biệt trong sự nghiệp của thầy Hoàng Quang Chính và đồng nghiệp khi sản phẩm robot y tế phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19, do thầy chủ trì về kỹ thuật đã được 100% thành viên tổ chuyên gia của Bộ Khoa học và Công nghệ thông qua, nhất trí kiến nghị Bộ Y tế xem xét cho phép sử dụng tại các cơ sở cách ly. Robot mang tên Vibot phiên bản 1a được chế tạo để vận chuyển thức ăn, thuốc men, nhu yếu phẩm… từ bên ngoài vào các buồng bệnh; vận chuyển rác thải sinh hoạt, rác thải y tế, đồ giặt... từ buồng bệnh ra khu tập kết và hỗ trợ giao tiếp từ xa giữa nhân viên y tế và bệnh nhân, từ đó hạn chế tiếp xúc trực tiếp giữa nhân viên y tế và các bệnh nhân. Sản phẩm đã được Bộ Khoa học và Công nghệ tặng bằng khen và đang chuẩn bị thử nghiệm giai đoạn 2.

Khi được hỏi về những ngày “chạy đua với thời gian” cho sản phẩm robot Vibot, thầy Chính chia sẻ, đó là những ngày “thử thách” và áp lực nhất đối với nhóm nghiên cứu. Cả đội đã làm việc xuyên đêm để đảm bảo tiến độ cấp trên đề ra, đồng thời đảm bảo robot hoạt động trơn tru trong quá trình vận hành. Nhắc tới kỷ niệm này, thầy Chính chỉ vào gói bánh quy bóc dở để trên bàn và nói: “Đây là đồ ăn ‘cứu đói’ cho anh em nhóm nghiên cứu trong những ngày chạy đua với thời gian để tạo ra đứa con tinh thần Vibot”.

Thầy Chính chợt nhớ lại những ngày đầu xây dựng và tổ chức cuộc thi MiniRobocon dành cho học viên, sinh viên của trường và các trường trên địa bàn Hà Nội. Chuyển về làm việc tại bộ môn nghiên cứu robot không lâu, thầy Chính đã trăn trở về việc tạo ta một sân chơi lành mạnh cho các học viên, sinh viên của khoa, để các em có thể áp dụng những kiến thức đã lĩnh hội được trên giảng đường vào thực tiễn, nâng cao tinh thần làm việc nhóm, xây dựng niềm đam mê nghiên cứu khoa học, trao đổi kinh nghiệm thiết kế, chế tạo robot nói riêng và các thiết bị khoa học công nghệ nói chung. Từ cơ sở vật chất sẵn có của Câu lạc bộ cơ điện tử ra đời vào năm 2003, thầy Chính và đồng nghiệp đã tổ chức thành công cuộc thi MiniRobocon đầu tiên cho sinh viên của khoa vào năm 2012. Sau nhiều lần tổ chức thành công, nhận thấy MiniRobocon là sân chơi bổ ích, năm 2015 lãnh đạo học viện đã quyết định nâng cuộc thi lên cấp học viện và được tổ chức thường xuyên cho học viên của trường. Từ một câu lạc bộ bị lãng quên nhiều năm, thầy Chính đã “hồi sinh” và biến nó trở thành một sân chơi năng động, bổ ích cho học viên, sinh viên. Cũng chính vì thế, các đồng nghiệp và nhiều thế hệ học viên, sinh viên của trường vẫn luôn nhớ tới thầy như “cha đẻ” của cuộc thi MiniRobocon.

Thầy giáo Hoàng Quang Chính (hàng cuối, thứ 3 từ trái sang) đồng nghiệp và học trò tại cuộc thi Minirobocon 2014.

Tận tâm với học trò

Với nhiều thành tích trong nghiên cứu, giảng dạy nhưng lại luôn giữ cách nói chuyện giản dị, khiêm tốn khi nói về mình: “Tôi có gì đâu, trong học viện còn nhiều tấm gương ưu tú lắm!”. Thầy Chính là người như thế, luôn nói về người khác trước khi nói về mình.

Hướng ánh mắt vào những mô hình tàu thủy, robot, được xếp ngay ngắn trên kệ, thầy Chính tự hào nói: “Đây là thành quả học tập của nhiều thế hệ học viên. Chúng là những kỷ niệm đẹp trong những năm giảng dạy của mình”. Cứ thế, trong câu chuyện với chúng tôi, ánh mắt thầy luôn sáng lên vẻ tự hào mỗi khi nhắc đến học trò cũ của mình: “Thầy nghèo mấy cũng được, nhưng cứ nhìn thấy những học trò của mình thành đạt, hạnh phúc, có nhiều cống hiến cho xã hội thì không còn gì vui hơn. Đó chính là niềm tự hào và niềm mong mỏi của một người thầy”. Qua những câu chuyện về những thế hệ học trò mà mình đã dìu dắt, chúng tôi thấy thầy Chính là người “có tay nuôi trò”, bởi dưới sự hướng dẫn của thầy, nhiều thế hệ sinh viên của trường đã gặt hái được thành công trong cuộc sống, được xã hội công nhận.

Là một đồng nghiệp của thầy Chính, Thiếu tá Trần Tuấn Trung chia sẻ: “Thầy Chính luôn tận tâm giúp đỡ bạn bè, đồng nghiệp, học trò một cách chân thành, không vụ lợi. Việc “giúp” trò ở đây không có nghĩa là thầy sẽ cho điểm cao, dễ dãi trong học tập mà đó là sự nghiêm khắc, tận tình chỉ bảo, sẵn sàng giải đáp mọi khúc mắc trong và ngoài giờ học. Thầy nhiều lần thức trắng để giúp học viên giải những bài toán kỹ thuật hóc búa mà không một lời kêu ca, phàn nàn”.

Thầy Chính (thứ 4 từ trái qua) trong buổi nghiệm thu đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ Quốc phòng.

Chính bởi sự nghiêm khắc trong rèn giũa học viên mà thầy Chính được học trò đặt cho biệt danh “Thầy giáo 4D”. Họ nói vui, 4D có nghĩa là “dạy, dỗ, dọa, diệt”. “Dọa” và “diệt” ở đây không có nghĩa là “trù dập” để học trò không tiến bộ được. Đối với những học viên không nghiêm túc trong học tập, thầy Chính đưa vào “danh sách đen” để “theo dõi đặc biệt”. Thầy sẽ lần lượt “truy bài” lần lượt từng thành viên trong danh sách cho đến khi học viên chứng minh được mình đã nắm chắc được kiến thức. Cứ như thế cho đến học viên cuối cùng. Cũng nhờ sự nghiêm khắc đó mà học viên nào của thầy khi ra trường cũng tự tin bước vào đời với khối hành tranh kiến thức vững chắc của mình.

Nhiều thế hệ học trò hoàn thành sự nghiệp học tập, ra trường và theo đuổi những công việc mình yêu thích. Nhưng mỗi lẫn nhắc đến thành tựu trong công việc, cuộc sống, người đầu tiên mà họ luôn nhớ đến đó chính là thầy Chính. Sự nghiêm khắc trên giảng đường, những buổi tối miệt mài đến quên ăn cùng học trò bên những bài thi của thầy đã trở thành một phần ký ức khó quên trong quãng đời sinh viên, học viên của biết bao thế hệ học trò.

Vốn là một học trò, sau này lại vinh dự được là đồng nghiệp, Thiếu tá Hoàng Văn Tiến đã có những chia sẻ về thầy Chính với tất cả sự kính trọng: “Trong công tác giảng dạy và hướng dẫn nghiên cứu, thầy Chính luôn đặt ra yêu cầu cao về thái độ học tập của học viên, sinh viên. Thời gian học tập dưới sự giảng dạy của thầy, mọi sinh viên đều phải chuẩn bị bài nghiêm túc với sự chủ động cao. Họ thực sự sợ cái uy, sự nghiêm khắc của thầy. Nhưng sau này khi ra trường và trưởng thành, chúng tôi đều nhớ và biết ơn sự nghiêm khắc đó. Là người anh “đầu đàn” về chuyên môn, kinh nghiệm nghiên cứu giảng dạy, thầy Chính luôn đưa ra những lời khuyên, định hướng và dìu dắt, nhờ đó, hầu hết giáo viên trẻ trong bộ môn đã có được sự phát triển nhanh và đúng hướng, góp phần giúp bộ môn có được đội ngũ mạnh về chuyên môn và học thuật”.

Thầy giáo, Đại tá Hoàng Quang Chính giới thiệu sản phẩm của đề tài nghiên cứu, chế tạo robot y tế giai đoạn 2.

"Phải làm được thì mới nói được, bản thân cũng phải giỏi trước thì mới nói được sinh viên”, với thầy Chính, đó là tiêu chí để tự rèn bản thân mình. Tiêu chí đó được cụ thể hóa ngay từ tinh thần tự học tiếng Anh thời còn là sinh viên hay trong quá trình nghiên cứu lĩnh vực chuyên môn của thầy. Cuộc sống của thầy Chính là một chuỗi ngày của sự nỗ lực và gương mẫu, đặc biệt, làm lãnh đạo thì càng phải làm gương. Thầy vẫn thường nói với sinh viên của mình: “Cuộc sống tốt đẹp hay không là do nỗ lực của bản thân. Trí tuệ chính là con đường ngắn nhất để thay đổi vận mệnh của mình”. Những bằng khen, giấy khen của lớp lớp sinh viên chính là phần thưởng to lớn cho người thầy luôn “lăn lộn” cùng sinh viên những lúc khó khăn.

Trong mắt đồng nghiệp, thầy Chính không chỉ là người giỏi chuyên môn, sống giản dị, khiêm tốn mà còn là người tích cực "truyền lửa'' đam mê và “nâng đỡ” các đồng nghiệp trẻ trong những năm đầu bước vào nghề. Khi đội ngũ giáo viên trẻ còn chưa đủ mạnh, thầy Chính sẵn sàng giúp đỡ các giờ dạy để họ có thêm thời gian trau dồi kiến thức, hoàn thiện kỹ năng giảng dạy. Có lẽ chính vì lẽ đó mà thầy Chính luôn kín lịch giảng dạy.

Rời phòng làm việc, chúng tôi được thầy Chính dẫn đi tham quan những robot Vibot-2 của đề tài cấp quốc gia mà nhóm nghiên cứu của thầy đang thực hiện. Chúng tôi tin chắc rằng với sự đam mê, nhiệt huyết và cái “tâm” với nghề, thầy Chính sẽ tạo ra các thế hệ sĩ quan kỹ sư có năng lực cho quân đội và có nhiều công trình nghiên cứu để góp phần trong công cuộc xây dựng quân đội hiện đại.

Bài và ảnh: TƯỜNG VY - TRẦN HOÀI

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/ho-so-su-kien/cuoc-thi-viet-nhung-tam-guong-binh-di-ma-cao-quy-lan-thu-12/thay-giao-4d-dam-me-khoa-hoc-655064