Thấy gì từ xét xử hàng loạt vụ án liên quan ngân hàng?

Nghề ngân hàng hiện nay không còn 'hot' như cách đây chục năm về trước. Nhiều nhân sự làm trong ngành đang tìm cách tháo chạy sang ngành khác. Nhiều bậc phụ huynh đang công tác trong ngành này cũng không muốn con cái theo làm trong ngành của mình.

Các bị cáo nguyên là cán bộ, lãnh đạo Navibank tại phiên tòa phúc thẩm. Ảnh: Dũng Phạm/Zing.vn

Phiên tòa xét xử các sai phạm xảy ra tại ngân hàng Navibank kết thúc vào hôm qua đã chính thức khép lại chuỗi vụ án siêu lừa Huyền Như chiếm đoạt 4.000 tỷ đồng từ các ngân hàng kéo dài nhiều năm qua. Với kết quả tuyên án các bị cáo thuộc ngân hàng Navibank, cũng như hàng loạt vụ án liên quan đến hoạt động ngân hàng đem ra xét xử gần đây, nghề ngân hàng giờ đây trở thành một trong những nghề đối mặt với rủi ro pháp lý lớn nhất.

Hết thời

Đã qua lâu rồi cái thời mà ai ai cũng muốn vào làm ngân hàng, nhà nhà đều hướng con cái theo học ngành tài chính ngân hàng. Công cuộc tái cấu trúc ngành ngân hàng bắt đầu từ năm 2011 cho đến nay đã làm lộ ra nhiều mảng tối trong hoạt động của các ngân hàng, với hàng loạt sai phạm được khui ra, kéo theo nhiều quan chức, lãnh đạo và cán bộ nhân viên ngân hàng phải ra đứng trước vành móng ngựa.

Nhiều năm trước đây nghề ngân hàng được gắn liền với hình ảnh “ngồi mát ăn bát vàng”, kiếm tiền dễ như chơi, thưởng cuối năm vài chục tháng lương, tiền khách hàng cho xài không hết. Giờ đây nói đến nhân viên ngân hàng là hình ảnh những người chạy bạc mặt ngoài đường để tìm kiếm lôi kéo khách hàng, hết giờ giao dịch phải làm báo cáo đến tối mịt, thu nhập thì cũng không còn thuộc dạng cao ngất so với những ngành khác như những thập niên trước.

Đáng kể nhất là rủi ro pháp lý luôn “kè kè” có thể ập đến bất cứ lúc nào, dù công nghệ quản lý đã hiện đại hơn xưa, quy trình quy định cũng chặt chẽ hơn trước đây rất nhiều, công tác giám sát, thanh kiểm tra cũng thường xuyên hơn. Tuy nhiên, những rủi ro đạo đức, rủi ro từ khách hàng, từ các yếu tố khách quan lẫn chủ quan và thậm chí từ vị lãnh đạo trực tiếp của mình đã kéo không ít cán bộ phải vướng vào vòng lao lý.

Trong bối cảnh này, nghề ngân hàng hiện nay không còn ‘hot' như cách đây chục năm về trước. Không chỉ thể hiện qua số lượng thí sinh chọn theo học ngành ngân hàng giảm sút so với trước đây, mà ngay cả nhiều bậc phụ huynh đang công tác trong ngành này cũng không muốn con cái theo đuổi sự nghiệp của mình, mà hướng đến những ngành khác, vốn ít đối mặt với rủi ro hơn.

Thậm chí, số lượng nhân sự đang hoạt động trong ngành ngân hàng cũng dần quyết định rời bỏ, chấp nhận mạo hiểm dấn thân sang những ngành nghề khác, lựa chọn làm việc trong các doanh nghiệp dù biết rằng mọi sự khởi đầu mới không phải là điều dễ dàng. Tuy nhiên, để tâm lý luôn thoải mái và thoát khỏi những áp lực từ KPI “trên trời” cho đến rủi ro khi tổ chức tái cấu trúc, thì việc quyết định “ra đi đầu không ngoảnh lại” trở thành lựa chọn của không ít người.

Nhân sự tháo chạy

Làm sao có thể có được cảm giác an toàn khi ngay cả những quan chức lãnh đạo thuộc hàng cao nhất của ngành cũng có lúc bị đưa ra xét xử. Những ông chủ nhà băng hét ra lửa một thời rồi cũng đến lúc ra trước vành móng ngựa. Và mỗi cán bộ nhân viên có thể bị liên lụy bất cứ lúc nào, đôi khi chỉ vì chủ quan, sơ sót hay quá cả tin vào đồng nghiệp của mình để dẫn đến hậu quả khôn lường.

Hay như vụ án tại Navibank vừa qua, ngay cả một trưởng phòng pháp chế dày dạn kinh nghiệm và kiến thức đầy mình về pháp luật cũng không thể thoát khỏi vòng lao lý. Nỗi lo sợ rủi ro cứ luôn rình rập thì còn đâu chỗ cho các ý tưởng sáng tạo hình thành, hay những hành động mạnh dạn có tính đột phá?

Cuộc sống vẫn xoay quanh cơm áo gạo tiền, nhưng không có nghĩa là ai cũng có thể đánh đổi bằng mọi thứ. Làm việc trong một ngành mà cứ phải đối mặt với những đợt tái cấu trúc, những vụ án đưa ra xét xử thường xuyên, các thương vụ lừa đảo vẫn xảy ra như cơm bữa, công tác báo cáo cho các cơ quan quản lý dày đặc, cạnh tranh lôi kéo khách hàng bằng đủ mọi chiêu trò, chỉ tiêu được giao cứ tăng mải miết qua từng năm, thì đến một lúc nào đó ngay cả những người dẻo dai nhất cũng cảm thấy kiệt sức.

Huống chi những người làm việc trong ngành ngân hàng, đặc biệt là tại các bộ phận tiếp xúc thường xuyên với tiền, thì càng phải giữ cho mình được sự tỉnh táo, không bị lòng tham làm mờ mắt để kéo theo những sai phạm nối tiếp sai phạm.

Vốn là ngành xương sống trong nền kinh tế, chịu trách nhiệm thu hút và cung ứng vốn cho các ngành nghề khác, cho nên việc quản lý chặt chẽ ngành ngân hàng là điều cần thiết. Bất kỳ những sự kiện nào của ngành ngân hàng cũng đều được xã hội quan tâm và đem ra mổ xẻ, do đó những áp lực mà cán bộ nhân viên trong ngành phải đối mặt là vô cùng lớn. Áp lực từ chính các cơ quan quản lý, từ khách hàng, từ các đối tượng lừa đảo và cũng từ chính các đối thủ cạnh tranh.

Ngành ngân hàng đang tiếp tục giai đoạn tái cấu trúc lần 2. Chính phủ cũng vừa ban hành Chiến lược phát triển ngành định hướng đến năm 2030, theo đó các thương vụ M&A sẽ tiếp tục là trọng tâm. Và trong một giai đoạn tái cấu trúc như thế, với mục tiêu thu hẹp số lượng các ngân hàng, thì nỗi lo lắng về ảnh hưởng của công cuộc tái cấu trúc đến vị trí, công việc, hay các sai phạm chưa được đưa ra ánh sáng sẽ còn tiếp tục đeo đuổi mỗi cá nhân. Và trong tình hình đó, làn sóng rời bỏ ngành có thể sẽ chưa dừng lại.

MẪN NHI

Nguồn TGTT: http://thegioitiepthi.vn/p/thay-gi-tu-xet-xu-hang-loat-vu-an-lien-quan-ngan-hang-10370.html