Thấy gì từ việc triển khai quân đội Mỹ tại Bắc Australia?

Năm 2011, Tổng thống Mỹ khi đó là Barack Obama và các quan chức hàng đầu nước này đã tuyên bố 'xoay trục' về châu Á, trong đó đưa ra các sáng kiến triển khai quân đội Mỹ ở Australia. Trong bài viết đăng trên trang mạng của Viện Chính sách Chiến lược Australia gần đây, tác giả Michael Crane, Thiếu tướng quân đội Australia nhận định, việc triển khai quân đội Mỹ tại Bắc Australia kể từ năm 2011 tuy chậm nhưng chắc.

Hai sáng kiến triển khai binh lính có thời hạn

Theo Thiếu tướng Michael Crane, lợi ích của Mỹ xuất phát từ chính sách “xoay trục” sang Đông Á của cựu Tổng thống Barack Obama, tức là dịch chuyển mối quan tâm và nguồn lực của Mỹ từ Trung Đông sang châu Á-Thái Bình Dương. Thay vì chính sách đặt căn cứ lâu dài của thời Chiến tranh Lạnh, Mỹ áp dụng cách thức mới là triển khai binh lính có thời hạn tại các nước.

Các sáng kiến triển khai lực lượng quân đội Mỹ ở Bắc Australia được công bố vào tháng 11-2011. Theo đó, triển khai lính thủy đánh bộ Mỹ ở Darwin và các khu vực khác ở Bắc Australia trong 6 tháng mỗi năm và tăng dần số lượng máy bay tại khu vực này. Cụ thể, sáng kiến triển khai lực lượng lính thủy đánh bộ ở Darwin (MRF-D) nhằm thiết lập một lực lượng đặc nhiệm lên tới 2.500 lính thủy đánh bộ Mỹ ở Bắc Australia. Từ mức khiêm tốn ban đầu chỉ có 200 lính trong năm 2012, lực lượng này đã tăng dần cả về quy mô và số lượng. Đến năm 2018, lực lượng này đã lên đến gần 1.000 người với các thiết bị quân sự hiện đại nhất.

Trong khi đó, sáng kiến đẩy mạnh hợp tác phòng không (EAC) ban đầu được coi là việc mở rộng các hoạt động song phương ở Bắc Australia, nhưng chưa có nhiều nội dung thông tin chi tiết. Các hoạt động này được triển khai một cách thực chất hơn từ năm 2017 khi Bộ Quốc phòng Australia lần đầu tiên công bố chi tiết các loại máy bay Mỹ ghé thăm nước này và tính chất các hoạt động huấn luyện trong khuôn khổ EAC. Bộ Quốc phòng Australia nhấn mạnh, EAC không chỉ đơn thuần là về máy bay mà còn là sự phối hợp hậu cần.

 Lực lượng lính thủy đánh bộ của Mỹ ở Australia. Ảnh: aspistrategist.org.au.

Lực lượng lính thủy đánh bộ của Mỹ ở Australia. Ảnh: aspistrategist.org.au.

Tướng Michael Crane cho biết, hai sáng kiến trên lúc đầu bị chi phối bởi thỏa thuận về các lực lượng quân đội Mỹ ở Australia ký năm 1963. Tuy nhiên kể từ năm 2014, thỏa thuận mới về triển khai lực lượng giữa hai nước đã tạo ra khuôn khổ pháp lý, chính sách và tài chính cho các sáng kiến này. Tham gia thỏa thuận trên, mục tiêu của Australia là làm sâu sắc hơn quan hệ đồng minh Mỹ-Australia-New Zealand, cải thiện sự phối hợp hành động giữa lực lượng quốc phòng Australia với các lực lượng Mỹ và duy trì các kỹ năng chiến đấu của lực lượng quốc phòng Australia thông qua huấn luyện nâng cao, cũng như tạo cơ hội phối hợp với Mỹ và các đối tác trong việc chuẩn bị cho các tình huống như trợ giúp nhân đạo và cứu nạn.

Chậm nhưng chắc

Hiện nay, mặc dù Mỹ không còn sử dụng thuật ngữ “xoay trục”, song chiến lược an ninh quốc gia của Tổng thống đương nhiệm Donald Trump công bố năm 2017 vẫn là sự tiếp nối chính sách này khi tiếp tục coi trọng khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương cũng như cam kết duy trì hiện diện quân sự trong khu vực. Về mặt tác chiến, Bắc Australia là khu vực huấn luyện rộng nhất, hiện đại nhất cho quân đội Mỹ.

Tuy nhiên, việc triển khai các sáng kiến giữa hai nước vẫn khá chậm và gặp phải một số khó khăn. Trong năm 2018, mục tiêu luân chuyển 2.500 quân vẫn chưa thể đạt được và các hoạt động EAC mới chỉ bắt đầu. Đàm phán về chia sẻ kinh phí cũng diễn ra chậm và chỉ mới được hoàn tất.

Dù các sáng kiến này vẫn chưa được triển khai triệt để, tuy nhiên, không thể phủ nhận việc Australia đã nhận được một số lợi ích. Một là, Australia đã thành công trong việc tăng cường sự hiện diện của Mỹ tại khu vực với số lượng và quy mô ngày càng tăng và quan trọng hơn là Mỹ giữ cam kết với khu vực. Hai là, liên minh Mỹ-Australia-New Zealand (ANZUS) được củng cố bởi thỏa thuận mới năm 2014. Huấn luyện và các hoạt động hợp đồng tác chiến được tăng cường và ngày càng cải thiện. Ba là, hạ tầng mới và các biện pháp hỗ trợ sự hiện diện của quân đội Mỹ giúp nâng cao năng lực cho Australia, nhất là trong các công việc như tiếp dầu và bảo quản vũ khí. Lãnh đạo các cộng đồng địa phương Bắc Australia cũng hoan nghênh và ủng hộ mạnh mẽ những đóng góp về kinh tế trong vùng thông qua sự hiện diện của quân đội Mỹ.

Đối với phía Mỹ, giá trị hàng đầu của các sáng kiến là đóng góp về mặt quân sự ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Đây cũng là lời cam kết mạnh mẽ của Mỹ đối với Australia và liên minh ANZUS. Tuy vậy, chưa có kế hoạch rõ ràng cho việc mở rộng các sáng kiến trên. Không có nhiều lý do để quân đội Mỹ hiện diện tại Australia trong cả năm do mùa mưa ngăn cản các hoạt động quân sự và trong bất cứ trường hợp nào sự có mặt thường trực cũng không thể chấp nhận được về mặt chính trị đối với cả hai bên bờ Thái Bình Dương. Khả năng hoạt động của hải quân cũng bị giới hạn rất nhiều do năng lực hạ tầng hải quân ở Darwin còn hạn chế.

Trong thời gian tới, hai bên sẽ tập trung thúc đẩy hợp tác trên bộ và không quân theo các sáng kiến MRF-D và EAC để đạt được các chỉ tiêu đề ra và hoàn thành việc xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ các hoạt động hợp tác này. Cho dù phải kéo dài thời gian triển khai thêm 10 năm nữa, các sáng kiến này vẫn đáp ứng được lợi ích nhu cầu của cả Mỹ, Australia và nhiều nước trong khu vực.

BÌNH NGUYÊN

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/quan-su-the-gioi/khoa-hoc-quan-su/thay-gi-tu-viec-trien-khai-quan-doi-my-tai-bac-australia-570136