Thấy gì từ việc chậm cấp phép 7.000 hồ sơ y tế tồn đọng

Tâm lý, chuyên gia thẩm định 'sợ' mắc lỗi, thiếu nguồn nhân lực và cơ chế 'dài hơi' là những cái thiếu để 7.000 hồ sơ y tế cấp phép trang thiết bị y tế đang tồn đọng, trong đó nhiều hồ sơ đã nộp từ rất lâu chưa được xét.

Theo ông Nguyễn Tử Hiếu, Phó Vụ trưởng Vụ Trang thiết bị và công trình y tế (Bộ Y tế) cho biết: “Đối với các chuyên viên tại Vụ Trang thiết bị và công trình y tế hiện chỉ có 7 chuyên viên trực tiếp làm công tác quản lý, xử lý hồ sơ. Ngoài thẩm định hồ sơ, các chuyên viên còn phải kiêm nhiệm nhiều nhiệm vụ khác. Tuy nhiên, do số lượng hồ sơ nhiều, trong thời gian qua đã xảy ra một số vụ việc dẫn đến có tâm lý e ngại trong việc đọc và thẩm định hồ sơ của các chuyên gia độc lập. Bên cạnh đó, nguồn nhân lực trực tiếp làm công tác quản lý, xử lý hồ sơ tại Bộ Y tế rất thiếu".

Nhiều cơ sở y tế thiếu trang thiết bị phục vụ người bệnh (ảnh minh họa).

Nhiều cơ sở y tế thiếu trang thiết bị phục vụ người bệnh (ảnh minh họa).

"Tuy nhiên, đây chỉ là những giải pháp "tức thời", có hiệu lực trong thời gian ngắn. Các cơ sở y tế mong muốn có biện pháp "dài hơi", ổn định để chấm dứt triệt để tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế, để cả người bệnh lẫn bác sĩ đều yên tâm khám chữa bệnh. Chính sách muốn bền vững phải thông qua hành lang pháp lý. Hoàn thiện hành lang pháp lý là 1 trong 6 nhiệm vụ hàng đầu mà ngành y tế đặt ra trong năm 2023", ông Đức nói.

Chia sẻ thêm về giải pháp xử lý tồn đọng hồ sơ xin giấy phép đăng ký lưu hành trang thiết bị y tế, TS. Hà Anh Đức, Chánh văn phòng Bộ Y tế cho biết: Bộ Y tế cũng đang đề xuất tăng phí thẩm định cho chuyên gia để thỏa đáng, vì đây không phải công việc nhẹ nhàng mà có tính trách nhiệm cao...

Cần xem xét lại việc tự chủ bệnh viện (ảnh minh họa).

Không chỉ thiếu các chuyên viên thẩm định, đối với ngành trang thiết bị y tế hiện nay, tâm lý e ngại về thẩm định giá hồ sơ y tế cũng đang trở thành rào cản vô hình chung đối với các chuyên gia.

Theo bà T.H.N. nhân viên phòng Kế hoạch Tổng hợp một bệnh viện cho biết: “Tham gia xây dựng giá, tổ chức đấu thầu mới thấy nhiều bất cập. Giá cả là thứ khó kiểm soát nhất, nhà thầu tham dự hồ sơ giấy tờ nhiều, rồi các vấn đề quen biết, quan hệ… vẫn đang diễn ra. Mà làm thầu sai thì nhân viên y tế lại chịu trách nhiệm nên hiện nay chúng tôi rất ngại đấu thầu”.

Thực tế cho thấy, nhân viên y tế với vai trò chính là khám, chữa bệnh, nhưng giờ đang phải kiêm nghiệm thêm cả kinh doanh và pháp luật. Theo chị N. cho biết: “Nhiều khi tôi đang soạn hợp đồng thì phải mổ cho bệnh nhân trong ca trực, mổ sợ sai thì làm hợp đồng cũng sợ sai, quá áp lực. Trong khi đó, thiết bị phục vụ bệnh nhân ngày một thiếu, bộ áo mổ đã mủn cả ra vẫn chưa có đồ mới, bé như cái khẩu trang cũng còn thiếu”.

Cũng đã đến lúc, cần có những giải pháp để tháo gỡ cho ngành Y tế, có hay không việc tự chủ bệnh viện đã đến lúc cần được xem xét lại.

“Bộ Y tế sẽ xây dựng, kiến nghị, đề xuất sửa đổi nhiều Luật có liên quan như Luật Đấu thầu sửa đổi, Luật Dược sửa đổi, Luật Giá, xây dựng Luật Trang thiết bị, Nghị định về tự chủ, xã hội hóa trong lĩnh vực y tế... Khi các vấn đề được Luật hóa thì các giải pháp sẽ được bền vững hơn", ông Đức cho biết.

Nghĩa Hiệp

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/thay-gi-tu-viec-cham-cap-phep-7000-ho-so-y-te-ton-dong-5714355.html