Thấy gì từ trường học đã cho học sinh dùng điện thoại trong 5 năm qua?

Dù còn nhiều ý kiến trái chiều xung quanh quy định cho phép học sinh trung học được sử dụng điện thoại trong giờ học. Song, tại nhiều trường học đã cho phép học sinh sử dụng điện thoại vào học tập trên lớp từ nhiều năm nay đã thu lại kết quả tích cực.

Học sinh Trường THPT Nguyễn Du (TP HCM) sử dụng điện thoại thông minh trong giờ học từ năm 2016 đến nay. Ảnh: N.D

Học sinh Trường THPT Nguyễn Du (TP HCM) sử dụng điện thoại thông minh trong giờ học từ năm 2016 đến nay. Ảnh: N.D

Nơi cấm cản, nơi nới lỏng

Không chỉ Việt Nam, ngay tại nhiều quốc gia giáo dục tiên tiến cũng đã có nhiều tranh luận, xem xét việc cho học sinh được hay không được sử dụng điện thoại trong trường học, lớp học. Theo ghi nhận, tại các nước, Anh, Pháp, Thái Lan… đã cấm học sinh sử dụng điện thoại trong lớp vì lo lắng các em dễ bị phân tâm, ảnh hưởng tới kết quả học tập. Nhưng cũng có một số quốc gia cho phép nhưng chỉ dừng lại ở mức hạn chế như Nhật Bản chẳng hạn. Tháng 7/2020 vừa qua, học sinh cấp 2, 3 của Nhật Bản được phép mang điện thoại đến trường để liên lạc trong các trường hợp khẩn cấp. Sau khi tới trường, các em được yêu cầu để điện thoại vào tủ cá nhân.

Tại một số quốc gia khác cũng đã nới lỏng việc cho phép học sinh dùng điện thoại trong trường học, lớp học. Cụ thể, như ở Đức, học sinh được mang điện thoại đến trường và sử dụng trong giờ học khi được phép của giáo viên. Học sinh nào để điện thoại có chuông hoặc tin nhắn cá nhân trong giờ học thì bị xử lý và vi phạm nội quy lớp học. Trong giờ nghỉ, học sinh có quyền sử dụng điện thoại cá nhân. Còn tại Trung Quốc cho phép học sinh sử dụng điện thoại ở trường học, số học sinh tiểu học và THCS sở hữu điện thoại thông minh tại nước này là rất lớn và phổ biến.

Ngay tại Việt Nam, một số trường trung học ở các thành thị đã linh hoạt trong việc cho phép và khuyến khích học sinh sử dụng laptop, máy tính bảng, điện thoại thông minh phục vụ việc học. Đơn cử, Trường Phổ thông Song ngữ liên cấp Wellspring Hà Nội từ lâu đã đẩy mạnh công nghệ thông tin vào dạy học, thông qua các ứng dụng, phần mềm như: Email, Google Classroom, Facebook Social Learning, Microsoft Office 365 Teams, Edmodo… Học sinh truy cập, học tập, nghiên cứu nhóm thông qua các thiết bị điện tử kết nối Internet, trong đó có Smathphone. Nhờ đó, trong suốt thời gian ảnh hưởng của dịch COVID-19 học sinh của trường hoàn toàn thích nghi ngay với việc học tập trực tuyến.

Là trường cởi mở và linh hoạt cho học sinh dùng điện thoại di động, thầy Vũ Ngọc Hảo - Hiệu trưởng Trường Phổ thông Hermann Gmeiner (quận Cầu Giấy, Hà Nội) cho hay: "Từ trước đến nay, trường không cấm tuyệt đối các em trong trường sử dụng điện thoại, nhưng nhà trường có yêu cầu các em dùng hợp lý, an toàn trên mạng. Tại trường Hermann Gmeiner đã có giáo viên cho học sinh được sử dụng điện thoại phục vụ học tập".

Kênh tham khảo những kiến thức ngoài sách vở

Là 1 trong 3 trường tại TP HCM theo mô hình trường học tiên tiến hội nhập quốc tế, từ năm 2016 đến nay, Trường THPT Nguyễn Du (Quận 10, TP HCM) đã cho phép học sinh dùng điện thoại thông minh trong lớp học và thu được kết quả tích cực. Thầy Huỳnh Thanh Phú - Hiệu trưởng nhà trường cho biết, suốt 5 năm qua trường đã cho phép học sinh sử dụng điện thoại thông minh trong lớp học để phục vụ học tập, học nhóm dưới sự yêu cầu, cho phép của giáo viên để tra cứu hoặc đề cập đến vấn đề thảo luận. Trường cũng đã áp dụng việc kiểm tra thông qua phần mềm thực hiện trên máy tính, điện thoại… cũng rất hiệu quả. Trường hợp sử dụng điện thoại di động không được giáo viên cho phép, nếu giáo viên hoặc bộ phận quản lý học sinh phát hiện được sẽ "giam" điện thoại đến hết một học kỳ, nên học sinh rất sợ và không dám vi phạm.

Theo thầy Huỳnh Thanh Phú, trong các môn học đều phát sinh những yếu tố ngoài sách vở. Đơn cử, khi nói về sự ác độc của Hoạn Thư trong trích đoạn Truyện Kiều, giáo viên nói chưa thể lột tả hết được. Nhưng khi mở trích đoạn trên cải lương, học sinh thấy hết được sự rùng rợn, tàn bạo của nhân vật này. Hay ngay cả cơn bão vừa qua, thầy trò mở trên mạng thấy được quy mô, đường đi và tầm ảnh hưởng của cơn bão… Ngoài kiến thức, đó còn là các kỹ năng cần thiết trong cuộc sống và khơi dậy xúc cảm tình yêu quê hương, đất nước và thương cảm đồng bào trong bão lũ. Hay không thể đủ những hóa chất để làm phản ứng hóa học có thể xem trên mạng và thực hành… Việc sử dụng điện thoại để hỗ trợ đã làm cho tiết học khơi dậy đam mê, yêu cuộc sống, yêu môn học.

Trước những nghi ngại học sinh sử dụng vào mục đích riêng trong lớp học, thầy Phú cho rằng, suy nghĩ như vậy là chưa phù hợp, bởi học sinh dùng hay không đều dưới sự cho phép, hướng dẫn của giáo viên. Nếu vi phạm, đã có các quy định của nhà trường để xử lý. Nhà trường, giáo viên cần có cái nhìn tích cực để hướng đến mục tiêu nâng cao chất lượng giáo dục, chứ chỉ nhìn vào khó khăn, lo ngại thì không thể làm điều gì thay đổi được. Thấy tiêu cực là không muốn làm. Việc để thầy cô hướng dẫn học sinh sử dụng điện thoại văn minh sẽ hơn là để các em tự lén lút sử dụng, truy cập vào các trang web xấu. Biến điện thoại thông minh thành một dụng cụ học tập, có chế tài quản lý tốt.

"Việc truy cập là không cần thiết phải mỗi em một cái, mà cả lớp chỉ cần 4-5 em dùng chung một chiếc là đủ và không phải lúc nào các em cũng dùng nên không đáng lo lắng về việc để xảy ra hiện tượng ép buộc mua sắm điện thoại hay học sinh đòi hỏi phải có điện thoại đắt tiền. Bên cạnh đó, nhà trường cần quan tâm nâng cao hệ thống hạ tầng, đường truyền Internet để học sinh truy cập dễ dàng. Đã đến lúc phải nâng cao ý thức. Minh chứng rõ nét là tại trường THPT Nguyễn Du sau 5 năm áp dụng tất cả học sinh, phụ huynh ủng hộ", thầy Huỳnh Thanh Phú chia sẻ thêm.

Trước những ý kiến trái chiều về quy định học sinh trung học được sử dụng điện thoại trong lớp học (Thông tư 32/2020/TT-BGDĐT của Bộ GD&ĐT), đại diện Bộ GD&ĐT thông tin, tuy không cấm nhưng không đồng nghĩa là các em học sinh được dùng điện thoại trên lớp vào việc gì cũng được mà không có sự giám sát, cho phép của giáo viên. Đây cũng chính là phương pháp, kỹ thuật dạy học tích cực giáo viên phải sử dụng để đáp ứng yêu cầu dạy học phát triển phẩm chất, năng lực học sinh. Căn cứ từng bài học cụ thể, nếu thấy không nhất thiết cần đến điện thoại, thầy cô giáo có thể yêu cầu học sinh không được dùng điện thoại.

Quang Anh

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/giao-duc/thay-gi-tu-truong-hoc-da-cho-hoc-sinh-dung-dien-thoai-trong-5-nam-qua-20200923151921653.htm