Thấy gì từ thất bại COP25?

Hội nghị thượng đỉnh Liên Hiệp Quốc về biến đổi khí hậu (COP25) vừa kết thúc tại Madrid (Tây Ban Nha) ngày 15-12-2019, chỉ đạt được kết quả tối thiểu. Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres nói rằng, ông thất vọng về kết quả của COP25, cơ hội quan trọng để cứu trái đất đã bị bỏ lỡ.

Trước khi diễn ra COP25, Liên minh châu Âu (EU) khẳng định tham vọng đạt được mức trung hòa carbon vào năm 2050, nghĩa là lượng khí carbon do con người và các hoạt động của con người thải ra cân bằng với lượng hấp thụ khí thải này của các bể chứa carbon. Bể chứa carbon tự nhiên là những cánh rừng hoặc sinh vật dưới đại dương. Bể chứa carbon nhân tạo là những giếng hấp thụ bằng các công nghệ do con người tạo ra. Nhưng theo Nghị viện châu Âu, đến nay vẫn không có bể chứa carbon nhân tạo nào có thể loại bỏ carbon khỏi khí quyển với quy mô cần thiết... Điều này đồng nghĩa với việc con người phải giảm phát thải carbon, thực tế là từ bỏ nhiên liệu hóa thạch.

Thấy gì từ thất bại COP25?

Thấy gì từ thất bại COP25?

Thành công ngoại giao của COP21

Sau thất bại của Nghị định thư Kyoto và COP15 tại Copenhagen (Đan Mạch), thế giới thấy rằng cần phải “cứu” COP. COP21 được tổ chức tại Paris (Pháp) vào cuối năm 2015, là một thành công ngoại giao, 194 quốc gia tham gia được đối xử bình đẳng, dẫn đến sự thống nhất của tất cả các nhà lãnh đạo trên thế giới với văn kiện COP21. Vai trò quyết định thành công của COP21 thuộc về Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Pháp khi ấy, Laurent Fabius. Nhưng điều này lại do sự nhận thức đúng đắn của Tổng thống nước chủ nhà François Hollande. Ông hiểu rằng, COP21 là vấn đề ngoại giao hơn là môi trường, do đó, ông đề nghị Bộ trưởng Ngoại giao dẫn dắt các cuộc đàm phán thay vì Bộ trưởng Môi trường, Ségolène Royal.

Các phương tiện truyền thông đã tiếp sức cho những nỗ lực ngoại giao này. Đức Giáo hoàng Francis cũng đóng góp với chủ trương ủng hộ mạnh mẽ cuộc chiến chống biến đổi khí hậu. Sự tham gia của các ngôi sao như Leonardo Di Caprio đã giúp truyền tải thông điệp môi trường đến với mọi người. COP21 được ví như Tuyên ngôn quốc tế về nhân quyền năm 1948. Kết quả được tất cả mọi người hoan nghênh và Tổng thống Pháp François Hollande tuyên bố trên Twitter rằng, “thật hiếm khi trong đời có cơ hội thay đổi thế giới để hành tinh này được sống”.

Nhưng cái giá phải trả để tránh thất bại cho COP21 là rất cao. Thỏa thuận về biến đổi khí hậu Paris là một danh mục những ý định tốt, không có bất kỳ sự ràng buộc pháp lý nào, vì vậy, có mọi lý do để tin rằng việc thực hiện nó sẽ không mang lại bất kỳ kết quả nào. Đó là một thỏa thuận trống rỗng.

Sự trống rỗng của Thỏa thuận Paris

Một số người khẳng định rằng, Thỏa thuận Paris có giá trị ràng buộc vì nó chứa 141 điều khoản “phải” và 41 điều khoản “nên”. Tuy nhiên, phân tích các điều khoản thỏa thuận sẽ biết được nó có ràng buộc hay không. Hầu hết các điều khoản “phải” đều liên quan đến nghĩa vụ hành chính của các quốc gia thành viên (báo cáo, hoạt động của các tổ chức liên quan, tố tụng...) Ngược lại, những điều khoản “nên” lại chủ yếu đề cập đến nội dung của thỏa thuận.

Sau thất bại của Nghị định thư Kyoto và COP15 tại Copenhagen (Đan Mạch), thế giới thấy rằng cần phải “cứu” COP. COP21 được tổ chức tại Paris (Pháp) vào cuối năm 2015, là một thành công ngoại giao, 194 quốc gia tham gia thống nhất với văn kiện COP21.

Ngoài ra, không có quyền tài phán quốc tế nào có khả năng kết án một bên không hoàn thành nghĩa vụ của mình với Thỏa thuận Paris. Trong quá trình chuẩn bị COP21, một số người đã nói về việc thành lập Tòa án quốc tế về công lý khí hậu, một cơ quan tài phán đặc biệt cho biến đổi khí hậu. Đề xuất này đã bị John Kerry, Ngoại trưởng Mỹ dưới thời Tổng thống Obama, bác bỏ. Vài tuần trước hội nghị, ông Kerry cảnh báo rằng các cuộc đàm phán sẽ thất bại nếu yêu cầu các nước bắt buộc phải giảm phát thải CO2. Do đó, Mỹ đã đề xuất một giải pháp mới, mặc dù bị các tổ chức phi chính phủ và các nhà hoạch định chính sách môi trường phản đối, nhưng không gây nguy hiểm cho nền kinh tế toàn cầu.

Do đó, không có bên nào trong Thỏa thuận Paris được yêu cầu phải đáp ứng mục tiêu giảm phát thải, chính xác là chỉ được yêu cầu ký các cam kết không ràng buộc về khí hậu với điều kiện là những cam kết này không ảnh hưởng tăng trưởng kinh tế và tăng trưởng năng lượng.

EU đơn độc

Nhưng không phải tất cả các bên trong COP đều ký cam kết kiểu nửa vời như vậy. Thỏa thuận chung ràng buộc pháp lý với ít nhất 55 quốc gia đại diện cho ít nhất 55% lượng khí thải nhà kính toàn cầu. Những nước này trở thành một bên của thỏa thuận thông qua việc ký kết sau khi phê chuẩn, chấp thuận, phê duyệt hoặc gia nhập thông qua tại New York ngày 21-4-2017.

Trong số những nước cam kết ràng buộc pháp lý có EU. Khối EU đã cam kết giảm 40% lượng khí thải CO2 vào năm 2030 so với mức của năm 1990. Để nhận được sự ủng hộ của Tổng thống Emmanuel Macron cho chức Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC), bà Ursula von der Leyen đã hứa sẽ giảm 40-50%. Ngày 11-12-2019, EC đã trình bày chiến lược mới của mình có tên là Thỏa thuận xanh, hay Hiệp ước xanh, nhằm đạt được mục tiêu đó và đạt được tính trung hòa carbon vào năm 2050.

Vào ngày 13-12-2019, Hội đồng châu Âu đã “lưu ý” về kế hoạch của EC và chỉ ra rằng EC phải biết tìm các nguồn tài chính mới để thực hiện kế hoạch của mình. Trước đó, vào ngày 28-11, Nghị viện châu Âu đã bỏ phiếu một nghị quyết tuyên bố tình trạng khẩn cấp khí hậu. Các phương tiện truyền thông nói rằng, 429 đại biểu đã thông qua nghị quyết này, nhưng họ không nói rằng 225 đại biểu đã bỏ phiếu chống. Jerzy Buzek, cựu Tổng thống Ba Lan và cựu Chủ tịch Nghị viện châu Âu, đã vắng mặt cùng 18 nghị sĩ khác...

Song, những nước khác đang làm gì? Trung Quốc hy vọng sẽ không tăng lượng khí thải nữa vào khoảng năm 2030 và Ấn Độ chỉ đưa ra một chỉ số về sự cải thiện cường độ carbon so với GDP nhưng không có mục tiêu giảm phát thải. EU sử dụng năm 1990 làm điểm chuẩn để giảm khí thải, nhưng nhiều quốc gia sử dụng điểm chuẩn khác để tính toán mức giảm phát thải. Ví dụ, Nhật Bản đã chọn năm 2013, năm mà lượng phát thải của nước này cao nhất do sự thay thế điện hạt nhân bằng năng lượng được tạo ra từ than hoặc khí đốt tự nhiên, kết quả là mục tiêu của Nhật Bản vào năm 2030 thấp hơn 30 điểm so với EU.

Khi Mỹ chính thức quyết định rút khỏi Thỏa thuận Paris, một lần nữa người ta lại nói về tầm quan trọng của thỏa thuận này. Tổng thống Emmanuel Macron nhấn mạnh, thỏa thuận Paris không thể đảo ngược và cố gắng làm cho mọi người tin rằng Trung Quốc sẽ giúp EU trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu. Trung Quốc - quốc gia có lượng phát thải CO2 chiếm 27,6% lượng phát thải toàn cầu - cũng muốn thế giới tin rằng họ có cùng mục tiêu với châu Âu

Ở cấp độ châu Âu, các đề xuất về năng lượng chẳng có gì khác trong nhiều thập niên qua. Lộ trình giao dịch xanh châu Âu về cơ bản quy định sửa đổi luật pháp đã có hiệu lực trong 10 năm qua với một số thành viên và 20 năm cho những thành viên còn lại. Một ví dụ cụ thể là, châu Âu mong muốn tăng gấp đôi số công trình cải tạo năng lượng cho các tòa nhà, điều này đáng lý phải được thực hiện kể từ sau cuộc khủng hoảng dầu mỏ những năm 70 của thế kỷ trước.

Kể từ khi Công ước Liên Hiệp Quốc về biến đổi khí hậu được thông qua, lượng khí thải nhà kính hằng năm trên toàn thế giới đã tăng 58%. Không có gì cụ thể được đưa ra sau COP25. Bài diễn văn khai mạc COP25 là một bản cắt dán từ các COP trước đó và có thể được lặp lại trong bài phát biểu tương tự tại COP26 năm 2021. “Thật cấp bách để hành động và các chính trị gia phải làm nhiều hơn”, những bài phát biểu kiểu này sẽ lặp đi lặp lại trong nhiều năm trong khi khí thải nhà kính tiếp tục tăng.

S.Phương

Nguồn PetroTimes: https://nangluongquocte.petrotimes.vn/thay-gi-tu-that-bai-cop25-559067.html