Thấy gì từ sự cố y khoa vụ bé trai tử vong sau mổ lấy đinh?

Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế vừa có công văn hỏa tốc gửi Sở Y tế Bình Phước về việc xử lý sự cố y khoa nghiêm trọng khiến một bé trai 7 tuổi tử vong sau ca mổ lấy đinh ở tay.

Theo đó, Cục đề nghị Sở Y tế Bình Phước phối hợp với Sở Y tế TP HCM động viên, chia sẻ sự mất mát với gia đình bé trai 7 tuổi tử vong sau ca mổ lấy đinh ở tay. Đồng thời, sớm tiến hành kiểm thảo tử vong, thành lập Hội đồng chuyên môn để nhận định nguyên nhân, phối hợp với cơ quan, đơn vị cung ứng dịch vụ Bảo hiểm trách nhiệm trong khám bệnh, chữa bệnh theo đúng quy định của luật Khám bệnh, chữa bệnh và Nghị định 102 của Chính phủ.

Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Phước, nơi cháu C. được mổ lấy đinh ở tay và gặp tai biến. Ảnh: NLĐ.

Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Phước, nơi cháu C. được mổ lấy đinh ở tay và gặp tai biến. Ảnh: NLĐ.

Cục cũng yêu cầu tỉnh cần rà soát tất cả các quy trình kỹ thuật chuyên môn, quy trình chăm sóc đã thực hiện trên người bệnh từ lúc nhập viện đến khi xảy ra diễn biến xấu và gây tử vong. Ngoài ra, Bộ Y tế cũng yêu cầu Sở Y tế Bình Phước chỉ định đầu mối phát ngôn, cung cấp đầy đủ thông tin, sớm thông báo kết luận của hội đồng chuyên môn và kết quả pháp y.

Sở Y tế Bình Phước cũng được yêu cầu cập nhật báo cáo nhanh bằng văn bản về Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế để tổng hợp báo cáo.

Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế đã nhận được báo cáo nhanh qua đường dây nóng của Sở Y tế Bình Phước về sự cố y khoa nghiêm trọng gây tử vong cho bệnh nhi vào ngày 19/7.

Mời độc giả theo dõi video "Rơi từ chung cư cao tầng, bé trai Hà Nội tử vong". Nguồn: VTC14.

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn, các sự cố y khoa có thể xảy ra ở bất cứ công đoạn nào của mọi quy trình từ chẩn đoán, chăm sóc đến điều trị. Đặc biệt, bệnh viện (BV) là nơi các thầy thuốc thường xuyên bị áp lực công việc do tình trạng quá tải và áp lực về tâm lý, vì vậy, sự cố y khoa không mong muốn là điều khó tránh khỏi và trong nhiều trường hợp ngoài tầm kiểm soát. Khi sự cố xảy ra, cả người bệnh và thầy thuốc đều là nạn nhân.

Việt Nam cũng từng có nhiều sự cố y khoa không mong muốn xảy ra liên tiếp trong thời gian qua. Có thể kể đến trường hợp bệnh nhân ở Tiền Giang bị bác sĩ bỏ quên gạc phẫu thuật trong bụng tại BV Đa khoa khu vực thị xã Gò Công; bệnh nhân được chỉ định mổ chân trái nhưng bác sĩ mổ chân phải tại BV Việt Đức; bác sĩ cắt nhầm vòi trứng, trao nhầm trẻ sơ sinh, trẻ tử vong sau khi tiêm vaccine; đặc biệt là sự cố y khoa chạy thận nhân tạo tại Hòa Bình khiến 8 người tử vong...

Theo thống kê của Sở Y tế Hà Nội, năm 2016 có 7 trường hợp tử vong liên quan đến sự cố y khoa; năm 2017 và 2018 đều có 3 trường hợp; 4 tháng đầu năm 2019, đã có 5 trường hợp tử vong do sự cố y khoa (2 trường hợp tại BV công lập và 3 trường hợp ở các BV ngoài công lập).

Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Thị Nhị Hà cho biết, để hạn chế các sự cố y khoa, Sở Y tế Hà Nội đã yêu cầu các đơn vị trong và ngoài công lập thực hiện nghiêm túc Thông tư 43 của Bộ Y tế trong việc báo cáo sự cố y khoa. Theo đó, các đơn vị phải phân tích, phản hồi và xử lý sự cố y khoa cũng như có các biện pháp phòng ngừa sự cố y khoa tại chính đơn vị, vì sự an toàn của người bệnh.

Đề cập đến vấn đề này, bác sĩ Vũ Đình Huy – chuyên gia tư vấn của WHO tại Việt Nam cho rằng, an toàn người bệnh đang là một vấn đề toàn cầu. Để hạn chế những sự cố y khoa, cần có sự tham gia tích cực của người bệnh và người nhà bệnh nhân vào quá trình điều trị. “Đối với nhân viên, lãnh đạo y tế, không đổ lỗi và thẳng thắn nhìn nhận khi có sự cố y khoa. Ngoài ra, người làm chính sách cần nhìn nhận đầu tư vào đảm bảo an toàn người bệnh mang lại lợi ích kinh tế; dùng bằng chứng khoa học để cải thiện an toàn người bệnh”, bác sĩ Huy đề xuất.

Thảo Nguyên (TH)

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: https://kienthuc.net.vn/khoe-dep/thay-gi-tu-su-co-y-khoa-vu-be-trai-tu-vong-sau-mo-lay-dinh-1412027.html