Thấy gì từ Liên hoan ca trù?

Nghệ thuật ca trù vừa có dịp lan tỏa khi Liên hoan Tài năng trẻ ca trù Hà Nội 2016 được tổ chức, các nhân tố trẻ đã xuất hiện và rất thành thạo trong lời ca, tiếng phách...

Nghệ thuật ca trù vừa có dịp lan tỏa khi Liên hoan Tài năng trẻ ca trù Hà Nội 2016 được tổ chức, các nhân tố trẻ đã xuất hiện và rất thành thạo trong lời ca, tiếng phách... GS. Tô Ngọc Thanh - Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam đánh giá: “Có thể nói, ca trù đã sống dậy và đang được giới trẻ chào đón”. Nhưng bên cạnh đó, ca trù vẫn cần bệ phóng để bay cao, vươn xa hơn...

Trẻ hóa đội ngũ kế thừa

Trong thời buổi kinh tế thị trường, sự du nhập văn hóa ngày càng sâu rộng, ca trù ít có đất sống dù câu lạc bộ (CLB) ca trù vẫn tồn tại, các nghệ nhân vẫn đam mê giữ nghề. Ca trù vẫn âm thầm sống trong đời sống nghệ thuật đương đại nhưng thiếu sự bùng nổ, lớp trẻ đa phần thiếu sự đam mê. Tại Hà Nội, thi thoảng mới bắt gặp các nghệ nhân của CLB ca trù Thăng Long có buổi biểu diễn phục vụ du khách trong và ngoài nước trong khu phố cổ hoặc tại các chương trình nghệ thuật dân tộc, họa may lời ca, nhịp phách của nghệ nhân ca trù vang lên trong chốc lát rồi lại trở về tĩnh lặng.

Nguyễn Thục Trinh - thí sinh nhỏ tuổi nhất (7 tuổi ) tham dự Liên hoan Tài năng trẻ Ca trù Hà Nội 2016 vừa qua.

Hà Nội được xem là cái nôi và là trung tâm của nghệ thuật ca trù, do đó, việc gìn giữ, phát huy loại hình nghệ thuật này được Thủ đô rất quan tâm. Trong bối cảnh đó, Sở VH-TT Hà Nội đã tổ chức Liên hoan tài năng trẻ ca trù Hà Nội 2016 nhằm động viên, thúc đẩy hoạt động truyền dạy, thực hành ca trù, đồng thời để phát hiện bồi dưỡng các tài năng trẻ. Đáng mừng, Liên hoan Tài năng trẻ ca trù Hà Nội 2016 đã thu hút rất nhiều CLB, các tài năng trẻ ca trù tại Thủ đô tham gia.

Thống kê của Ban Tổ chức Liên hoan Tài năng trẻ ca trù Hà Nội 2016 cho thấy, có 10 CLB ca trù với 71 tiết mục, trong đó có 62 thí sinh dự thi hát múa tập thể, 35 thí sinh dự thi đào nương và kép đàn tài năng, 10 thí sinh đăng ký dự thi đào nương và kép đàn tham dự sự kiện năm nay. Thí sinh tham dự Liên hoan đã được trẻ hóa, lớn tuổi nhất chỉ 29 tuổi và nhỏ tuổi nhất mới lên 7. Có 22 thí sinh là Đào nương và Kép đàn trong độ tuổi từ 6 - 15 và có 13/35 thí sinh là Đào nương và Kép đàn trong độ tuổi từ 16 - 30. Từ đây cho thấy vẫn có một bộ phận giới trẻ còn đam mê, yêu mến và chung tay bảo tồn di sản văn hóa do cha ông để lại từ bao đời nay.

Nhiều nghệ nhân lành nghề đánh giá, ngoài việc hát hay, đàn giỏi các thể cách cơ bản, hầu hết các thí sinh tại Liên hoan Tài năng trẻ Ca trù Hà Nội 2016 còn nắm giữ các thể cách ca trù kinh điển và khó. Ban tổ chức cho biết, khoảng thời gian thi chỉ trong ít ngày nhưng đã cho công chúng hiểu hơn các hoạt động thực hành, truyền dạy ca trù ở cơ sở. Những tài năng tham dự liên hoan đợt này rất đáng quý, góp phần vào nỗ lực đưa ca trù ra khỏi tình trạng bảo vệ khẩn cấp. GS. Tô Ngọc Thanh nhận định: “Các thí sinh đều đi vào quỹ đạo, hát có thể chưa hay nhưng đã đúng. Dù còn non nớt nhưng đây là thành tựu mà chỉ mấy năm chúng ta đã làm được. Liên hoan là chứng cớ khẳng định, ca trù đã sống dậy và đang được giới trẻ đón chờ với tinh thần đầy trách nhiệm và đam mê”.

Nhưng đời sống chung vẫn cần hướng đi mạnh mẽ

Ca trù là một bộ môn nghệ thuật truyền thống đặc sắc của Việt Nam và đã được UNESCO ghi danh vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp. Sau khi được UNESCO ghi danh, nghệ thuật ca trù đã được quốc tế biết đến nhiều hơn. Tuy nhiên, theo đánh giá của một số chuyên gia, nghệ nhân lâu năm, để phát huy nghệ thuật ca trù, các cơ quan liên quan nên thường xuyên tổ chức các cuộc liên hoan ở các địa điểm khác nhau trong cả nước, điều này tạo điều kiện để các nghệ nhân và những người thực hành ca trù được giao lưu, học hỏi kinh nghiệm. Liên hoan Tài năng trẻ Ca trù Hà Nội 2016 dù mang lại hiệu quả cao song sự kiện này 2 năm mới tổ chức 1 lần.

Theo ông Trương Minh Tiến, Phó Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao Hà Nội, ngoài những kết quả tích cực từ Liên hoan vừa qua, song ca trù cần nhiều hơn các gương mặt trẻ tài năng và nắm giữ các thể cách ca trù kinh điển và khó. Nhìn về tổng thể, việc đưa ca trù lan tỏa sâu rộng hơn tới cộng đồng từ lâu vẫn là bài toán khó, song chưa hẳn là thiếu giải pháp. Nhiều nghệ nhân, nhà nghiên cứu thời gian qua đã đưa ra ý kiến, chúng ta nên tổ chức hoạt động biểu diễn ca trù tại các tụ điểm văn hóa - du lịch vì lâu nay ca trù thiếu địa điểm biểu diễn. Ca trù diễn ra các tụ điểm văn hóa - du lịch không những tôn vinh, bảo tồn, phát huy được giá trị ca trù mà còn làm cho người yêu nghề có thể sống bằng nghề (thu nhập kinh tế), người yêu ca trù có không gian để sinh hoạt và yếu tố này có lợi cho cả đôi bên.

Cũng rất quan trọng, đó là lâu nay, các CLB, nghệ nhân ca trù không có sân khấu biểu diễn cố định và đúng nghĩa, người làm nghề chủ yếu tự thuê địa điểm để ca hát, thi thoảng mới được mời diễn, tự sắm sửa đồ nghề... Câu hỏi được đặt ra, nếu thiếu không gian diễn xuất, không thường xuyên được gõ phách, chạm phím đàn, cất tiếng hát... thì nghệ nhân, thế hệ trẻ yêu ca trù có đủ tự tin để theo và giữ lấy nghề, hay họ sẽ “buông” để ca trù lịm dần theo năm tháng!?

Quỳnh Phạm

Nguồn SK&ĐS: http://suckhoedoisong.vn/thay-gi-tu-lien-hoan-ca-tru-n125253.html