Thấy gì từ cuộc 'tấn công' Huawei ?

Trong cuộc chiến với Trung Quốc về thương mại và an ninh quốc gia, Mỹ có nhiều loại vũ khí để sử dụng. Tuy nhiên, theo hãng tin tài chính Blooomberg, điều đó không có nghĩa Mỹ nên sử dụng tất cả các loại vũ khí này. Hãng tin này cho rằng, việc Tổng thống Donald Trump 'tấn công' gã khổng lồ công nghệ Huawei của Trung Quốc là một sai lầm nghiêm trọng của ông chủ Nhà Trắng.

Hành động thiếu khôn ngoan

Tuần trước, Bộ Thương mại Mỹ đã đưa Huawei và gần 70 chi nhánh của tập đoàn này vào “Danh sách cấm giao dịch”. Điều này có nghĩa là các nhà cung cấp của Mỹ cần phải có giấy phép nếu muốn làm ăn với Huawei. ĐTDĐ và thiết bị mạng của Huawei đều phụ thuộc vào các linh kiện của Mỹ, bao gồm cả chất bán dẫn tiên tiến. Nếu lệnh cấm được áp dụng một cách nghiêm ngặt, nó có thể khiến một trong những Cty nổi tiếng nhất của Trung Quốc - với hơn 180.000 nhân viên - phải ngừng hoạt động.

Tuy nhiên, Bloomberg cho rằng, đây sẽ là một sai lầm nghiêm trọng. Theo Bloomberg, việc Mỹ tìm cách loại bỏ Huawei vừa không cân xứng vừa thiếu khôn ngoan. Động thái của Mỹ sẽ gây ra những thiệt hại nhiều hơn người ta tưởng. Các Cty “vô tội” trên khắp thế giới - bao gồm các nhà cung cấp của Mỹ cho Huawei - có thể kinh doanh thua lỗ, đối mặt với những sự gián đoạn và phải chịu nhiều khoản chi phí mới đáng kể.

Các đồng minh chống lại sức ép của Mỹ tránh xa thiết bị Huawei sẽ tỏ ra phẫn nộ nếu họ bị dồn vào chân tường: Ngay cả khi Tổng thống Trump nới lỏng một chút "chiếc thòng lọng”, những lệnh cấm vẫn có thể được áp đặt trở lại sau đó. Trung Quốc sẽ phải tăng nỗ lực gấp đôi để sản xuất các công nghệ tiên tiến ở trong nước.

Như một chiến lược đàm phán, quyết định trừng phạt Huawei của Mỹ thậm chí còn chẳng có chút ý nghĩa nào. Các quan chức Mỹ tuyên bố không liên quan gì đến các cuộc đàm phán thương mại bị đình trệ hiện nay, nhưng có vẻ như Tổng thống Trump muốn lợi dụng Huawei làm đòn bẩy, giống như ông từng làm với tập đoàn ZTE của Trung Quốc hồi năm ngoái. Trump thường xuyên viện dẫn vấn đề an ninh quốc gia để theo đuổi các trận chiến thương mại. T

uy nhiên, làm như vậy sẽ càng tạo ra một tiền lệ rất xấu trong khi gần như chắc chắn phản tác dụng: Nó sẽ làm trầm trọng thêm tình trạng bế tắc hiện tại và không mang lại cho Bắc Kinh động lực để tuân thủ bất kỳ thỏa thuận cuối cùng nào. Bên cạnh đó, việc nhằm mục tiêu vào Huawei một cách thô thiển như vậy sẽ càng kích động những người có quan điểm cứng rắn trong giới lãnh đạo Trung Quốc và người dân Trung Quốc sẽ cảm thấy rằng Mỹ chỉ đơn giản là đang hạn chế khả năng kinh tế của họ.

Huawei đang trở thành một trong những nạn nhân của cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung. Ảnh tư liệu

Huawei đang trở thành một trong những nạn nhân của cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung. Ảnh tư liệu

“Gây ông đập lưng ông”

Đối với Mỹ, biện pháp trừng phạt khắc nghiệt mà Tổng thống Trump áp đặt lên Huawei cũng là một tai họa với nhiều Cty Mỹ, vốn là chuỗi cung ứng cho tập đoàn công nghệ khổng lồ Trung Quốc. Năm ngoái, các Cty của Mỹ đã bán lượng thiết bị trị giá khoảng 11 tỷ USD cho Huawei. Sắc lệnh hành pháp của Tổng hống Trump sẽ cấm các nhà chế tạo phần cứng và phần mềm của Mỹ bán hàng cho Huawei nếu không có sự cấp phép đặc biệt từ Washington.

Các nhà sản xuất bộ vi xử lý tại Mỹ như Intel, Qualcomm, Broadcom và Xilinx đã tuyên bố sẽ ngừng chuyển giao hàng cho tập đoàn Trung Quốc, vốn là nhà chế tạo điện thoại thông minh số 2 thế giới và hàng đầu trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng viễn thông, cũng như mạng lưới siêu tốc 5G. Hãng Google cũng cho biết sẽ tuân thủ chỉ thị của Mỹ, cắt quyền tiếp cận của Huawei với các dịch vụ quan trọng cho hệ điều hành Android như là Gmail hay Google Maps. Microsoft, Cty cung cấp hệ điều hành Windows cho rất nhiều thiết bị của Huawei, chắc chắn cũng sẽ chịu tác động.

Ông Roger Kay, nhà sáng lập và cũng là chuyên gia phân tích của Hiệp hội Công nghệ Endpoint, cho biết lệnh cấm của Mỹ có thể sẽ thôi thúc Huawei và các Cty khác ở Trung Quốc gia tăng nỗ lực phát triển nguồn cung bộ vi xử lý và các thiết bị khác của riêng mình. Theo ông, “tác động ngắn hạn đối với các Cty ở cả Trung Quốc và Mỹ chắc chắn là rất tiêu cực. Còn tác động dài hạn là Huawei và các Cty Trung Quốc khác sẽ quay đầu với các nhà cung ứng Mỹ”.

Còn theo Avi Greengart, người sáng lập Cty nghiên cứu Techsponential, cho rằng một lệnh cấm bán thiết bị cho Huawei có thể tác động đến hàng loạt Cty lớn nhỏ của Mỹ, trong đó có Corning, hãng sản xuất kính cường lực cho các điện thoại thông minh và Dolby, một nhà sản xuất phần mềm phim và nhạc cho các thiết bị cầm tay. Chuyên gia này cho biết, Apple cũng sẽ chịu ảnh hưởng từ cuộc khủng hoảng kéo dài về Huawei, ước tính rằng 17% thu nhập của nhà sản xuất iPhone hiện đến từ Trung Quốc. Mặc dù Apple có thể hưởng lợi từ thị trường tiêu thụ điện thoại thông minh giá cao ở châu Âu, song “tôi cho là những nguy cơ vẫn nhiều hơn là lợi ích cho Apple”. Ông nhấn mạnh, “nếu xảy ra một làn sóng bài trừ Apple ở Trung Quốc, điều này sẽ gây ra những tác động tiêu cực về lâu dài”.

Theo giới chuyên gia, điều Mỹ cần là một kế hoạch lớn hơn nhằm tìm kiếm sự chung sống lành mạnh hơn với Trung Quốc. Điều đó có nghĩa là phải xây dựng các hệ thống phòng thủ tận dụng sức mạnh cạnh tranh của mình, làm việc với các đồng minh để Trung Quốc tuân thủ các quy tắc toàn cầu. Ngược lại, việc “nghiền nát” Huawei có vẻ là một tính toán sai lầm chiến lược và có thể để lại những hậu quả tai hại tiềm tàng.

Hồng Phúc

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/thay-gi-tu-cuoc-tan-cong-huawei-149072.html