Thấy gì từ Buddha bar

Bệnh nhân COVID-19 thứ 91 có đến chơi Buddha bar 2 lần, vô tình biến quán bar này trở thành một ổ dịch nguy hiểm tại TP Hồ Chí Minh. Quán bar này vẫn cố tình mở cửa sau khi UBND TP Hồ Chí Minh quyết định đóng cửa các tụ điểm vui chơi giải trí đã khiến nó trở thành tâm điểm phẫn nộ của dư luận...

Buddha bar bị chỉ trích dữ dội còn vì đã sử dụng hình ảnh Phật giáo, tượng Phật làm chủ đề trang trí.

Cơ bản, Buddha bar là một chuỗi giải trí hình thành từ cuối thập niên 90 và khởi phát từ châu Âu (Paris) và vươn vòi sang nhiều nước châu Á, trong đó có Việt Nam.

Việc sử dụng hình ảnh Phật giáo - một thứ không chỉ là tín ngưỡng mà còn là triết học, văn hóa đậm bản sắc Á Đông - của chuỗi Buddha bar chính là một hành vi có thể xem là chiếm dụng văn hóa (Cultural Appropriation) rất rõ nét. Nó cho thấy sự thiếu hiểu biết về thế giới Á Đông của những người ở thế giới phương Tây đã tạo ra thương hiệu ấy.

Từ cuối thế kỷ 20 và đầu thế kỷ 21, chuỗi Buddha bar không chỉ bành trướng bằng việc mở rộng kinh doanh mà còn phát hành cả các sản phẩm văn hóa lấy tên Buddha bar, gồm cả các Album nhạc lounge, chill của DJ Claude Challe, một trong những sáng lập viên của Buddha bar.

Đó là một nguồn cảm hứng không phát xuất từ những nghiên cứu thực sự về một thế giới văn hóa không thuộc về họ. Bởi vậy, việc họ làm đã trở thành một sự xúc phạm đối với thế giới Á Đông, cũng là nỗi hổ thẹn của những người phương Tây hời hợt đã đụng chạm đúng đến những vấn đề văn hóa nhạy cảm và tạo ra những xung đột văn hóa thực sự.

Trong số cực hiếm hoi các nước Á Đông mà thương hiệu Buddha bar vươn tới, Việt Nam là một điểm được mở cửa quá dễ dãi. Ở đây không nói đến trách nhiệm của cơ quan quản lý vội, mà ở chính cộng đồng người Việt, nhất là những người có tín ngưỡng Phật giáo. Nếu như Buddha bar ở Manila có thể tồn tại không bị chống đối nhiều (vì đa số người Philippines là dân Công giáo) thì Buddha bar ở Indonesia đã bị cộng đồng Phật tử nhỏ bé của quốc gia này phản ứng dữ dội. Vậy Việt Nam thì sao? Thực tế, Buddha bar đã tồn tại rất nhiều năm.

Tai vạ đến với Buddha bar Thảo Điền chính là "bữa tiệc mắc dịch" mà họ tổ chức lại là tiệc nhân ngày lễ Thánh Patrick, vị Thánh của Thiên Chúa giáo đặc biệt quan trọng ở... Ireland. Thánh Patrick được coi là tổ nghề của ngành ủ rượu whisky. Bữa tiệc quy tụ tới hơn 150 người. Vài người trong số họ đã dương tính với virus Sars-COVID-19. Và những người vận hành quán bar ấy nghĩ gì khi giữa những bức tượng Phật thì ở dưới lại tràn whisky vinh danh một vị Thánh Công giáo cùng tiếng nhạc của DJ kích động?

Đúng-sai là khái niệm không tồn tại trong triết lý nhà Phật. Song, với sự gần gũi cả ngàn năm giữa người Việt với Phật giáo, có thể khẳng định đó là một phần văn hóa gắn bó với truyền thống. Và bởi vậy, cái đáng sợ chính là thái độ lãnh đạm của người Việt khi chứng kiến hành vi xúc phạm văn hóa nền tảng của mình trước sự chiếm dụng văn hóa một cách vô tư.

Cuối cùng, một cái sai rất lớn là chuyện cấp phép và kiểm soát. Buddha bar đăng ký kinh doanh là nhà hàng nhưng vận hành thì lại là một cái bar đúng nghĩa. Trong giấy phép đăng ký, họ để tên là B.V.D.D.H.A, đánh lận giữa chữ "U" với chữ "V". Phải chăng, họ đăng ký như vậy bởi họ không mua thương quyền từ chuỗi Buddha bar ở châu Âu? Nếu vậy, đây là một vi phạm sở hữu trí tuệ nghiêm trọng.

Thực sự khó hiểu, đầy rẫy vi phạm như thế mà nó có thể ngang nhiên tồn tại, đông khách suốt năm này qua năm khác.
Văn Đoàn

Nguồn VNCA: http://vnca.cand.com.vn/ly-luan/thay-gi-tu-buddha-bar-588456/