Thấy gì qua vụ Grab và Vinasun?

Nếu Vinasun chiến thắng, liệu người tiêu dùng có quay trở lại vơi cách thức 'gọi xe bằng miệng' hay được hưởng mô hình tiện lợi như Grab.

Cuộc cạnh tranh giữa taxi công nghệ (Grab) và truyền thống (Vinasun) có thể sẽ kết thúc bằng bản án trị giá 41 tỷ đồng bồi thường, Viện kiểm sát nhân dân TP HCM đang đưa ra những lập luận có lợi cho Vinasun.

Đây không phải là vụ án kinh tế bình thường, ngoài việc cho thấy bức tranh thương trường khốc liệt còn là sự xung đột giữa cái cũ và cái mới, vì vậy rất cần thái độ hết sức “kinh tế thị trường” để đưa vụ án thành tiền đề pháp lý thời 4.0.

Xa xôi một chút, hẳn không ít người cảm thấy thú vị với “tính cách Mỹ” - một xã hội tự do sáng tạo tột bậc, “miền đất hứa” là bến đỗ của vô số nhân tài khắp mọi nơi, trong đó có từ Việt Nam.

Điều đó cho thấy vì sao nước Mỹ đủ sức “đối trọng” cả phần còn lại của thế giới, đặc biệt lĩnh vực kinh tế tri thức, nói rộng hơn là khoa học và công nghệ.

Taxi công nghệ là xu hướng đúng như tên gọi của nó

Năm mươi mốt nước châu Âu chỉ có duy nhất một hãng sản xuất máy bay (Airbus) trong khi đó người Mỹ sở hữu riêng Boeing - công nghệ hàng không là cuộc cạnh tranh cả châu Âu với nước Mỹ!

Ở thời điểm hiện tại, cả châu Âu không có chiếc smartphone nào đủ sức cạnh tranh với Apple hoặc Samsung. Cơ quan hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) là số một thế giới, cũng như vậy cả Châu âu mới có một cơ quan chuyên về lĩnh vực này (ESA

Đó là lý do mà ngày giới nghiên cứu thường dùng thuật ngữ “lục địa già” để nói về Âu châu. Không chỉ đúng về mặt lịch sử địa lý mà còn chính xác về thái độ thủ cựu của liên minh Châu âu.

Với taxi công nghệ - hoạt động trên nền tảng ứng dụng gọi xe, ở Mỹ là cuộc cạnh tranh nghiệt ngã. Từ khi có loại hình vận tải hiện đại này, taxi truyền thống bắt đầu chuỗi ngày đen tối.

Nhiều công ty tương tự như Vinasun bị phá sản, người lao động mất việc, bí bách thu nhập, dẫn đến các chứng bệnh về tâm thần, nhiều lái xe taxi ở New York chọn cách…tự sát để giải thoát.

Nhưng vấn đề ở chỗ, vì sao chính quyền Mỹ mặc sức cho cuộc cạnh tranh chết chóc này? Đơn giản, nước Mỹ là nền kinh tế thị trường điển hình, nếu không có chổ cho cạnh tranh đồng nghĩa với không thể tìm ra thứ tốt nhất.

Thương trường Mỹ có câu nói kinh điển “nếu không thắng được đối thủ thì hãy theo đối thủ”. Yellow Cab, hãng taxi truyền thống lớn nhất nước Mỹ đã triển khai một ứng dụng và cung cấp một dịch vụ hỗn hợp. Chấp nhận cả tiền mặt lẫn thẻ tín dụng, cho phép gọi xe trên đường phố và cả theo cuộc gọi trên mạng, bỏ qua việc tăng giá tăng tranh cãi của Uber trong giờ cao điểm.

Thay vì tìm cách tồn tại bằng các vụ kiện, taxi truyền thống ở Mỹ chấp nhận thay đổi để tham gia cuộc chơi mới, từ những người tiên phong - họ chấp nhận trở thành kẻ học việc.

Đương nhiên, hành vi trốn thuế và phi phạm luật cạnh tranh ở Mỹ chưa bao giờ dễ dàng với cộng đồng doanh nghiệp ở đây.

Trung Quốc là thị trường taxi công nghệ có doanh số bằng cả thế giới cộng lại, khoảng 30 tỷ USD. Nhưng không có chỗ cho các công ty ngoại quốc. Uber phải dứt áo ra đi sau khi tốn rất nhiều tiền trong cuộc cạnh tranh với các hãng taxi công nghệ Trung Quốc.

Sự cạnh tranh của taxi công nghệ ở thị trường đông dân nhất thế giới khác hoàn toàn ở nước ta - đó là cuộc cạnh tranh trực tiếp giữa công nghệ nội như Didi, Meitoan Dianping và với ngoại, là Uber. Nên chiến thắng trong trường hợp này giúp các ứng dụng gọi xe nội địa càng mạnh lên.

Ở Việt Nam, nếu Vinasun chiến thắng, liệu người tiêu dùng có quay trở lại vơi cách thức “gọi xe bằng miệng” hay được hưởng mô hình tiện lợi như Grab? Nguy cơ thụt lùi vì cuộc cạnh tranh không xảy ra ở then chốt của nó là công nghệ, mà chỉ hiện diện trên mặt trận pháp lý. Vinasun thu về 41 tỷ, còn người tiêu dùng được gì?

Trương Khắc Trà

Nguồn DĐDN: http://enternews.vn/thay-gi-quan-vu-grab-va-vinasun-138680.html