Thấy gì qua sự xuất hiện của tàu chiến Nhật Bản tại Trung Đông?

Động thái điều động tàu chiến Nhật Bản tới Trung Đông làm dấy lên nhiều câu hỏi về tham vọng quân sự của Thủ tướng Shinzo Abe.

Hai tàu khu trục thuộc lực lượng Phòng vệ Hàng hải Nhật Bản tham gia tập trận ngoài khơi Brunei tháng 6/2019. Ảnh: AP

Hai tàu khu trục thuộc lực lượng Phòng vệ Hàng hải Nhật Bản tham gia tập trận ngoài khơi Brunei tháng 6/2019. Ảnh: AP

Theo báo Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP), Chính phủ Nhật Bản khẳng định quyết định triển khai hai tàu chiến tới Trung Đông nhằm mục đích tăng cường bảo vệ các tàu thương mại của nước này khi đi qua vùng biển then chốt trong khu vực và củng cố khả năng thu thập thông tin tình báo của Tokyo, đặc biệt sau khi xảy ra loạt vụ tấn công vào các tàu chở dầu mà Mỹ và Anh đổ lỗi cho Iran.

Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng động cơ thực sự đằng sau quyết định trên của Thủ tướng Shinzo Abe là muốn đảm bảo Nhật Bản có thể sở hữu quân đội thực sự và toàn diện.

Thủ tướng Shinzo Abe đang tìm cách sửa đổi điều 9 Hiến pháp Hòa bình của Nhật Bản sau Thế chiến II, trong đó ông muốn vai trò của quân đội phải được đề cập một cách rõ ràng.

Sau Chiến tranh thế giới thứ II, Nhật Bản phải tuân theo một hiến pháp mà Mỹ áp đặt, vốn quy định nước này không được sử dụng vũ lực trong giải quyết tranh chấp quốc tế. Về lý thuyết, Nhật Bản không có lực lượng quân đội mà chỉ có Lực lượng Phòng vệ (SDF). Do vậy, SDF thực chất chính là quân đội quốc gia Nhật Bản. SDF được đánh giá là lực lượng quân sự được trang bị tốt nhất và hiện đại nhất thế giới, hiện xếp thứ 8 thế giới xét về quy mô ngân sách.

Lực lượng này làm nhiệm vụ bảo vệ phần lãnh thổ trên mặt đất của Nhật Bản cũng như hỗ trợ cho gần 50.000 binh sĩ Mỹ đóng quân tại đây.

Ngày 22/10, Ngoại trưởng Nhật Bản Toshimitsu Motegi thông báo cho người đồng cấp Mỹ Mike Pompeo rằng Nhật Bản sẽ tái triển khai một tàu chiến hiện đang tiến hành các cuộc truy quét đối phó cướp biển quanh vùng Sừng châu Phi sang giúp bảo vệ vùng biển ngoài khơi Vịnh Oman. Bên cạnh đó, phía Nhật Bản còn đề xuất hỗ trợ hoạt động bằng cách máy bay tuần tra. Từ giờ đến cuối năm, một tàu chiến khác thuộc Lực lượng Phòng vệ Hàng hải (MDSF) cũng sẽ được điều động đến khu vực.

Theo hãng thông tấn Kyodo News, hai tàu chiến sẽ được ủy quyền sử dụng vũ lực để bảo vệ các tàu thương mại Nhật. Tuy nhiên, Tokyo nêu rõ các tàu MSDF không nằm trong lực lượng liên minh hải quân mà Washington đề xuất đối phó với Iran.

Hồi tháng 6, hai tàu chở dầu – một trong số đó do một công ty tại Nhật Bản vận hành – bị tấn công gần Eo biển Hormuz. Tehran đã bác bỏ mọi cáo buộc có liên quan.

“Nhật Bản muốn thể hiện quốc gia này sẵn sàng đưa tàu đến vùng biển để bảo vệ lợi ích đồng thời muốn xoa dịu Washington để chứng minh mình không phải là một kẻ vô ơn. Cùng lúc, Tokyo không muốn bị xem là ở bên phe hoàn toàn chống đối Iran vì mối quan hệ tốt đẹp nhiều năm qua. Chính phủ cũng phải xem xét ý kiến dư luận trong nước, khi nhiều người lo ngại Nhật Bản có thể bị lôi kéo vào một cuộc chiến ở Trung Đông”, ông Jeff Kingston - Giám đốc nghiên cứu châu Á thuộc Đại học Temple Tokyo – nhận định.

Thủ tướng Shinzo Abe muốn đảm bảo quốc gia có thể sở hữu lực lượng quân sự truyền thống và toàn diện. Ảnh: Kyodo

Suốt gần 7 năm kể từ khi ông Abe chính thức đảm nhiệm vị trí Thủ tướng, Nhật Bản liên tục tăng cường năng lực phòng thủ, đặc biệt trước mối đe dọa từ sức ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc và một Triều Tiên có trang bị vũ khí hạt nhân.

Bộ Quốc phòng Nhật Bản đã yêu cầu ngân sách quốc phòng kỷ lục 5,32 nghìn tỷ yên (50,5 tỷ USD) cho tài khóa tiếp theo. Nếu được thông qua, đây sẽ là lần tăng thứ 8 liên tiếp về chi tiêu quốc phòng của Tokyo. Theo một sĩ quan quân đội cấp cao Mỹ giấu tên, Nhật Bản đang muốn đóng một vai trò lớn hơn ở khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương và được Mỹ ngầm hỗ trợ.

Phản ứng trước những việc Nhật Bản tăng chi tiêu quốc phòng, Trung Quốc tỏ ra không mấy vui vẻ, bất chấp mối quan hệ song phương đang “ấm dần”.

Trong Sách Trắng về quốc phòng công bố hồi tháng 7, lần đầu tiên sau 7 năm, Trung Quốc chỉ ra sự thay đổi trong chính sách an ninh của Nhật Bản và chỉ trích Mỹ làm suy yếu sự ổn định toàn cầu, nhấn mạnh cạnh tranh chiến lược đang gia tăng giữa các cường quốc.

“Trong một nỗ lực nhằm phá vỡ cơ chế hậu chiến, Nhật Bản đang điều chỉnh các chính sách quân sự và an ninh cũng như tăng cường đầu tư, dần trở nên chủ động hơn trong các hoạt động quân sự”, truyền thông Nhật Bản trích dẫn Sách trắng quốc phòng Trung Quốc.

Lực lượng SDF, có khoảng 240.000 binh sĩ, từng được điều động tới Afghanistan và Iraq để đảm nhiệm vai trò hỗ trợ cho các quốc gia đồng minh cũng như tham gia vào các nỗ lực tái thiết sau chiến tranh.

Hồng Hạnh/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: http://baotintuc.vn/phan-tichnhan-dinh/thay-gi-qua-su-xuat-hien-cua-tau-chien-nhat-ban-tai-trung-dong-20191024113912256.htm