Thấy gì qua phát biểu của Tổng thống Mỹ về vaccine Covid-19?

Sáng ngày 3/6 (giờ địa phương), Tổng thống Mỹ Joe Biden đã có bài phát biểu về phân phối vaccine Covid-19 trên toàn cầu, với một số điểm nhấn đáng chú ý.

Không khó để thấy chủ đề bài phát biểu của ông Biden là khẳng định vai trò dẫn dắt của Mỹ trong phân phối vaccine Covid-19 nhằm chiến thắng cuộc chiến Covid-19 toàn cầu.

Thứ nhất, Mỹ cam kết đến cuối tháng 6 sẽ chia sẻ 80 triệu liều vaccine với thế giới. Kế hoạch được thông báo ngày 3/6 với 25 triệu liều sẽ là gói đầu tiên.

Theo Nhà Trắng, 75% được chia sẻ thông qua cơ chế COVAX: 7 triệu liều vaccine Covid-19 phân bổ cho một số quốc gia châu Á, trong đó có Việt Nam; 5 triệu liều vaccine Covid-19 được chia sẻ cho châu Phi thông qua Liên minh châu Phi và Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) châu Phi; 6 triệu liều vaccine Covid-19 phân bổ cho Mỹ Latinh và vùng Carribean. Số còn lại sẽ được dành cho một số đối tác (Canada, Mexico, Ấn Độ và Hàn Quốc), các khu vực ưu tiên và nhân viên tuyến đầu của Liên hợp quốc.

Tổng thống Joe Biden trong phát biểu về phân phối vaccine Covid-19 sáng ngày 3/6. (Nguồn: Reuters)

Tổng thống Joe Biden trong phát biểu về phân phối vaccine Covid-19 sáng ngày 3/6. (Nguồn: Reuters)

Trong quá khứ, Mỹ được coi là “kho tên lửa” của thế giới thì giờ đây, theo Tổng thống Joe Biden, xứ cờ hoa sẽ là “kho vaccine của thế giới” trong cuộc chiến chung chống dịch Covid-19.

Đáng chú ý, ông khẳng định Mỹ chia sẻ vaccine “không phải để đảm bảo sự ủng hộ hay đòi hỏi một sự nhượng bộ…mà để cứu sống mọi người, dẫn dắt thế giới trong chấm dứt dịch bệnh”.

Tuy nhiên, việc dành 6 triệu liều cho đối tác và khu vực ưu tiên là cách Washington thắt chặt quan hệ với một số quốc gia, khu vực ưu tiên trong chính sách. Hai quốc gia được kể tên là thành viên Thỏa thuận Mỹ-Mexico-Canada, với Mexico có vai trò quan trọng nhằm kiểm soát dòng người nhập cư vào Mỹ. Ấn Độ - thành viên của Bộ tứ (Quad) là chìa khóa then chốt trong chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Là điểm đến nhân chuyến công du nước ngoài đầu tiên của hai quan chức cấp cao Mỹ, Hàn Quốc có vai trò đặc biệt trong vấn đề Triều Tiên, với quan hệ đồng minh được khẳng định sau chuyến thăm Washington của Tổng thống Moon Jae-in.

Trong quá khứ, Mỹ từng được coi là “kho tên lửa” của thế giới. Giờ đây, theo Tổng thống Joe Biden, xứ cờ hoa sẽ là “kho vaccine của thế giới” trong cuộc chiến chống Covid-19.

Thứ hai, khẳng định phân bổ vaccine “không nhằm đảm bảo sự ủng hộ hay đòi hỏi sự nhượng bộ…” là cách Mỹ nhấn mạnh về sự khác biệt với Trung Quốc trong chính sách được thế giới gọi là "ngoại giao vaccine".

Trước đó ba tuần, ngày 14/5, Bộ Ngoại giao Mỹ đã lên án việc sử dụng vaccine Covid-19 vì “nghị trình chính trị hạn hẹp”, sau khi Đài Loan (Trung Quốc) chỉ trích Bắc Kinh sử dụng vaccine Covid-19 để lôi kéo Honduras, quốc gia Nam Mỹ có quan hệ với chính quyền Đài Loan (Trung Quốc).

Thứ ba, ông Biden đề cập các biện pháp khác để thúc đẩy chương trình tiêm chủng vaccine toàn cầu, trong đó có tạm miễn trừ bản quyền vaccine Covid-19, đồng thời cam kết hỗ trợ, tăng cường năng lực sản xuất vaccine Covid-19 thông qua nỗ lực đa phương, bao gồm Nhóm G7.

Về ngắn hạn, quyết định của ông chủ Nhà Trắng có thể gây tổn hại tới doanh thu các tập đoàn dược phẩm lớn của xứ cờ hoa, vốn có tiếng nói không nhỏ trên chính trường Mỹ. Song về dài hạn, đây là bước đi cần thiết để chứng tỏ rằng "sự trở lại" của nước Mỹ, đặc biệt trong dẫn dắt thế giới đương đầu với đại dịch Covid-19 toàn cầu, không chỉ là nói suông.

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/thay-gi-qua-phat-bieu-cua-tong-thong-my-ve-vaccine-covid-19-147311.html