Thấy gì khi Syria yêu cầu Mỹ-Pháp-Thổ rút quân vô điều kiện?

Trong bối cảnh hiện nay, lời kêu gọi của Ngoại trưởng Syria yêu cầu Mỹ-Pháp-Thổ rút quân là một thông điệp có rất nhiều tác dụng và ý nghĩa...

Ngày 29/9, phát biểu tại phiên họp thứ 73 Đại Hội Đồng LHQ, Ngoại trưởng Syria Walid al-Muallem đã kêu gọi tất cả các "lực lượng chiếm đóng bất hợp pháp" bao gồm Mỹ, Pháp và Thổ Nhĩ Kỳ phải rút quân khỏi Syria ngay lập tức.

"Họ phải rút quân ngay lập tức và không có bất cứ điều kiện nào", ông al-Muallem nhấn mạnh và cho biết các lực lượng quân đội nước ngoài tiến vào Syria bất hợp pháp dưới cái cớ chống khủng bố sẽ phải bị xử lý.

Ngoại trưởng Syria khẳng định: "Damacus sẽ tiếp tục cuộc chiến đấu linh thiêng cho tới khi thanh tẩy tất cả các vùng lãnh thổ Syria khỏi các nhóm khủng bố và các lực lượng hiện diện bất hợp pháp tại Syria".

Ngoại trưởng Syria Walid al-Muallem

Hiện Mỹ đang duy trì khoảng 2.000 binh sĩ ở Syria, Pháp thì có khoảng 1.000 binh sĩ đang hiện diện ở quốc gia Trung Đông này, còn Thổ Nhĩ Kỳ thì có lúc đưa tới 3, 4 chục ngàn quân vào Syria tấn công lực lượng người Kurd.

Trong khi cả Mỹ-Pháp-Thổ đều xuất hiện tại Syria với tư cách khách không mời vì không được LHQ cho phép và cũng không có sự đồng ý của chính quyền Tổng thống Assad - thực thể chính trị đại diện quốc gia Syria.

Đáng nói là dù với vị thế khách không mời, nhưng cả Washington-Paris-Ankara đều không có ý định rút quân, ngay cả khi cuộc chiến chống khủng bố kết thúc, thậm chí cả khi cuộc nội chiến Syria chấm dứt.

Điều đó thể hiện rất rõ khi ngày 22/4/2018, trong trả lời phỏng vấn hãng Fox News, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã nhấn mạnh, Pháp và các nước đồng minh không nên vội vàng rời Syria sau khi chiến sự chấm dứt.

"Khi chiến thắng lực lượng khủng bố IS ở Syria, nếu chúng ta triệt thoái hoàn toàn và dứt khoát, điều đó vô hình trung chúng ta lại tạo khoảng trống cho chính quyền Syria và Iran phát động một cuộc xung đột mới".

Ông Macron cho rằng : "Chúng ta cần phải xây dựng một nước Syria mới sau chiến tranh và đó là lý do tại sao tôi cho rằng vai trò của Mỹ là cực kỳ quan trọng trong việc tái thiết Syria".

Hiện nay Mỹ đang tăng cường khí tài và lực lượng tại Syria, đặc biệt là thiết lập các căn cứ quân sự ở miền bắc nước này, còn Pháp thì ngày càng hăng hái hơn với việc tham gia vào bàn cờ chính trị Syria.

Thổ Nhĩ Kỳ thì quyết đánh tan lực lượng vũ trang của người Kurd thì mới tính đến việc rút quân, thậm chí Ankara còn vừa nâng cao vị thế cho mình trong ván cờ Syria khi ký thỏa thuận với Nga về thành lập khu phi quân sự tại Idlib.

Thực tế đó khiến nhiều luồng dư luận cho rằng lời kêu gọi của chính quyền Assad chỉ như "đàn gảy tai trâu", chứ chẳng có ý nghĩa và tác dụng gì với những vị khách không mời luôn muốn "dùng chiến tranh nuôi dưỡng hòa bình" cho Syria.

Mỹ xuất hiện tại Syria là khách không mời

Tuy nhiên, theo giới phân tích, trong bối cảnh hiện nay, lời kêu gọi của Ngoại trưởng Syria yêu cầu Mỹ-Pháp-Thổ rút quân là một thông điệp có rất nhiều tác dụng và ý nghĩa với chính quyền và người dân Syria.

Thứ nhất, giúp chính quyền Tổng thống Assad khẳng định được vị thế của thực thể chính trị đại diện quốc gia Syria

Một thực tế không thể phủ nhận là khi cuộc xung đột giữa chính quyền với lực lượng nổi dậy Syria bùng phát thành cuộc nội chiến thì cũng là lúc vai trò và chức năng nhà nước của chính thể hiện nay tại Syria “mất đi một nửa”.

Chính quyền Assad chỉ còn là thực thể đại diện chủ quyền quốc gia Syria, chứ không còn là thực thể đại diện lợi ích dân tộc Syria nữa. Bởi để đảm bảo sự tồn tại, chính quyền Syria không còn đại diện cho lợi ích của mọi thành phần trong xã hội Syria.

Điều đó khiến chính quyền Syria không còn đủ khả năng và uy tín để đưa ra những lời hiệu triệu nhằm phát huy sức mạnh toàn dân tộc khi tổ quốc lâm nguy - chính quyền Damascus trở thành một thực thể chính trị đại diện không đầy đủ của Syria.

Song khi đại diện nhà nước Syria yêu cầu các thực thể xuất hiện bất hợp pháp, xâm phạm chủ quyền quốc gia Syria, xâm hại lợi ích dân tộc Syria, rời khỏi Syria là cách khẳng định tốt nhất vị thế của mình là thực thể chính trị đại diện đẩy đủ của Syria.

Việc tận dụng diễn đàn của LHQ - diễn đàn quốc tế quan trọng nhất hiện nay - kêu gọi các vị khác không mời rút quân khỏi Syria thay vì lên án các thực thể ấy xâm lược Syria là một tính toán khôn ngoan và có công hiệu hơn rất nhiều.

Bởi Damascus lên án Mỹ-Pháp-Thổ xâm lược thì hoàn toàn có thể bị Washington-Paris-Ankara đập lại, còn việc kêu gọi rút quân thì Mỹ-Pháp-Thổ chỉ có thể đáp lại hoặc không đáp lại mà thôi.

Điều đó không những giúp chính quyền Assad giữ được thể diện của thực thể chính trị đại diện quốc gia, mà còn đảm bảo được vị thế trong quan hệ quốc tế - vấn đề sống còn với chính quyền Damascus khi tiến trình chính trị cho Syria được thúc đẩy.

Rất nhiều lần Moscow phải cứu Damascus bằng việc tận dụng quyền phủ quyết của thành viên thường trực HĐBA, tuy nhiên điều đó chỉ giúp Assad thoát hiểm, chứ không giúp nâng tầm cho chính thể hiện nay tại Syria.

Chính quyền Assad ngày càng khẳng định được vai trò thực thể chính trị đại diện quốc gia

Tuy nhiên, khi đại diện chính quyền Assad nhân danh nhà nước Syria kêu gọi các vị khách không mời rời Syria thì đã tự khẳng định được vai trò và vị thế của mình, từ đó có thể tranh thủ được sự đồng cảm và ủng hộ của cộng đồng quốc tế.

Thứ hai, giúp chính quyền Assad thể hiện tốt nhất vai trò lực lượng đại diện chính nghĩa quốc gia, dần trở thành trung tâm đoàn kết xã hội Syria

Khi cuộc nội chiến Syria nổ ra, Mỹ và đồng minh kết nối và bảo trợ cho lực lượng nổi dậy Syria, tìm cách đưa phe đối lập trở thành lực lượng chính trị nòng cốt trong ván cờ chính trị mới tại Syria.

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/quan-he-quoc-te/thay-gi-khi-syria-yeu-cau-my-phap-tho-rut-quan-vo-dieu-kien-3366409/