Thấy gì khi Philippines từ chối vũ khí Nga vì… ngại Mỹ?

Khi Philipines phải chọn mua Blak Hawk với giá đắt thay vì mua Mi-171 với giá rẻ thì đó chưa hẳn là niềm vui của Washington.

Philipines từ chối Nga để mua máy bay Mỹ với giá đắt vì sợ bị trừng phạt

Sputnik ngày 7/12 đưa tin, Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana đã cho biết nước này quyết định mua 16 trực thăng quân sự Black Hawk của Mỹ thay vì mua Mi-171 của Nga. Thương vụ này có tổng trị giá khoảng 240 triệu USD.

Theo Manila, việc họ mua các trực thăng quân sự của Mỹ mà không mua của Nga, dù Moscow đưa ra mức giá tốt hơn, là do quan ngại Philipines sẽ bị liệt vào “danh sách đen” của Washington.

Nên biết là Mỹ đã ban hành Luật chống các đối thủ của Mỹ thông qua trừng phạt (CAATSA), cho phép Washington áp đặt các biện pháp trừng phạt với ngành công nghiệp quốc phòng Nga, cũng như các quốc gia mua vũ khí của Nga.

Trực thăng quân sự Blak Hawk của Mỹ

Philippines có 4 lựa chọn cho việc mua sắm trực thăng quân sự lần này, gồm Black Hawk của Mỹ, Mi-171 của Nga, Surion của Hàn Quốc, và AgustaWestland's AW139 do Anh-Italy sản xuất.

Tuy nhiên, vì CAATSA nên "Không quân Philippines sẽ ký hợp đồng với Mỹ, dù Nga đưa ra mức giá rẻ thứ 2 với Mi-171. Bởi Philipines sẽ rất khó để có thể thanh toán cho Nga vì các lệnh trừng phạt của Mỹ”, ông Lorenzana thừa nhận.

Black Hawk là loại máy bay trực thăng đa dụng bốn cánh quạt, hai động cơ hạng trung. Black Hawk có thể thực hiện nhiều kiểu nhiệm vụ, gồm cả vận tải chiến thuật với quân nhân, thiết bị chiến tranh điện tử và giải cứu đường không.

Mi-171 là loại máy bay trực thăng nổi bật với khả năng hoạt động ổn định ở độ cao lớn.

Ngoài ra, tính cơ động là một điểm mạnh của Mi-171 khi nó có thể thực hiện nhiều nhiệm vụ khác nhau từ vận tải hàng, binh sĩ, trinh sát và tác chiến điện tử.

Như vậy, Black Hawk và Mi-171 là "một 10 một 9", thậm chí trực thăng của Nga còn có phần nhỉnh hơn về công năng mà giá lại rẻ hơn, vậy nhưng vì sợ bị Mỹ trừng nên Philipines đành phải mua trực thăng của Mỹ với giá đắt.

Đáng nói là việc Philipines quyết định mua trực thăng quân sự của Mỹ diễn ra chỉ 1 tháng sau khi Nga và Philipines có hợp đồng cung cấp vũ khí mới, diễn ra bên lề triển lãm vũ khí và kỹ thuật quân sự Indo Defense-2018.

Năm 2017, Nga và Philippines đã kí thỏa thuận hợp tác quân sự, trong đó Moscow đã tặng Manila 5.000 khẩu súng trường Kalashnikov, "vì quân đội Philippines cần sự hỗ trợ khẩn cấp trong cuộc chiến chống lại các nhóm khủng bố", theo Sputnik.

Hồi tháng 7/2018, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte cũng đã tuyên bố sẽ vẫn mua vũ khí Nga bất chấp khả năng Mỹ có thể tìm cách can thiệp vào các hợp đồng mua vũ khí của Philipines.

Trực thăng quân sự Mi-171 của Nga

Ông Duterte cho rằng, Mỹ đang tìm cách đè nén chiến lược hiện đại hóa quân đội Philipines và chỉ trích Washington cung cấp trang thiết bị quân sự đã qua sử dụng cho nước này.

Tổng thống Philippines còn tỏ vẻ hoài nghi chất lượng vũ khí Mỹ khi nhấn mạnh rằng: "Nếu Manila mua tàu ngầm từ Mỹ, rất có thể nó sẽ gặp trục trặc như trực thăng mà Philippines từng mua của Washington".

Đến tháng 8/2018, Ngoại trưởng Philippines Alan Peter Cayetano tiếp tục lên tiếng khẳng định nước này vẫn sẽ mua vũ khí từ Nga bất chấp những sức ép từ Mỹ. Bởi theo ông Cayetano thì đây là cuộc thử nghiệm cho một chính sách đối ngoại độc lập.

Phó Giám đốc Ủy ban về hợp tác kỹ thuật quân sự Nga Mikhail Petukhov thì cho biết : "Năm 2018 Nga và Philipines đã ký hợp đồng mua bán súng phóng lựu chống tăng và trong tương lai sẽ ký kết thỏa thuận về việc cung cấp các thiết bị khác".

Theo ông Petukhov, lãnh đạo chính trị và quân sự Philippines đang thực hiện chính sách độc lập, trong đó có hợp tác kỹ thuật-quân sự và Nga là một lựa chọn. "Nga luôn sẵn sàng hợp tác với Philippines theo nguyên tắc bình đẳng và cùng có lợi".

Mọi việc đang tiến triển tốt đẹp nên việc Philipines mua trực thăng Mi-171 của Nga được cho là đương nhiên, vậy mà Manila lại chọn mua trực thăng Blak Hawk của Mỹ chỉ với lý do sợ Washington áp dụng CAATSA.

Thấy gì khi Philipines không mua máy bay Nga?

Trước thách thức địa chính trị ngày một lớn trong khu vực, nhiều quốc gia Đông Nam Á, trong đó có cả các đồng minh của Mỹ như Thái Lan và Philippines, đang tìm cách tăng cường mua vũ khí và thiết bị quân sự của Nga.

Lợi thế cạnh tranh của vũ khí Nga so với vũ khí Mỹ là chất lượng cao, khả năng hoạt động bền bỉ với giá cả phải chăng. Bên cạnh đó là vũ khí Nga đã chứng minh được tình hiệu quả thông qua thực tế "thử lửa" trên chiến trường Syria.

Philipines vốn đã ngán vũ khí Mỹ đắt đỏ, nay lại thêm kiểu mua bán chèn ép kiểu Trump nên tìm đến vũ khí Nga

Các nước Đông Nam Á chuộng vũ khí Nga hơn vũ khí Mỹ còn do Moscow không đưa ra các điều kiện ràng buộc trong thương mại vũ khí, không gắn vấn đề mua sắm vũ khí với các vấn đề chính trị. Trong khi Washington thì ngược lại.

Mỹ từng cấm bán vũ khí cho Indonesia vì cáo buộc Jakarta vi phạm nhân quyền ở Timor Leste và tây New Guinea từ thập niên 1990, khiến phần lớn vũ khí Mỹ trong biên chế quân đội Indonesia xuống cấp mà không có phụ tùng, thiết bị thay thế.

Hay năm 2016, Mỹ cũng tuyên bố hủy thương vụ bán 26.000 khẩu súng trường tấn công cho Philippines vì chỉ trích cuộc chiến chống tội phạm ma túy gây nhiều tranh cãi của Tổng thống Duterte.

Đã "ngán" vì giá vũ khí Mỹ đắt đỏ, nay lại thêm "bán hàng kiểu Mỹ" nên các quốc gia Đông Nam Á ngày càng hướng về việc mua sắm vũ vũ khí Nga, biến khu vực này thành thị trường béo bở cho ngành công nghiệp quốc phòng Nga.

Theo các số liệu của Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm, trong giai đoạn 2010-2017, Nga đã bán cho các quốc gia Đông Nam Á tới 6,64 tỷ USD vũ khí, so với 4,58 tỷ USD của Mỹ.

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/quan-he-quoc-te/thay-gi-khi-philippines-tu-choi-vu-khi-nga-vi-ngai-my-3370715/