Thấy gì khi nợ của Nga giảm kỷ lục thời cấm vận?

Ngân sách thặng dư kỷ lục, quỹ dự trữ tăng nhanh, mà nợ quốc gia của Nga giảm liên tục, dù phương Tây liên tục gia tăng trừng phạt-gia hạn cấm vận...

Năm 2018, nợ quốc gia của Nga giảm xuống mức thấp nhất trong vòng 10 năm qua

Sputnik ngày 22/1/2019 dẫn báo của Ngân hàng Trung ương Nga về tình hình nợ quốc gia của nước này trong năm 2018, cho thấy tổng nợ quốc gia của Nga đã sụt giảm mạnh.

Theo đó trong năm 2018, nợ quốc gia của Nga giảm 64,4 tỷ USD, giảm 12,4% so với năm 2017. Tổng nợ quốc gia của Nga tính đến ngày 1/1/2019 là 453,7 tỷ USD. Đây là mức thấp nhất trong 10 năm qua.

Góp phần vào giảm nợ quốc gia trong năm 2018 có cả tài chính công lẫn tài chính doanh nghiệp. Nghĩa là cả hai lĩnh vực thể chế và phi thể chế của nền kinh tế Nga đều góp phần làm giảm nợ vay, báo cáo của Ngân hàng Trung ương Nga cho biết.

Kinh tế nước Nga mạnh vì nợ quốc gia thấp

Như vậy, nợ quốc gia của Nga đã liên tục giảm kể từ năm 2014, khi các lệnh trừng phạt-cấm vận của Mỹ-phương Tây đối với các thực thể của Nga lần đầu được đưa ra, sau "sự kiện Crimea".

Nhiều nhận định cho rằng trừng phạt-cấm vận đã hạn chế khả năng của các ngân hàng Nga có được những khoản tín dụng dài hạn ở nước ngoài, vì vậy, Nga không thể tăng nợ vay và đó là lý do quan trọng khiến nợ quốc gia của Nga không tăng.

Thực tế không hẳn như vậy. Bởi Moscow đã chủ động từ chối vay tiền của các định chế tài chính quốc tế, dù có nhiều lời mời. Chính Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế Christine Lagarde từng khuyên Nga nên vay tiền của IMF nhiều hơn.

Đại diện Ngân hàng Trung ương Nga đã từ chối lời mời của IMF vì cho rằng đầu tư cho tăng trưởng kinh tế đất nước bằng gia tăng nợ vay không phải là con đường tốt nhất, vì nợ càng lớn thì vấn đề phát sinh càng lớn, theo Reuters.

Một năm trước, tổng nợ nước quốc gia của Nga tính đến ngày 1/1/2018 đạt 518,1 tỷ USD. Nếu so sánh thì quá nhỏ so với 7.500 tỷ USD của Anh, 5.000 tỷ USD của Pháp, 4.800 tỷ USD của Đức và con số khổng lồ 21.000 tỷ USD của Mỹ.

Tổng nợ quốc gia của Nga tính đến đầu quý I/2018 chỉ chiếm 33% GDP, giảm 7% so với cùng kỳ của năm 2017. Vậy nhưng đến quý I/2019 thì nợ quốc gia của Nga chỉ còn chiếm 29,04% GDP, giảm 12,4% so với cùng kỳ năm 2018.

Còn nếu tính theo chỉ số PPP thì tổng nợ quốc gia của Nga tính đến ngày 1/1/2019 chỉ chiếm khoảng 25% quy mô nền kinh tế. Bởi nợ nước ngoài của Nga rất thấp - kể cả nợ chính phủ và nợ doanh nghiệp.

Về cơ cấu nợ thì phần lớn nghĩa vụ nợ quốc gia của Nga là thuộc về lĩnh vực tư nhân, chiếm khoảng 85,4%, nợ của các cơ quan chính phủ và Ngân hàng Trung ương Nga chỉ chiếm khoảng 14,6%.

Giới chuyên gia tài chính cho rằng tổng nợ quốc gia của Nga đã thấp hơn quỹ dự trữ vàng và ngoại tệ của nước này. Điều đó có nghĩa hệ thống tài chính Nga có thể giải quyết vấn đề nợ quốc gia bất cứ lúc nào, nếu tình hình biến chuyển xấu.

Tỷ lệ nợ/GDP của Nga chỉ bằng 26% của Mỹ

Bên cạnh đó, nợ nước ngoài của chính phủ Nga lại quá nhỏ khiến cho việc trả nợ có thể diễn ra nhanh chóng, từ đó giúp cho nền kinh tế Nga ít phụ thuộc vào nguồn tài chính từ bên ngoài, mà có thể gắn với nhiều hệ lụy.

"Nhiều quốc gia đang có hướng đi không an toàn khi chọn tăng trưởng bằng gia tăng nợ nước ngoài, điều này có tác động tiêu cực đến nền kinh tế. Ở Nga nguy cơ này không tồn tại", chiến lược gia tiền tệ Alexander Yegorov phân tích.

Đáng nói là không gia tăng nợ - nhất là nợ công - nhưng chính phủ Nga vẫn đảm bảo khả năng cân bằng ngân sách. Thậm chí năm 2018, Nga đã có thặng dư ngân sách - lần đầu tiên trong vòng 7 năm - theo tính toán lên tới 27 tỷ USD.

Thấy gì khi nợ của Nga giảm nhanh trong thời cấm vận?

Giới chuyên gia kinh tế phương Tây nhận định rằng nợ quốc gia của Nga không tăng không hẳn là lợi điểm. Bởi điều đó sẽ khiến nền kinh tế tại xứ sở bạch dương thiếu những khoản vốn cần thiết cho tăng trưởng.

Tuy nhiên, theo đánh giá của các định chế tài chính quốc tế thì tổng đầu tư xã hội của nước Nga năm 2018 lên tới gần 2.500 tỷ USD, tương đương 160% GPD. Nghĩa là Nga không thiếu vốn đầu tư.

Chính điều đó giúp cho hoạt động kinh tế tại xứ sở bạch dương trở nên nhộn nhịp hơn. Nhiều dự án mới được thiết lập và triển khai, nhiều dự án đang triển khai được mở rộng, nhiều công trình kinh tế trọng điểm được hoàn thành trước thời hạn.

Nhà máy khí tự nhiên hóa lỏng khổng lồ Yamal LNG đưa dây chuyền thứ 3 vào vận hành sớm hơn 1 năm hay cầu Kerch nối Crimea với Bắc Caucasus được khánh thành sớm gần 1 năm so với kế hoạch...là những biểu hiện của việc "Nga không thiếu tiền".

Theo giới phân tích, thực tế đã chứng minh quyết định của Tổng thống Putin và các quyết sách của chính phủ Nga đã tạo hiệu ứng xã hội tích cực, tạo động lực để người dân và doanh nghiệp tăng cường nguồn lực cho đầu tư sản xuất - kinh doanh.

Thứ nhất, thực hiện chính sách tiếp cận toàn diện và thận trọng đối với hệ thống tài chính, giúp tăng khả năng chống chịu của nền kinh tế quốc gia. Điều này giống như tạo ra một rào chắn vững chắc cho hệ thống doanh nghiệp Nga.

Tài chính công và tài chính doanh nghiệp ở Nga đểu an toàn

Thể hiện rõ nhất của chính sách này là không kích thích tăng trưởng bằng gia tăng nợ vay, từ đó giúp cho đòn cân nợ của hệ thống doanh nghiệp Nga luôn ở trạng thái an toàn - khi : Vốn vay / Vốn sở hữu chủ < 1.

Khi tài chính doanh nghiệp vững vàng thì tài chính công chắc chắn sẽ ổn định. Bởi khi đó sẽ có 2 lợi điểm : Một là thu ngân sách đảm bảo và Hai là sự hỗ trợ của chính phủ cho hệ thống doanh nghiệp sẽ giảm thiểu.

Đây chính là lý do giúp ngân sách Nga thặng dư kỷ lục và quỹ dự trữ ngoại hối của Nga tăng nhanh, mà nợ quốc gia lại giảm liên tục, bất chấp Mỹ-phương Tây liên tục gia tăng trừng phạt-gia hạn cấm vận.

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/kinh-te/tai-chinh/thay-gi-khi-no-cua-nga-giam-ky-luc-thoi-cam-van-3373565/