Thấy gì khi đất nền ven biển Lăng Cô tăng giá?

VH- Từ đầu năm 2018 đến nay, nhiều người ở một số tỉnh phía Bắc đua nhau vào vùng ven biển Lăng Cô (huyện Phú Lộc, Thừa Thiên Huế) để mua đất. Giá đất theo đó cũng được đẩy lên chóng mặt.

Các thửa đất dọc quốc lộ 1A qua thị trấn Lăng Cô đang được đẩy giá lên rất cao

Thậm chí có những vị trí thuộc diện vùng quy hoạch, không được phép bán nhưng người dân vẫn “lén lút” bán qua giấy viết tay.

Nhiều người dân ở thị trấn Lăng Cô khi trò chuyện với chúng tôi đã “khoe” rất nhiều về các vụ bán đất được giá. Bà Nguyễn Thị Lanh, một người bán tạp hóa ven quốc lộ 1A cho biết, mấy tháng vừa qua, nhiều người nói giọng miền Bắc vào đây để hỏi mua đất, họ sẵn sàng trả giá cao hơn nhiều lần để mua được các khu đất mặt tiền quốc lộ 1A, ven đầm Lập An hoặc ven biển. Năm 2017, giá đất ở đây chỉ 3-4 triệu/m2 nhưng hiện nay đã lên đến 10-11 triệu/m2, tăng gấp 2-3 lần. “Có người còn thuê nhà ở lại cả tháng trời để tìm mua cho được mảnh đất ưng ý. Chúng tôi cũng có dò xem họ mua đất làm chi mà nhiều rứa thì họ nói là để kinh doanh”, bà Lanh nói.

Theo một số người dân ở Lăng Cô, không chỉ việc mua bán đất ở của các hộ dân trên địa bàn, mà một số thửa đất nằm trong vùng quy hoạch cũng được người dân đem bán bằng hình thức “giấy viết tay”. Tổ dân phố Đồng Dương nằm sát bãi biển, cũng là khu vực có rất nhiều người đến hỏi mua đất, dù cơ sở hạ tầng ở đây không thuộc dạng phát triển như những khu vực khác của thị trấn Lăng Cô. Ông Nguyễn Văn Ghi, Tổ trưởng Tổ dân phố Đồng Dương thông tin rằng, thời gian gần đây có mấy người ở các tỉnh xa về mua liên tiếp mấy nhà ở sát biển. Sau khi mua, họ đập bỏ hết nhà cũ, để dành đất đó chứ cũng chưa thấy xây dựng gì mới. Còn người dân bán nhà xong, cũng đi chỗ khác sinh sống.

Dư luận địa phương cho rằng, giá đất tăng “chóng mặt” có thể là do các khu dự án du lịch ven biển “treo” lâu nay chuẩn bị được đầu tư trở lại. Nhưng cũng không ít người nghi ngại việc những người ở miền Bắc đi mua đất chỉ là “đứng tên thuê” cho các đơn vị, cá nhân là người nước ngoài, như tình trạng thu mua đất diễn ra ở ven biển Đà Nẵng thời gian qua.

Theo bà Võ Thị Trâm Anh, cán bộ địa chính UBND thị trấn Lăng Cô, ngoài việc mua bán các thửa đất được phép chuyển nhượng, thì cũng có cả trường hợp bán cả đất nằm trong vùng quy hoạch. “Có nhiều khu đất, chính quyền đã có thông báo là nằm trong quy hoạch, không thể chuyển nhượng được nhưng người mua vẫn chấp nhận mua bằng các giấy tờ viết tay. Họ cho biết họ sẽ chịu trách nhiệm”, bà Trâm Anh nói.

Ông Đặng Trường Sơn, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Lăng Cô cho biết, những người ở các tỉnh thành phía Bắc vào mua đất tại thị trấn đã đẩy giá đất tăng lên cao, gấp 2-3 lần so với cùng kỳ năm 2017. Họ mua ở khắp thị trấn chứ không tập trung ở một vùng nào nhất định, rồi để dành. Riêng việc các hộ dân có đất nằm trong quy hoạch vẫn đem bán, ông Sơn cho biết họ chỉ “lén lút” làm giấy tờ viết tay mua bán, chứ thủ tục vẫn không chuyển nhượng được. “Dư luận địa phương có nói về việc những người mua đất này gom đất cho người nước ngoài, chúng tôi cũng có nghe. Nhưng do trên các giấy tờ thủ tục đều là người Việt Nam đứng tên nên khó khẳng định được”, ông Sơn nói.

Trong thời gian qua, tình trạng “sốt” đất nền ở ven biển không chỉ diễn ra ở Lăng Cô mà khắp các vùng trọng điểm về du lịch biển ở khu vực miền Trung như Bảo Ninh (TP Đồng Hới, Quảng Bình), Lý Sơn (Quảng Ngãi), Quy Nhơn (Bình Định), Tuy Hòa (Phú Yên), và gần đây nhất là Bắc Vân Phong (Khánh Hòa)… Một số người có kinh nghiệm trong mua bán bất động sản ở khu vực miền Trung cho hay, đất ven biển chủ yếu để xây dựng khách sạn, khu nghỉ dưỡng để phục vụ du lịch, cho nên khi mua đất cần chú ý đến vị trí và diện tích thửa đất chứ không phải thấy người khác mua mà đua nhau mua theo, dễ gặp rủi ro.

THÙY AN

Nguồn Báo Văn hóa: http://baovanhoa.vn/ch%C3%ADnh-tr%E1%BB%8B/thay-gi-khi-dat-nen-ven-bien-lang-co-tang-gia