Thay động mạch khoeo bằng mạch nhân tạo thành công, bảo tồn chân cho người bệnh

Kĩ thuật thay động mạch khoeo bằng mạch nhân tạo là kỹ thuật khó, đòi hỏi bác sĩ phẫu thuật tim mạch lồng ngực phải được đào tạo chuyên môn bài bản, giàu kinh nghiệm. Với kĩ thuật này, bệnh nhân bị tai nạn giao thông nặng có thể được bảo tồn chân, mang lại nhiều lợi ích sức khỏe cho người bệnh sau này.

Bệnh nhân Ngô V. H. (45 tuổi, TP Hạ Long, Quảng Ninh) được cấp cứu tại Bệnh viện Bãi Cháy sau tai nạn giao thông bị mất vận động cẳng chân trái, đùi phải với các chấn thương nghiêm trọng như: gãy liên mấu xương đùi phải, gãy hở 1/3 trên hai xương cẳng chân trái.

Một ca phẫu thuật của các bác sĩ tại Bệnh viện Bãi Cháy.

Một ca phẫu thuật của các bác sĩ tại Bệnh viện Bãi Cháy.

Các bác sĩ đã hội chẩn chuyên khoa và chỉ định phẫu thuật kết hợp xương đùi phải, hai xương cẳng chân trái. Sau phẫu thuật 1 ngày, tình trạng hai chân bệnh nhân hồng ấm, ổn định, các cơ quan khác chưa phát hiện gì đặc biệt. Bệnh nhân đã được đánh giá bằng khám lâm sàng và siêu âm Dopler mạch để kiểm tra.

Ngày thứ hai sau phẫu thuật, chân phải bệnh nhân xuất hiện đau, sưng nề nhiều, giảm vận động và cảm giác. Bệnh nhân được chỉ định siêu âm Dopler và chụp CT-Scanner mạch dựng hình. Các bác sĩ chẩn đoán, bệnh nhận bị tắc động mạch khoeo phải do huyết khối sau chấn thương/hậu phẫu ngày thứ 2. Tiên lượng nguy cơ cắt cụt cẳng chân cao, bệnh nhân được chuyển mổ khẩn cấp để bảo tồn chân.

Quá trình phẫu thuật, ê kíp bác sĩ thực hiện ca mổ nhận thấy động mạch khoeo của bệnh nhân H. tổn thương trên đoạn dài trên 3cm, đụng dập trong lòng chứa đầy huyết khối, không còn nhịp đập tại chỗ và bên dưới vùng tổn thương. Các bác sĩ đã tiến hành cắt bỏ đoạn mạch tổn thương, dùng Forgaty lấy huyết khối và nong rộng mạch, sau đó thay động mạch khoeo bằng động mạch nhân tạo cho bệnh nhân.

Ngay khi phẫu thuật thay mạch kết thúc, động mạch chày trước, động mạch chày sau bắt rõ, đầu chi hồng ấm. Từ ngày thứ 2 sau phẫu thuật thay mạch, chân bệnh nhân hồng ấm, có cảm giác và dấu hiệu vận động. Bệnh nhân được chăm sóc điều trị tích cực để khâu lại vết mở cân trong 7-10 ngày tới.

Bác sĩ thăm khám chân cho người bệnh sau phẫu thuật thay động mạch nhân tạo.

Bác sĩ CKI. Hoàng Văn Quyết – Khoa Ngoại Thần kinh, lồng ngực Bệnh viện Bãi Cháy cho biết: “Chăm sóc, theo dõi sát tình trạng của bệnh nhân, chúng tôi đã phát hiện kịp thời tình trạng thiếu máu ở cẳng chân phải để chẩn đoán, phẫu thuật kịp thời, giúp bệnh nhân tránh nguy cơ phải cắt cụt cẳng chân".

Việc sử dụng kĩ thuật thay động mạch khoeo bằng mạch nhân tạo, một kỹ thuật khó, đòi hỏi bác sĩ phẫu thuật tim mạch lồng ngực phải được đào tạo chuyên môn bài bản, giàu kinh nghiệm, cùng với yếu tố thời gian đã quyết định sự thành công. Nếu phẫu thuật viên không thao tác nhanh gọn, chính xác, kéo dài thời gian phẫu thuật, người bệnh có thể đối mặt với các nguy cơ như thiếu máu, thiểu dưỡng, hoại tử cơ dẫn tới phẫu thuật thất bại.

Đặc biệt, trường hợp bệnh nhân Ngô V. H. nếu chuyển tuyến mất thời gian di chuyển, không được phẫu thuật ngay lập tức thì có thể đánh mất cơ hội bảo tồn chân do thời gian thiếu máu chi bị kéo dài.
Cùng với nhiều kỹ thuật thay mạch máu bằng mạch nhân tạo như động mạch chủ bụng, động mạch chậu chung, chậu ngoài, chậu trong, động mạch chi…, việc làm chủ kỹ thuật thay động mạch khoeo chân bằng mạch nhân tạo tại một bệnh viện trên địa bàn Quảng Ninh đã cứu sống, mang lại hy vọng phục hồi cho nhiều người bệnh nguy kịch ngay tại tỉnh mà không phải di chuyển xa, phức tạp và tốn kém.

Linh An - Mạc Thảo (CTV)

Nguồn Quảng Ninh: http://baoquangninh.com.vn/xa-hoi/202008/thay-dong-mach-khoeo-bang-mach-nhan-tao-thanh-cong-bao-ton-chan-cho-nguoi-benh-2497832/